Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Phật giáo thế giới ngày 26-5-1950, gồm 26 quốc gia họp tại Thủ đô Colombo, Tích Lan (Ceylon) hay Sư Tử Đảo (Srilanka), phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Tố Liên đại diện. Hội nghị đã quyết định lấy ngày Đại lễ Phật đản (Vesak) là Rằm tháng Tư âm lịch, bao gồm ý nghĩa Tam hợp lễ kỷ niệm Phật Đản sanh – Thành đạo – Nhập Niết-bàn.
Qua đó, cách nay hơn 25 thế kỷ, vào năm 623 trước Tây lịch, tại vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), nay là Rumindai xứ Ấn Độ cổ, thuộc vùng Terai nước Népal, Bồ-tát Hộ Minh (Satusetu), hiện thân là Bồ-tát Sĩ Đạt Đa (Sidhattha) con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mahamaya), nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), sau 3 A tăng kỳ kiếp tu hành, theo Phật giáo Nam truyền là 20 A Tăng kỳ, 100 ngàn kiếp, nên Cổ đức nói: “Tăng kỳ quả mãn, bách kiếp tu hành”. Nghĩa là A Tăng kỳ thứ nhất, tu hành 6 pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ và chế ngự phần hiện hành của phiền não (Kilesa). A Tăng kỳ thứ hai, đoạn trừ từng phần phiền não. A Tăng kỳ thứ ba, đoạn trừ hoàn toàn phiền não, không còn sinh tử luân hồi.
Theo kinh Cariyà Pitaka, Bồ-tát tu tập 10 hạnh Ba-la-mật: Bố thí (Dana), Trì giới (Sìla), Xuất gia (Nekkhamma), Trí tuệ (Panna), Tinh tấn (Viriya), Nhẫn nại (Khanti), Chơn thật (Sacca), Quyết định (Adhithhàna), Tâm từ (Metta) và Tâm xả (Upekkha). Do đó, khi Bồ-tát Hộ Minh từ Cung trời Đâu Suất (Tusita) giáng trần tại vườn Lâm-tỳ-ni, dưới gốc cây Vô Ưu (Asoka), theo kinh Hoa Nghiêm, phần nói về 8 tướng Thành đạo của Bồ-tát, Ngài nói: “Trên cõi Trời, trong cõi Người. Ta là bậc Tôn quý, vì nhận thấy sự bình đẳng với tất cả chúng sanh. Và đoạn trừ phiền não, sinh tử cho chúng sanh và cho chính mình, không còn sinh tử nữa, đây cũng là kiếp cuối cùng”.
Theo kinh Tạng Pali, Ngài nói: “Kiếp này là cuối cùng, duyên sinh không còn nữa. Trên trời và dưới đất, Ta là bậc tôn quý” (Aggohamasmi Lokasmim/ Settho ettho anuttaro/ Ayaca antimà Jàti/ Natthi dàmi Punabbhavo).Vì vậy, dù là sự Đản sinh, nhưng đã viên mãn 3 A Tăng kỳ kiếp tu hành, cũng như đoạn trừ hết sự sinh tử luân hồi cho chính mình và chúng sanh. Thế nên, sự Đản sinh theo Khế kinh gọi là sinh tử diệt – Niết-bàn (Jatimara Nirvana).
Vì sự viên mãn, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi như thế, nên kinh Tăng Nhất nói: “Này chư thiên, có loài hữu tình phi thường, vì hạnh phúc cho số đông, cho chư thiên và loài người. Vì lòng thương tưởng cho đời, nên xuất hiện ở thế gian. Đó là Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác” (Kinh Tăng Chi – phẩm Một Người).
