.
.

Phật Tử Thực Sự Đề Cập Đến Điều Gì Khi Họ Nói Về Nghiệp?


Hiện nay, hiện tượng mọi người nói về “nghiệp” của một ai đó là khá phổ biến. Thông thường, “nghiệp” có nghĩa là một người nào đó phải gánh chịu những gì họ xứng phải nhận hoặc một điều gì đó đã được định trước sẽ phải xảy đến. Nhưng các Phật tử thực sự đề cập đến điều gì khi họ nói về “nghiệp”?

31-h01

Minh họa bởi Nolan Pelletier.

Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, trong tất cả mọi khái niệm Phật giáo thì nghiệp (hay nghiệp chướng – ND) là khái niệm khó hiểu nhất. Cách hiểu đơn giản nhất là cặp phạm trù “nhân – quả”: những hành động hoặc trạng thái tư duy tiêu cực ví dụ như gây hấn sẽ gây ra đau khổ cho chính mình và những người khác trong hiện tại và tương lai. Còn tình yêu, lòng vị tha và những phẩm chất tích cực khác sẽ đem lại những ích lợi.

Thích Nhất Hạnh nói nghiệp chướng là những hạt giống chúng ta gieo trồng trong ý nghĩ của bản thân để rồi chúng sẽ đơm hoa kết trái thành khổ đau hay hạnh phúc.

Người ta nói rằng, nếu bạn muốn biết nghiệp chướng trong quá khứ của mình, thì hãy nhìn vào tình trạng cuộc sống hiện tại của bạn. Và nếu bạn muốn biết nghiệp tương lai của bản thân, hãy xem xét tình trạng tư duy/suy nghĩ của bạn hiện tại. Đó là lý do tại sao Phật tử hiểu về nghiệp chướng bao gồm sự tự do – trong mọi lúc, mọi thời điểm chúng ta đều có thể lựa chọn những hạt giống gieo trồng cho hạnh phúc hay khổ đau trong tương lai của bản thân.

Cảnh giới tối thượng là đạt được những ích lợi cao nhất vì không tạo ra bất cứ nghiệp nào, đó cũng là một định nghĩa về giác ngộ. Tuy nhiên, cho đến khi đạt đến cảnh giới ấy, lựa chọn an toàn nhất chính là tập trung vào việc tạo ra nghiệp tích cực. Và, Bát chánh đạo của Đức Phật là một hướng dẫn đúng đắn cho bạn.

Dân Nguyễn (Dịch từ Lion’s Roar)/ Pháp bảo