.
.

Sống chậm hay sống thiền?


Đối diện với guồng quay tất bật của xã hội hiện đại, nhiều người, từ Đông sang Tây, đã cổ vũ cho việc “sống chậm” như là một cách để di dưỡng tinh thần, nhìn rõ bản thân, cảm nhận và xác định lại giá trị đích thực của cuộc sống.


Thiền sư Nhất Hạnh thiền hành cùng các bạn trẻ trong một lần về thăm quê hương

Dù vậy, khái niệm sống chậm đến nay vẫn còn khá mơ hồ, dẫn đến ít nhiều tranh cãi. Có người băn khoăn: sống chậm chỉ là một khái niệm tâm lý hay một trào lưu đô thị? Trên trang Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia bản tiếng Việt, có một bài viết, trong đó tác giả cho rằng: “Sống chậm không còn là điều gì đó quá mới mẻ. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật không phải dễ”.

Có nhiều góc nhìn mô tả về việc sống chậm, như: “Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp chảy của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…”; “Sống chậm để được yêu thương, sống chậm để được hờn giận, sống chậm để được thanh thản và sống chậm để được cống hiến”; “Sống chậm để nuôi dưỡng thêm cảm xúc, không để bị trôi đi bởi dòng công việc mà quên mất rằng sống không có nghĩa là tồn tại”.

Hơn 10 năm trước, hai cây bút trẻ Việt Nam đã cùng nhau cho ra đời một tác phẩm có tựa đề Sống chậm thời @. Lẩn khuất trong 30 bài viết nhẹ nhàng mà thấm thía trong ấy, có một tản văn tên “Sống đầy” – đầy vì chật chội những yêu thương, cả đời làm người gieo hạt mà không quan tâm mình có gặt hái được không. Phải chăng, đây là một cách diễn đạt khác, tích cực hơn, để làm đầy thêm cho nghĩa “sống chậm”?

Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng sống chậm là một khía cạnh của thiền, hay là một cách sống thiền đơn giản. Nhìn vào đời sống tu tập nói chung và của Tăng thân Làng Mai nói riêng, nhận định đó không phải không có lý.

Tuy vậy, Phật giáo không có khái niệm sống chậm; Phật giáo cũng không bác bỏ hay khuyến khích sống nhanh – sống chậm, bởi đó là quan niệm và lựa chọn của mỗi người. Phật giáo chỉ nhấn mạnh khái niệm sống chánh niệm – tỉnh giác.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng “chánh niệm là trái tim của thiền tập”. Bởi chánh niệm giúp ta “có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày và sống được sâu sắc những giây phút ấy. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm trong ta và xung quanh ta, những gì có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa tâm thức”. Chánh niệm theo đó không rời tỉnh giác; và có tỉnh giác mới có xả ly. Tỉnh giác – xả ly hay quân bình – tỉnh thức chính là cốt tủy của một lối sống thiền Phật giáo.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy, hàng ngày tâm ý chúng ta thường bị lẫn lộn và mệt mỏi theo đuổi những thứ mà mình ưa thích và trốn chạy những thứ gây nên cảm giác khó chịu, đó là những biểu hiện của tham – sân, mà cội rễ chính là sai lầm trong nhận thức, tạo nên một sự căng thẳng, khổ đau bất tận. Chỉ khi chánh niệm, tỉnh giác, xả ly, chúng ta mới đạt được trạng thái của hạnh phúc, an lạc và mới có thể làm chủ được bản thân.

Nếu sống chậm để có thể dễ dàng nhìn rõ và làm chủ bản thân, ta hãy cứ sống chậm. Nhưng một khi tâm ta đã trở nên thuần thục, thì nhanh hay chậm không là vấn đề, vì trong mọi tình huống ta vẫn có thể tỉnh giác – xả ly. Đó chính là sống thiền trong Phật giáo!

Quảng Kiến