.
.

Triệu người dân hướng về đất Tổ


Mỗi năm đến ngày 10-3 âm lịch, là nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biên giới hải đảo đều hướng về đất Tổ Vua Hùng với một tâm trạng, niềm tin chung, thành kính tri ân hướng về cội nguồn dân tộc.



Nhân dân nô nức đi lễ hội giỗ tổ Vua Hùng 

1. Từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam, ngày 10-3 âm lịch đã trở thành một ngày trọng đại của cả dân tộc. Ðây là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Ðể ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Ðền Hùng, chọn ngày 11 và 12-3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Ðến thời nhà Nguyễn – năm Khải Ðịnh thứ 2 chính thức chọn ngày 10-3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Kể từ năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt.

Vào ngày 6-12-2012, ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 chính là nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Hàng năm, cứ vào ngày này thì người dân Việt Nam dù đang ở đâu cũng cùng nhau hướng về cội nguồn dân tộc. Theo tục lệ, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Ðền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ). Ðây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.

Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Ðền Hùng năm Mậu Tuất – 2018 được tổ chức trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng (TP.Việt Trì) và các xã, phường vùng ven Ðền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ, trong đó trung tâm là Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng và TP.Việt Trì.

Qua các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ, nhất là tôn vinh giá trị 2 di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo BTC, thông qua tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Ðền Hùng nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá thời đại Hùng Vương; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và đặc biệt là di sản “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Tổ chức lễ giỗ Tổ để nhân dân cả nước, người có điều kiện đến tận nơi dâng hương tưởng nhớ, người không có điều kiện hướng về đất Tổ với lòng “uống nước nhớ nguồn”. Đó không chỉ thể hiện tinh thần yêu Tổ quốc, yêu dân tộc, mà còn tình người, tình đời, tình Tổ quốc trong cộng đồng dân cư.

Mai Thắng