Qua đó cho thấy, sự ra đời của Đức Phật mở đầu cho một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của nhân bản, tình thương, sự bình đẳng và giác ngộ của chúng sinh, mà Ngài là người biểu thị cao độ và xứng đáng là Đấng Trung tôn. Thế nên, kinh Pháp Hoa nói: “Này chư Thiên, Bà La môn: Ta là Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Là Đấng Nhất thiết Trí, Nhất thiết kiến, bậc Khai đạo, bậc Tri đạo, bậc Thuyết đạo… ”
Đồng thời, sự tu tập, chứng ngộ của Ngài cũng như các Đức Phật quá khứ, theo kinh Bản Duyên, kinh Đại Bổn cũng là một khuôn mẫu như Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi). Qua 49 ngày tư duy dưới cội cây Tất Bát La (Pipala) làng Uruvela nước Ma Kiệt Đà, nay là thành phố Gaya, thủ phủ Patna, bang Bihar, Cộng hòa Ấn Độ, Ngài đã quán pháp 12 nhân duyên theo hai chiều thuận nghịch và đoạn trừ hoàn toàn phiền não vô minh.
Nghĩa là do vô minh làm duyên nên có Hành. Do Hành làm duyên, nên có Thức. Do Thức làm duyên nên có Danh sắc. Do Danh sắc làm duyên nên có Lục nhập. Do Lục nhập làm duyên nên có Súc. Do Súc làm duyên nên có Thọ. Do Thọ làm duyên nên có Ái. Do Ái làm duyên nên có Thủ. Do Thủ làm duyên nên có Hữu. Do Hữu làm duyên nên có Sanh. Do sanh làm duyên nên có Lão tử.
Ngược lại, nếu không có Vô minh làm duyên thì không có Hành, có nghĩa là Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Súc diệt, Súc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt nên Ái diệt, do Ái diệt nên Thủ diệt, do Thủ diệt nên Hữu diệt, do Hữu diệt nên Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não diệt. Như kinh Tạp A Hàm nói: “Ai thấy được lý duyên khởi, là thấy được pháp tánh. Ai thấy được pháp tánh là thấy được Như Lai tánh” (Kinh Tương Ưng).
Như Cổ đức nói: “Lang thang mấy độ luân hồi. Vô minh thuở trước xa khơi dặm về. Trông ra bể ái nguồn mê. Một phen giác ngộ trở về nguồn chơn”. Qua đó, kinh Pháp cú đã xác định: Ta đi lang thang trong vòng luân hồi, trải qua bao kiếp sống. Tìm mãi không gặp kẻ làm nhà. Hởi kẻ làm nhà, ngươi không được làm nhà nữa. Kèo, cột, rui mè của ngươi đã bị ta bẻ vụn. Trí Ta đã đạt đến Vô Thượng Bồ-đề, Tâm không còn những ái dục nữa (Niết-bàn) (PC 153 – 154) như nhà thơ Huyền Không đã nói: “Thế giới thuở nào đang tối tăm, rồi đêm Thành đạo sáng hơn Rằm. Tâm tư đọng dưới Bồ đề thọ, Thành đạo đi vào với tháng năm”. Do đó, sự Thành đạo nói khác đi là Sinh tử đã hết (Tập trí), Phạm hạnh đã tròn (Đạo trí), việc làm đã xong (Diệt trí), không còn thọ thân sau (Khổ trí). Do đó, sự Thành đạo của Đức Phật gọi là Phiền não diệt – Niết-bàn (Kilesa Nirvana).
Sau 49 năm thuyết pháp độ sanh, dùng Tâm từ bi, bình đẳng hóa độ chúng sinh, giáo pháp truyền bá khắp thế gian, làm lợi ích vô số chúng sinh hữu duyên, gián tiếp hay trực tiếp đều được lợi ích. Vì thế Ngài đã mãn nguyện, Phật sự đã xong, do đó, theo Kinh Tạng Nam truyền, ngày Rằm tháng giêng âm lịch (Maghajuta), là ngày Đức Phật hứa với Ma Ba Tuần là sau 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn, tức nhằm ngày Rằm tháng tư âm lịch.
