.
.

Truyện ngắn: Báo Hiếu Thời Nay- Tác phẩm dự thi “Hoa Hiếu Hạnh”


Tiếng kèn, trống đám ma nghe thật thê lương trong đêm vắng lặng. Gió từ sông cái thổi lên bờ nghe phù phù. Trăng sáng vành vạnh.

Ngoài cái rạp to đùng phía ngoài, mấy cái tụ đánh bài “cát tê”, “tiến lên” giờ đã vắng lặng hơn đầu hôm. Mấy tay “uống rượu nghiền” vẫn còn cầm kha kể chuyện Nam Tào, Bắc Đẩu để phá tan bầu không khí ảm đạm, đau buồn đang đè nặng lên gia quyến người xấu số.

Ở xứ cù lao này, nhắc tới ban nhạc đám ma “Chín Tần” là ai cũng biết, bởi dàn nhạc này quy tụ nhiều tay nhạc công lừng danh.

Chín Tần thổi kèn nghe đứt từng đoạn ruột. Hai Thẹo đờn ghi ta chạy chữ rong rong nghe thiệt đã cái lỗ tai. Tám Lé thì đánh trống đám ma khỏi chê với hai cái cây dùi đánh rất bài bản, lang lớp và điệu nghệ. Riêng Ba Tung thì đờn cò nghe muốn rơi nước mắt. Hễ “thằng chả” đờn lên là nhiều người nghe “dợn óc” và nổi da gà.

Ban nhạc này đi “mần ăn” khắp nơi, nhiều lúc phải từ chối nếu như có đám tang trùng ngày. Thấy vậy mà không ai có dư. Có lẽ lời nguyền từ kiếp trước đã để lại rằng: làm gì chớ làm nhạc công đám ma thì cả đời cháu con hổng khá nổi.

Trong cơn say bí tỉ, Chín Tần cao hứng nói liền một mạch:

– Tui nói thiệt nghe, ở cái miệt cù lao này, đứa nào hiếu thảo, thiệt bụng, thiệt dạ, tui rành quá cỡ thợ mộc. Đứa nào nước mắt cá sấu tui cũng rành tuốt luốt. Mẹ. Còn sống nó bỏ lên bỏ xuống thân sơ thất sở, giờ chết rồi cúng vái tá lả âm binh, làm như có hiếu dữ lắm. Tui mà như mấy người mới “ngủm cù đẽo” hiện hồn dìa đây chửi mắng, rượt cho nó té đái trong quần luôn.

– Cha xỉn nói chuyện từa lưa hột dưa hết vậy cha? Đèn nhà ai nấy sáng. Cha làm sao biết chuyện thiên hạ. Ăn mắm, ăn muối nói bậy, nói bạ, chúng “oánh” chạy không kịp nghe- Hai Lé chọc quê.

– Chạy cái mốc xì. Tui là thổ địa xứ này mấy mươi năm. Con ruồi bay qua là tui biết đó là ruồi đực hay ruồi cái rồi- Chín Tần cười hì hì, thuận tay rót một ly rượu Phú Lễ- Bến Tre tự thưởng rồi uống nghe cái trót thiệt ngon lành.

Nghĩ cũng ngộ. Hồi nhỏ, tía má ông từng mơ ước thằng con thứ chín đẹp trai nhất nhà sẽ công thành danh toại làm kỹ sư, bác sĩ gì đó hay ít nhất cũng làm thầy giáo miệt vườn cho nở mặt, nở mày với bà con lối xóm cù lao này.

Vậy mà đùng một cái, Chín Tần bỏ nhà đi theo ban nhạc đám ma mé bên kia sông Cái, mấy năm sau mới vác cái mặt về nhà xin tạ tội. Tía ông “nện” cho ông mấy chục cây roi mây đau điếng, máu túa ướt đít quần, đứng lên hổng nổi, phải nằm liệt giường, liệt chiếu mấy ngày.

