.
.

Những thành tựu của các cấp cơ sở Phật giáo Thái Nguyên trong việc phát huy vai trò bảo vệ môi trường sống.


Môi trường sống bao gồm tất cả các yếu tố vô sinh và hữu sinh, có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sự hiện hữu của nhân loại. Có thể thấy rằng sự liên hệ mật thiết giữa môi trường sinh thái và đời sống con người là yếu tố không thể tách rời. Những năm gần đây trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng xảy ra rất nhiều thảm họa tự nhiên. Đó là sự nóng lên của trái đất, khí hậu thay đổi bất thường, lũ lụt, môi trường ô nhiễm…Thảm họa động đất vào sáng ngày 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn con người và hàng triệu con người ở 2 đất nước này rơi vào cảnh khốn khổ. Hay mới đây ngày 3/3 hai trận động đất 4,4 độ richter xảy ra tại huyện Mường Tè ( Lai Châu) và 3,2 độ richter xảy ra tại huyện Yên Lạc ( Vĩnh Phúc)  và nhiều thảm họa thiên nhiên khác đã xảy ra liên tục trên phạm vi rộng lớn. Từ những mức độ nguy hiểm đó chúng ta có thể thấy rằng sự “ giận dữ” của Mẹ thiên nhiên trước những hành động, ý thức tưởng chừng như “ vô hại” của con người. Để bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách trong sạch không còn là vấn đề lý luận mà là sự hành động một cách cụ thể hiệu quả và rỏ ràng. Tất cả con người không ai được phép đứng ngoài cuộc trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường sinh thái, vì con người là khách thể thụ hưởng chính những điều mà thiên nhiên mang lại.

 Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên trồng cây xanh tại Chùa Sơn Dược – huyện Đại Từ 

Nhận thức được vai trò to lớn của môi trường đối với con người cho nên trong giáo lý Phật giáo luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục và khuyến khích các tín đồ của mình sống gần gũi với môi trường, hòa mình với  thiên nhiên, giảm thiểu các yếu tố tác động xấu đến môi trường. Có thể thấy Phật giáo là một tôn giáo gắn liền với việc bảo vệ môi trường, điều đó được thể hiện ở việc tôn trọng sự sống, yêu mến tự nhiên và đề cao sự bình đẳng giữa các loài. Và cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mưu Ni là một minh chứng rỏ nét đối với các tín đồ Phật giáo. Với trí tuệ uyên bác Đức Phật thấy rỏ môi trường tự nhiên và con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

 Trong những năm qua Phật giáo Thái Nguyên nói chung và Tăng, ni, tín đồ phật tử  luôn nhận thức đúng về vấn nạn môi trường mà đã có những hành động thiết thực để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống một cách cụ thể, có kế hoạch hành động rỏ ràng. Phật giáo Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ký kết các chương trình, kế hoạch góp phần bảo vệ môi trường như: ký kết với Chi cục thủy sản – Sở Nông nghiêp và phát triển nông thôn tỉnh về việc phóng sinh, thả các loài thủy sản có lợi ra môi trường. Ký kết với UBMTTQ tỉnh về việc Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.  Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Chùa, tự Viện và tín đồ phật tử trong tỉnh  bảo đảm môi trường sống xanh xạch. Qua đó các chùa trên đại bàn tỉnh đã tích cực triển khai và xây dựng mô hình  “ Chùa xanh”. Mô hình này được triển khai hiệu quả và đã lan tỏa đến cộng đồng khu dân cư nơi có cơ sở phật giáo tọa lạc. Có thể kể đến những ngôi chùa đạt chuẩn “ xanh hóa” như Chùa Thuần Lương – Tp Sông công; Chùa Sơn Dược, chùa Bắc Lãm  – Huyện Đại Từ; Chùa Hộ Lệnh, Chùa Bà Ha – Huyện Phú Bình; Chùa Huống, Chùa Linh Sơn – Tp Thái Nguyên,; Chùa Hang – Định Hóa; Chùa Khánh Tân – Phú Lương..v..v. Ngoài những mảng cây xanh hiện có, tất cả các Chùa trên địa bàn đã trồng thêm những cây thân gỗ đến nay đã được 5,6 năm tuổi đang phát triển, tỏa bóng mát và đã trở thành điểm dừng chân của Nhân dân địa phương cũng như du khách gần xa mỗi dịp đến chùa. Chắc chắn những ai đã từng đến những ngôi chùa này một lần đều cảm nhận được bầu không khí trong lành mà thiên nhiên mang lại. Với những kết quả đạt được và mong muốn đến năm 2030 tất cả các chùa trên địa bàn đều có rừng cây xanh  với tuổi đời trên 10 năm tuổi, có thể khẳng định rằng với mô hình “ Chùa Xanh” của Phật giáo Thái Nguyên đang triển khai đã, đang và sẽ lan tỏa đến các chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo khác trên địa bàn.

