.
.

Quét Dọn Tốt Cho Bạn – Hãy Học Nó Từ Tôi


Các nhà tư vấn sức khỏe tinh thần thường khuyến nghị khách hàng của họ lau chùi môi trường nhà cửa hàng ngày. Bụi bẩn và dơ dáy có thể là triệu chứng của bất hạnh hoặc bệnh tật. Nhưng sạch sẽ không chỉ là sức khỏe tinh thần mà nó còn là dạng thực hành cơ bản nhất mà tất cả các trường phái của Phật giáo Nhật Bản đều có. Trong Phật giáo Nhật Bản, người ta tin rằng thứ mà bạn phải làm để theo đuổi tâm linh của mình chính là sạch sẽ, sạch sẽ và sạch sẽ. Điều này xuất phát từ chỗ thực hành quét dọn là sức mạnh.

Jan-18-B14-H01

Tất nhiên, với tư cách một nhà sư dành trọn tâm huyết cho cuộc sống tôn giáo, tôi phó thác vào những giáo lý và thực hành Phật giáo. Nhưng bạn không cần phải chuyển sang một thứ tôn giáo mới để học về tôn giáo đó. Mối liên hệ của nhiều người với từ “tôn giáo” có thể bao gồm một mớ nguyên tắc để quy định giá trị và hành động của con người; sự khởi tạo của một thực thể siêu việt phi lý; hoặc ý tưởng về chỗ nương tựa cho những người không thể tư duy cho chính mình. Dẫu vậy với tôi, một tôn giáo đáng kính không tồn tại để bó buộc những giá trị và hành động của con người mà tôn giáo đó tồn tại để giải phóng con người khỏi các hệ thống và tiêu chuẩn đã định vị xã hội.

Thực hành quét dọn, tức những việc hằng ngày chúng ta làm như quét dọn, lau chùi, đánh bóng, sắp xếp… là một bước trong hành trình hướng đến tĩnh tại. Trong Phật giáo Nhật Bản, chúng tôi không phân tách một cá thể ra khỏi môi trường của nó và quét dọn biểu lộ sự tôn trọng của chúng ta dành cho chúng sinh cũng như dành cho ý nghĩa của cái toàn thể với thế giới bao quanh ta.

Bạn có thể thấy sự hiện hữu của tự nhiên trong truyền thống Sado (trà đạo) hay Kado (cắm hoa) Nhật Bản, cả hai truyền thống này đều bắt nguồn từ Phật giáo. Nhưng ý nghĩa về cái gọi là “tự nhiên” ở Nhật Bản đã bị ảnh hưởng một cách mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Chữ “Shizen” (tự nhiên) phản ánh quan niệm con người là trung tâm của vũ trụ, ở đó con người đứng trên đỉnh muôn loài như một sứ giả của đấng tạo hóa.

Nhưng đồng thời cũng tồn tại một ý nghĩa khác của “tự nhiên” xuất phát từ tiếng Nhật cổ. Chữ “Jinen” – đã từng mang nghĩa “tự như” (để mọi thứ như nó vốn dĩ – ND) – là một định nghĩa gần hơn với triết học Phật giáo, có mối liên hệ với thuyết vật linh và truyền thống thờ tự nhiên.

Sau khi Phật giáo và nhiều loại triết học khác được truyền đến Nhật Bản, người ta bắt đầu nhận ra tự nhiên không chỉ tồn tại trong con người mà còn hiện diện trong mọi chúng sinh, thậm chí trong núi, trong sông, trong cây cỏ. Quan điểm về tự nhiên này bám rễ trong văn hóa Nhật Bản hiện đại – chẳng hạn, các nhân vật Pokémon hay các bộ phim của Studio Ghibli như Arrietty với những thông điệp bảo vệ môi trường của chúng. Kết quả là, thậm chí khi chúng ta phát âm chữ tự nhiên là “shizen” thì thuật ngữ này vẫn mang theo nó ý nghĩa của người Nhật rằng con người không nằm ngoài tự nhiên mà là một phần của nó.

Phật giáo cho rằng ý niệm mà bạn sở hữu nhân cách của chính mình là một sự khải thị mà cái tôi của bạn tự tạo ra, đồng thời quét dọn là một công cụ để buông bỏ nó. Chữ “nhân loại” trong tiếng Nhật nghĩa là “con người” và “nằm giữa”. Nhân loại là “một người ở giữa”. Do vậy, bạn với tư cách là một con người chỉ tồn tại thông qua mối quan hệ của mình với những người khác như bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Bạn với tư cách một con người sở hữu những từ ngữ, biểu cảm nét mặt cũng như hành vi riêng biệt nhưng những phương diện này chỉ phát triển thông qua sự tương tác và kết nối của bạn với những người khác. Đây chính là ý niệm về “en” hay “sự tương thuộc” trong Phật giáo.

Thực hành quét dọn theo đạo Phật đem đến cho mỗi người chúng ta cơ hội để hiểu về ý niệm này. Bạn không cần phải có những kỹ thuật đặc biệt, thuê một phụ tá quét dọn chuyên nghiệp hay viện đến các nhà sư để tổ chức những nghi lễ chuyên biệt.

Cách thực hành vô cùng đơn giản. Quét dọn nhà bạn từ trên xuống dưới, quét một cách cẩn thận dọc theo các lớp và tay cầm của các vật thể. Sau khi bạn bắt đầu quét dọn nhà mình, bạn có thể mở rộng thực hành quét dọn đến những thứ khác như cơ thể mình. Làm cách nào bạn có thể áp dụng thực hành quét dọn đối với tư duy của bản thân là vấn đề tôi muốn dành lại chưa trả lời nhưng nếu bạn thực hành quét dọn, quét dọn và quét dọn nhiều hơn nữa bạn sẽ từ từ nhận ra mình đã tẩy trần thế giới nội tại cũng như ngoại tại của bản thân.

Tất nhiên, đôi khi một số ngôi chùa ở Nhật cũng thuê những người quét dọn khi họ thiếu người chăm lo việc này. Nhưng các nhà sư Phật giáo cũng tự mình quét dọn mọi thứ. Điều này là bởi vì thực hành quét dọn không chỉ là công cụ mà tự nó còn là một mục đích.

Với tư cách một phương cách thiền định thì thực hành quét dọn không có điểm dừng. Ngay sau khi tôi cảm thấy hài lòng với sự sạch sẽ của ngôi vườn tôi đã quét thì lá rụng và bụi bẩn lại đã được chất thành đống. Tương tự, ngay sau khi tôi cảm thấy bình yên với chánh niệm vô ngã thì giận dữ, ghen tị một lần nữa lại xuất hiện trong ý nghĩ của tôi. Tự ngã không ngừng lớn lên trong trí nghĩ của tôi, vì vậy tôi không ngừng quét dọn nhằm đạt đến bình yên tĩnh tại của mình. Không có quét dọn, không có cuộc sống.

* Tác giả: Shoukei Matsumoto là một nhà sư Phật giáo tại Chùa Komyoji, Tokyo, Nhật Bản. Shoukei Matsumoto là tác giả cuốn sách A Monk’s Guide to a Clean House and Mind (tạm dịch: “Hướng dẫn cho một ngôi nhà và suy nghĩ sạch sẽ của một nhà tu hành”) do Penguin xuất bản.

Dân Nguyễn (Dịch từ The Guardian)