.
.

Hong Kong: Đại Sư Sri Lanka Đăng Kí Xây Chùa


 Một nhà sư Sri Lanka đến sân bay Hong Kong lúc nửa đêm một ngày tháng chín năm 2015 chẳng có gì ngoài địa chỉ của một ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc ở Yuen Long. Nhà tu hành này đã thuê một chiếc taxi và đến ngôi chùa nói trên vào lúc 2 giờ sáng.

May-18-B17-H01

Hầu hết người Sri Lanka thực hành Phật giáo Theravada. (Nguồn: SLBCCHK)

Không đến ba năm sau, đại đức Sumiththa Thero đã thành lập một trung tâm văn hóa Phật giáo dành cho 2000-3000 người Sri Lanka trong thành phố và nộp hồ sơ xin xây dựng một ngôi chùa tương tự như ở Sri Lanka.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã đăng kí với tư cách một hội sở theo quy định của Hong Kong. Chúng tôi đã nộp đơn đến Cục Nhà ở xin sử dụng 6 ha đất”, đại đức Sumiththa nói trong cuộc phỏng vấn.

“Họ đang thụ lý đơn đăng kí của chúng tôi. Theo yêu cầu của Cục, chúng tôi đã đăng kí với tư cách một tổ chức từ thiện. Địa điểm xây chùa thích hợp nhất nên nằm ở gần rừng. Chúng tôi cần xây dựng một hội trường dành cho 300-400 người cùng với một khu lưu trú, nhà bếp, không gian dành cho nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi sẽ sử dụng các kiến trúc sư và thợ mộc từ quê nhà, có lẽ sẽ hoàn toàn miễn phí”.

“Các nhà sư Sri Lanka ở Hong Kong có thể ở trong chùa. Tôi cũng mong xây được một bảo tàng nhỏ để truyền bá tri thức về văn hóa và lịch sử Sri Lanka”.

Cộng đồng Sri Lanka có một lịch sử khá lâu ở Hong Kong. Một số người Sri Lanka đã đến đây từ những năm 1970. Nhiều người trong số họ là bác sĩ, giáo sư, doanh nhân, chuyên gia… Có khoảng 60 người làm việc trong HSBC và nhiều số khác làm công nhân tại Hong Kong.

“Hơn 70 phần trăm người Sri Lanka đã sống ở đây hơn 10 năm”, đại sư Thero cho biết. “Nhiều người có chứng nhận lưu trú dài hạn và có kế hoạch ở lại lâu dài”.

Trước khi đại đức Sumiththa Thero đến, cộng đồng Sri Lanka không có một nhà sư lưu trú dài hạn nào cả, chỉ có một số đang theo học tại Đại học Hong Kong. Ngay cả Sumiththa Thero cũng đến Hong Kong bằng visa du học một năm thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Phật học ở đại học nói trên.

Đại sư Sumiththa Thero là nhà sư của Chùa Vàng nằm ở Dambulla, một di sản thế giới nằm cách Kandy, miền trung Sri Lanka, 72 km. Chùa Vàng chỉ có khoảng hơn 20 nhà tu hành.

Trong năm học của mình ở Đại học Hong Kong, Sumiththa Thero đã có nhiều buổi thuyết pháp trong các chương trình lễ hội tôn giáo và nhiều người đã đề nghị đại sư Thero lưu lại Hong Kong. “Tôi gặp nhiều đứa trẻ Sri Lanka – những em không hiểu gì về văn hóa của chính mình. Tôi đã bắt đầu một lớp học để dạy chúng văn hóa Sri Lanka và các nguyên lý Phật giáo bởi vì chúng có quyền được biết về văn hóa và tôn giáo của mình”.

Sau khi đại sư kết thúc lớp học này, ông đã thành lập một Trung tâm Văn hóa Phật giáo Sri Lanka với sự tham gia của 220 thành viên và thuê một không gian thuộc một chung cư ở Prince Edward vào tháng 12 năm 2016.

Vào tháng ba năm 2017, họ đã chuyển trung tâm đến vị trí hiện tại nằm trên tầng ba của một tổ hợp chung cư thương mại ở đường Sheung Heung, To Kwa Wan. Ở đây, họ tổ chức nhiều buổi lễ tôn giáo và các lớp học thiền, nghiên cứu, thảo luận về đạo đức học và Phật giáo Theravada, tham vấn Phật giáo và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Trung tâm của đại sư Thero còn tổ chức nhiều chiến dịch hiến máu nhân đạo cùng với Hội chữ thập đỏ Hong Kong.

“Mỗi tháng chúng tôi có một buổi đối thoại liên tôn giáo với các lãnh tụ Hồi giáo, đạo Sikh và Thiên Chúa giáo”, đại sư Sumiththa Thero cho hay. “Hiện nay chúng tôi có khoảng 700 thành viên”.

Vì không gian sinh hoạt quá nhỏ nên các hoạt động quy mô lớn rất khó tổ chức, như Phật Đản vào ngày 27/05 tới, họ phải thuê một hội trường gần trường Tiểu học Anh ngữ Po Leung Kuk Lam Man Chan.

“Chúng tôi mở cửa hàng ngày. Người Sri Lanka, người Trung Quốc, người Phương Tây, người Ấn Độ, người Malaysia đều đến đây cầu nguyện. Hơn 90 phần trăm họ đến đây với tấm lòng tươi sáng. Một số người làm điều lầm lỗi và đến để tìm lời khuyên”.

Mục đích của đại sư Sumiththa Thero là xây dựng được một ngôi chùa, điều hành nó trong năm năm rồi sau đó trở lại Sri Lanka để nhà sư khác đến thay thế.

“Phải có được một không gian cố định. Và tôi có thể điều hành nó. Bây giờ tôi không thể về nước khi mà dự án vẫn đang trong quá trình tiến hành”, đại đức Sumiththa Thero chia sẻ.

Những người Sri Lanka thực hành Phật giáo Theravada. Tín đồ Phật môn ở Tây Tạng và Mông Cổ theo trường phái Vajrayana; các tín đồ ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản tu tập trường phái Mahayana. Là một nhà tu hành Theravada, Sumiththa Thero, 36 tuổi, không được phép kết hôn.

“Phật giáo là vô thần”, đại đức chia sẻ. “Chốn nương tựa là chính bạn. Bạn là đại sư. Bạn có đầy đủ sức mạnh trong mình. Bạn chính là vị cứu tinh của chính mình. Bạn có thể phá hủy bản thân hay xây dựng một con người đại bi trong mình. Nếu bạn cư xử tệ, bạn sẽ phá hủy chính mình. Nếu bạn cư xử tốt, nó sẽ dẫn bạn và những người khác đến an vui. Bạn có thể là một ngọn đuốc dẫn đường cho chúng sinh”.

Dân Nguyễn (Dịch từ Ej Insight)