 Khuôn viên xanh mát tại chùa Thuần Lương – Tp Sông Công

  khuôn viên xanh chùa Hộ Lệnh – Phú Bình

Đặc biệt, năm 2022, Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Từ dã phối hợp với các chùa trên địa bàn huyện phát động chương trình  “ Tết trồng cây xanh” cho du khách phật tử vãn cảnh chùa. Nhận thấy đây là mô hình hay và hợp lý để bảo vệ thiên nhiên cho nên các chùa như: Chùa Mỹ Trạng, Chùa Thanh La, Chùa Khôi kỳ, Chùa Bình Định – Huyện Đại Từ đã đưa ra mô hình “ Trồng cây phúc đức” vào mỗi dịp đầu năm mới. Mỗi người dân khi đến chùa lễ Phật đều nhận được một cây giống về trồng, thay vì vào mỗi dịp đầu xuân, người dân đến chùa đa số nhận được những “ túi lộc” cầu bình an và may mắn trong năm mới. Mặc dù mô hình này mới hình thành, còn mới mẻ và xa lạ với người dân nhưng với sự giảng dạy, tuyên truyền của các chức sắc trụ trì, đại đa số Nhân dân, phật tử đều tin theo.  Mô hình này đã được các chùa kể trên làm rất hiệu quả. Nhưng để hiệu quả và nhân rộng hơn đến với đa số quần chúng là sự phói hợp đồng bộ, nhịp nhàng và thường xuyên giữa các cấp chính quyền địa phương với chức sắc trụ trì các chùa. Ngoài việc trồng cây xanh, kiến tạo cảnh quan nơi cơ sở thờ tự. Các chùa cấp cơ sở trên địa bàn còn nhiều chương trình khác như: phân loại rác thải, cùng Nhân dân phật tử địa phương quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm thông thoáng và sạch sẽ.

 Thanh thiếu niên Phật tử tham gia làm vệ sinh kênh rạch tại phường Bắc Sơn – Tp Phổ Yên 

 Bên cạnh việc phát động nhiều mô hình trồng cây xanh thì việc truyền bá, giảng dạy giáo lý, giáo luật của Đạo Phật đến với quần chúng Nhân dân vào những dịp lễ lớn cũng được chức sắc trụ trì chú trọng. Với giáo lý từ bi, thương yêu muôn loài, bất cứ tín đồ nào theo Phật giáo điều đầu tiên cần phải học là “ không sát sinh”. Đức Phật răn dạy: “ Các loài sinh vật đều có sự sống dù vô tình hay hữu tình, tất cả các sự sống đều đáng giá, trân quý như nhau nên con người cần phải biết yêu thương, xót thương cho những hệ sinh vật khác”. Từ những hệ tư tưởng đó, mà người con Phật không ai còn xa lạ với vấn đề phóng sinh, và bảo vệ sự sống của các loài vật khác. Trong những năm qua Chùa Phúc Long – phường Bắc sơn ( Tp Phổ yên) đã phóng sinh, thả hàng tấn thủy sinh có lợi ra môi trường. Đây là việc làm có ý nghĩa tâm linh rất lớn trong đời sống tu tập của người phật tử. Ngoài việc phát triển tâm từ bi khi phóng sinh thì việc đảm bảo cân bằng môi trường nước cũng được giữ vững. Việc làm này được nhà chùa thực hiện thường xuyên vào mỗi dịp lễ  mùng 1 và rằm âm lịch mỗi tháng, nhằm hướng đến mục tiêu mỗi năm đều phóng sinh trên 5 tấn thủy sinh có lợi ra môi trường. Bên cạnh việc phóng sinh, Chùa Phúc long còn hướng các bạn trẻ thanh thiếu niên trong khu vực tham gia các chương trình vệ sinh thu gom rác thải nhựa tại các kênh rạch trên địa bàn. Bên cạnh đó việc giảng dạy giáo lý, lồng ghép tuyên truyền về việc đảm bảo môi trường sống xanh – xạch đã được tín đồ phật tử hưởng ứng. Cho đến nay gần 1000 tín đồ phật tử chùa Phúc Long nói không với việc xả rác bừa bải. Nhất là việc không thả những đồ thờ củ tại gia đình như bát hương, bàn thờ, đồ thờ cúng củ ra các dòng sông mỗi khi có dịp thay mới.

Để công tác bảo vệ môi trường trở nên thiết thực hơn, bên cạnh việc tuyên truyền và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mỗi tín đồ phật tử, Các chức sắc, chức việc tôn giáo cần nâng cao vai trò của mình và đưa ra những mô hình hiệu quả thiết thực, gắn liền với đời sống của quần chúng. Kết hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường sống xanh –xạch – đẹp. Có thể thấy trong những năm qua, nhằm giải quyết những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, các cấp cơ sở tôn giáo của phật giáo Thái Nguyên đã làm rất tốt vai trò của mình, bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Như lời của Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Uỷ viên thường trực Hội Đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh đã nhắc nhở “ Mỗi người phật tử Thái Nguyên chúng ta nên phát tâm trồng mỗi người một cây xanh, giữ gìn bảo vệ và chăm sóc cho thật tốt và phải lan tỏa đến toàn xã hội trong việc làm sạch môi trường. Mỗi chùa đều có một rừng cây xanh thì tương lai không xa sẽ có những rừng cây cổ thụ cho thế hệ mai sau./.

             Đại đức Thích Thánh Trí

Uỷ viên thường trực Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên

Trưởng Ban ban Thông tin – Truyền Thông