Giận thì đánh con vậy thôi, chớ tía ông biết ông “nghiền” ban nhạc đám ma hồi nhỏ lận. Nhiều lần theo ông đi đám, Chín Tần cứ ngồi chông ngốc phía dưới bộ ngựa của mấy ông thầy đờn để “ăn cắp” ngón đờn, cách đánh trống với đôi mắt lom lom vì thích thú, mê say.

– Tía giận thì đánh con. Thôi bây mê đờn trống mà bỏ học thì tùy. Có làm thì có chịu, sau này đừng có trách. Nhưng tía dặn…

– Dạ. Tía dặn gì con xin nghe.

– Nghĩa tử là nghĩa tận. Phải giúp tang gia chu đáo, không được tính “tán” vụ lợi. Tội chết, nghe không.

– Dạ. Con nhớ rồi- Chín Tần đáp lí nhí.

Khởi nghiệp mới đó đã gần bốn mươi năm với bao buồn vui lẫn lộn. Hôm nay ban nhạc chú phục vụ đám tang hoành tránh nhất xóm cù lao này. Người vắn số có xa lạ gì với chú đâu, bởi hai nhà gia đình cách nhau một khoảng sân vườn trồng toàn vú sữa “lò rèn”. Người quá cố là một bà cụ gần 80 tuổi.

Cụ ông mất đã ba mươi năm, con thì đông nhưng hiếm khi thấy chúng về thăm hỏi mẹ mình. Đổi lại sự chăm sóc trách nhiệm làm con chung ấy là thuê một người giúp việc ở chung với cụ lo chuyện cơm nước, ốm đau.

Chú nhớ lắm những ngày tết sắp đến, bà cụ kêu người chăm chút từng trái vú sữa để đãi con cháu khi chúng về ăn tết. Sẵn cho chúng mang về thành phố làm quà cho bạn bè ăn lấy thảo.

Có lần thấy Chín Tần thức khuya trầm từ bên mấy chung trà “quạo”, bà cụ chống gậy qua tâm sự:

– Bây tính làm nghề thổi kèn tới chừng nào nghỉ? Rồi hổng tính tới chuyện vợ con gì đi! Lỡ già có khát làm sao bò ra lu nước tự uống một mình?

– Trời kêu ai nấy dạ dì ơi! Tại con mê thổi kèn nên quên tính chuyện cưới vợ. Mà làm nghề này “đã” lắm, biết đủ chuyện buồn vui hết. Đông Tây kim cổ chuyện gì cũng biết, nhất là chuyện thế thái nhân tình. Ngoài mặt thì nam mô chớ bụng đầy dao găm- Chín Tần cười khì khì.

– Tao cũng buồn lắm. Thuở đời nay, bảy tám đứa con, nuôi tới lớn ăn học đề huề, ruộng đất bao nhiêu tao cũng bán sạch miễn tụi nó ăn học tới nơi, tới chốn. Giờ đứa làm giám đốc, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư. Vậy mà… – Bà cụ im lặng với đôi mắt đỏ hoe.

Có lần cụ ốm nặng, người giúp việc chạy đôn chạy đáo nhắn tin, gọi điện lên Sài Gòn, rồi chỉ thấy mỗi thằng con út lái xe bốn bánh về thăm với lủ khủ bánh mứt, trái cây, sữa ngoại nhập. Nó nói mấy người kia bận chuyện kinh doanh nên không về, chỉ gởi về khá nhiều tiền, quà cho mẹ với lời nhắn “…Mẹ thông cảm, chúng con bận quá, mẹ có thèm gì thì ăn nấy, đừng tiếc tiền…” Gặp Chín Tần, cụ kể: “Buồn lắm! Gần đất xa trời như cụ thì có ham muốn ăn uống gì nữa đâu. Cụ chỉ mong gặp mặt con cháu nhiều hơn giữa không gian luôn quạnh quẽ đến nao lòng”.

Nhiều lúc rảnh rỗi, cụ chống gậy sang nhà Chín Tần tâm sự. Cụ sợ nhất là lúc đêm về, nỗi cô đơn trống vắng tình thương gia đình làm cụ không sao ngủ được. Vậy là thức trắng để nhớ chồng, nhớ con, nhớ cháu, nhớ cái thuở hàn vi nhưng hạnh phúc làm sao, bởi mỗi ngày bên mâm cơm đạm bạc luôn có đủ mặt các thành viên trong gia đình.