Tuy nhiên, Tôn giả A Nan vì không hiểu được ý nầy, nên đã xin Đức Phật lưu lại thế gian lâu nữa, để làm lợi ích chúng sanh và đệ tử xuất gia chúng con không cảm thấy bơ vơ như mất mẹ. Đức Phật trả lời qua kinh Niết bàn như sau: “Này A Nan, còn chờ đợi Như Lai gì nữa. Những gì cần làm Như Lai đã làm xong, những gì đáng độ Như Lai đã độ xong, giáo pháp Như Lai đã quảng bá khắp nơi, cõi người, cõi trời. Đệ tử Như Lai đã đầy đủ 8 chúng. Vậy còn mong chờ gì nữa mà không nhập Niết-bàn” (Kinh Du Hành). Thế nên Kinh Du Hành nói: “Hoa Sa la nở rộ. Các màu chói sáng nhau. Nơi sinh quán thuở xưa. Như Lai vào Niết-bàn”. Vì vậy, nhập Niết-bàn của Phật gọi là Ngũ Uẩn diệt – Niết-bàn (Panca Khanddha – Nirvana).
Song, Đức Phật còn hay mất, qua kinh Biển Cả trong Trung A Hàm Đức Phật trả lời cho vị Bà La Môn Sinh Văn như sau: “Ví như bể cả, có những lượn sóng nổi lên, sau khi sóng không còn, sóng trở về nước biển. Như Lai cũng thế”. Do đó, nói Như Lai còn cũng không đúng, mà nói Như Lai không còn cũng không đúng, vì thế phải tùy duyên để nói theo lý duyên sinh duyên khởi. Nghĩa là những lượn sóng ví dụ cho Ứng Hóa thân Phật hiện ra ở thế giới Ta bà. Những lượn sóng không còn dụ cho Phật nhập Niết bàn. Nước biển dụ cho Pháp giới Pháp thân. Những lượn sóng trở về với nước biển cũng như Ứng Hóa thân Phật sau khi nhập diệt Phật trở về với Pháp thân và sẽ tùy duyên ứng hiện, lúc có, lúc không, chớ không phải mất hẳn cũng không phải còn mãi về mặt thị hiện.
Thế nên, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp thân hiện hữu khắp mười phương. Thường xuyên hiển hiện trước chúng sanh. Không nơi nào là không có. Nhưng thường an trú Bồ đề Đạo tràng” (Pháp thân sung mãn ư thập phương. Phổ hiện nhất thiết chúng sanh tiền. Tùy duyên phó cảm mỵ bất châu, nhi thường xử thử Bồ đề tòa). Theo Kinh Udana Sutra nói: “Trăm sông hướng về biển cả, nhưng không vì thế mà mực nước dâng lên quá cao hay xuống quá thấp. Tương tợ như thế, không vì lẽ có nhiều bậc Thinh văn, Phật độc giác và Phật toàn giác nhập Vô dư Niết bàn, mà Niết bàn đó quá đông đúc hay quá thưa thớt”.
Tóm lại, sự Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Phật, đều mang hai ý nghĩa viên mãn là Nhân quả viên mãn và Diệt độ viên mãn, do dù là Đản sinh nhưng đã viên mãn nhân quả tu hành trong 3 A Tăng kỳ kiếp, đoạn trừ sinh tử không còn tái sinh, nên gọi là Sinh tử diệt – Niết bàn. Thành tựu đạo quả là sự viên mãn về quả vị đầy đủ 10 hiệu, Tam minh, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông, Thập lực, Giải thoát thanh tịnh, giác ngộ hoàn toàn, nên gọi là nhân quả tu chứng viên mãn và đoạn trừ hoàn toàn phiền não vô minh, nên gọi phiền não diệt – Niết bàn.
Cho đến khi nhập Niết-bàn cũng là một sự viên mãn nhân quả Phật sự và đoạn trừ hoàn toàn sinh thân và sinh y, nên gọi là Ngũ uẩn diệt – Niết bàn. Như vậy, về mặt Pháp thân, Đức Phật vẫn còn ở với chúng ta, ở trong ta và khắp mọi nơi như là không khí, từ trường hiện hữu khắp cả hư không 10 phương thế giới. Nên Cổ đức dạy: “Con Niệm Phật để lòng nhớ mãi. Hình bóng Ngài cứu khổ chúng sanh. Nguyện theo Ngài trên bước đường lành. Con Niệm Phật để rồi thành Phật”
HT.Thích Thiện Nhơn