Đám tang bà cụ quá lớn khiến người dân cù lao bàn tán xôn xao. Trong căn nhà ba tầng sang trọng to nhất khu phố này.

Nhà cao và rộng, lũ con xây để về ngủ khi đến lệ giỗ ba chúng. Mỗi năm, cụ chỉ có được một ngày hạnh phúc vì gặp đầy đủ các con cháu. Hôm sau thì vắng tanh, chỉ còn cụ và người giúp việc. Đến tết, chúng cũng ít khi có mặt đầy đủ vì phải đi ngoại giao chúc tết, tiếp khách lu bù. Đêm giao thừa nào cụ cũng khóc và thức đến sáng.

Đêm nay nhạc tây, nhạc ta inh ỏi nối tiếp nhau sau các đợt tụng kinh siêu thoát. Xe du lịch của bạn bè lũ con đậu kín con đường to rộng nhất cù lao này. Đám tang làm heo, bò, gà vịt liên tục.

Bàn nhậu này kéo theo bàn nhậu khác rôm rả. Chúng nó mướn cả đoàn ca nhạc và làm xiếc đến phục vụ suốt đêm. Nghe đâu cái quan tài cụ nằm trị giá gần trăm triệu đồng. Chúng còn mua đất trong nghĩa trang tư nhân cao cấp để cụ an nghỉ chớ không chịu để cụ nằm trên đất nhà.

– Mấy đứa con bà Tám có hiếu hết sức, làm đám ma linh đình, chắc dưới âm ty bả cũng nở mặt nở mày- tiếng bà Sáu “bánh khọt” nói.

– Hiếu mới lạ! Hổng lẽ ngay nhà người ta mà mình nói huỵch tẹt ra hổng nên. Cả đám con lo làm giàu có ngó ngàng gì tới bả đâu. Bả đâu cần tiền. Bả cần tình thương, sự lễ phép của đám con- Chín Tần nói khẽ.

Có xa xôi gì lắm đâu, ở đầu cù lao này, ai cũng biết tới chuyện đám ma bà Bảy “chuối chiên”. Nhà nghèo nhất xứ này mà không đứa con nào bị dốt. Vợ chồng nghèo mà thương nhau thiệt bụng, con cái hiếu thảo vô chừng.

Hồi đám ma không ai cầm được nước mắt vì biết rõ tỏng tòng tong chuyện mấy đứa nhỏ thay nhau túc trực ngày đêm trong bệnh viện đến lúc bả mất. Cám cảnh, Chín Tần dẫn quân tới phục vụ miễn phí ngọt xớt. Tiếng kèn não nuột của ông vang xa lồng lộng trên sông lạnh nghe xót xa lòng. Có lúc đang thổi kèn, ông phải ngừng lại vì xúc động dâng trào. Lũ nhỏ có hiếu làm sao…

Vậy mà đêm nay, tiếng kèn đám ma của ông nghe nghèn nghẹn làm sao dù mấy đứa con của bà Tám đã hào phóng nhét vào túi ông bảy triệu đồng tiền công của hai đêm phục vụ đám ma. Số tiền quá hậu hỉnh và cũng là lần đầu tiên ông có được trong đời thổi kèn của mình.

Tuyệt nhiên không thấy một giọt nước mắt nào tại đám tang. Có lẽ lũ con đã mãn nguyện với sự hiếu thảo của mình, hay có lẽ các con đã thấy lòng nhẹ nhõm vì từ nay không sợ người đời cho là bất hiếu nữa, từ nay khỏi phải điện thoại thăm nom, hay phải phóng xe hàng trăm cây số về thăm mẹ khi trái gió trở trời.

Tiếng kèn đám tang bất chợt lại vang lên thống thiết trên dòng sông rộng mênh mang nước chảy.

 

Tác giả : Phan Thị Anh Thư

Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