Một lời hỏi khan trong không gian vô tận, không biết phải bắt đầu từ đâu và dựa vào chỗ nào để lý giải, khi giềng mối đạo đức bị phá vỡ trầm trọng, như một hệ quả tất yếu nào đó. Đạo đức ơi, mi đang ở đâu?
Những quốc gia Đông phương từng có nền giáo dục đạo đức khắt khe đã bị bỏ quên đến kinh ngạc! Việt Nam là một nước giàu đạo đức truyền thống cũng đang bị thách thức trước bờ mé vực thẳm. Chỉ trong vòng năm ngày mà hai vụ giết người gây chấn động dư luận, một tại Nghệ An (02/072015) bốn mạng người chết thảm trong một gia đình; một Bình Phước (07/07/2015) sáu người chết thảm trong một gia đình. Có người quá khủng hoảng tinh thần chỉ biết thốt lên những lời tuyệt vọng, mất niềm tin cho cuộc sống hôm nay và ngày mai!?
Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao hôm nay tệ nạn xã hội nhiều như thế? Những điều vô cảm, bất hiếu mẹ cha, cướp của giết người không gớm tay, bạo lực, hiếp dâm xảy ra lan tràn hàng ngày trên các mặt báo? Dường như đa phần mọi người đều mơ hồ nhận ra rằng, mọi diễn biến phức tạp chính là một hệ quả tất yếu về thiếu trách nhiệm dạy dỗ con cái trong gia đình, lỗ hổng của một nền giáo dục có tài vô đức của một hay nhiều thế hệ trước, là vấn nạn chung của toàn xã hội. Không biết do vô tình hay cố ý mà học đường lại quên đi hai chữ đạo đức trong việc giáo dục hoặc nói cho có lệ, thậm chí không có người muốn dạy môn này chỉ vì quá phân vân về lợi ích cá nhân.
Lúc đó lòng bao dung, yêu thương, chia sẻ bị đóng kín, nhường chỗ cho tính kiêu ngạo, đố kỵ, ganh tỵ, cười cợt trên nỗi đau của người khác không còn nhận ra đó là thói hư tật xấu đáng hổ thẹn.
Những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, có những câu nói vô cảm, vô đạo đức như: sống không vì mình là trời tru đất diệt. Đây không phải là danh ngôn mà là câu nói rất “hư hỏng” của những kẻ muốn phá hoại xã hội và lòng tốt của người Việt Nam. Ích kỷ là một cố tật khó bỏ của con người, thằng khùng còn biết sống cho mình, và muôn loài cầm thú đều chỉ biết sống cho mình, bất cần điều đó có làm khổ đau cho số ít hay số đông. Dạy cho con biết sống vì người khác cả đời mà còn chưa dám tin huống là un đúc những câu vô đạo đức. Vậy mà, trong thời gian qua, câu nói đó trở nên phổ biến và làm bia miệng cho biết bao người có lối sống ích kỷ hẹp hòi.
Các ngành chức năng hạn chế tối đa và kiểm soát mạnh tay các quán nhậu thương hiệu thịt chó mèo và các tụ điểm ăn chơi có dấu hiệu tệ nạn trên cả nước. Xu hướng ăn chơi tự do không kiểm soát tạo cơ hội cho kẻ thích ăn chơi, đua đòi mà không có tiền khiến chúng có những suy nghĩ về cách kiếm tiền rất nguy hiểm. Vì quá tham lợi nhuận nên tụ điểm ăn chơi tìm mọi cách quảng bá không từ nan bất cứ thủ đoạn nào. Giới trẻ ham mê ăn chơi làm sao thoát được, chúng như con thiêu thân lao vào lửa một cách cuồng dại, thà chết bỏ chứ không biết giác ngộ hồi đầu. Đây là chuỗi liên hệ không thể tách rời
Triệt phá từ trên mạng đến các phương tiện truyền thông phổ biến các loại phim bạo lực, các trò chơi game của trẻ giết người không gớm tay, xem mạng người như cỏ rác, thể hiện lối sống không lành mạnh trên phim, trong game nhưng lại gợi ý, mở đường cho những lối sống bệnh hoạn, gây cảm hứng cho biết bao kẻ thiếu giáo dục bắt chước, cụ thể hóa thế giới ảo thành lối sống hiện thực. Thật đáng khiếp sợ!
Do tham vọng tiền bạc, tiếp thu lối sống ích kỷ, bây chết mặt bây, tình làng nghĩa xóm bị xem nhẹ, tạo cơ hội cho kẻ xấu dễ dàng thực hiện các vụ thảm sát tàn độc mà không có một ai hay biết. Cần phải kịp thời nhận ra ngay nếp sống đẹp của người Việt nam vốn có từ ngàn xưa: đoàn kết là sống, chia rẽ là chết; tối lửa tắt đèn có nhau… Mối quan hệ tốt của xóm làng là những hành động hiệu quả nhất để kịp thời ngăn chặn cái ác và bảo vệ đời sống an ổn cho mỗi cá thể gia đình.
Tăng cường thêm các loại giải trí sinh hoạt lành mạnh, không tạo cơ hội cho những ý tưởng xấu có dịp hình dung trong trí của tuổi thơ cũng như thanh thiếu niên. Động viên lối sống biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu thương giúp đỡ, những bài học về nhân quả, những câu chuyện cổ tích, truyện trạng nguyên, gương hiếu thảo hiếu học được phổ cập mạnh mẽ trong môi trường học đường, nơi giải trí công cộng, quán xá, xí nghiệp, công ty…Kỷ luật mạnh mẽ với những ai có thái độ bôi bác và sỉ nhục, hờ hững, dè bỉu, ái ố, xem thường những người có hành động tốt, hành động đạo đức.
Học đường và gia đình cần phải chú ý với trách nhiệm và lương tâm trong việc giáo dục. Người xưa từng nói: “có tài mà không đức là người vô dụng”. Ngành giáo dục ngày nay dường như đã quên mất ý nghĩa thâm trầm của câu nói ấy, chỉ một bề nhồi nhét kiến thức, không quan trọng đạo đức đã đẩy hàng khối người trở nên có kiến thức mà không đạo đức, tạo nên lớp người hư hỏng, quậy phá, không tôn trọng thầy cô giáo, thậm chí cả ông bà cha mẹ ngày càng nhiều mà chúng không biết mình sai. Cần chiêm nghiệm câu nói không thể nào quên của tổng thống Obama trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2008: “Nước Mỹ sẽ không cường thịnh lâu dài nếu chỉ thiên về sự giàu có”. Ý của câu này được hiểu nôm na là, nếu giàu có mà dân chúng không có đạo đức, văn hóa, tình người… thì cái vô đạo đức sẽ phá tan nước Mỹ.
Đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội phải trở thành môn học chính, tính thang điểm cao trong chốn học đường và những nơi công ty có số lượng công nhân làm việc đông, để xếp thứ hạng. Những nơi vui chơi giải trí cần sinh hoạt có văn hóa, hướng thiện con người, tạo cách sống lành mạnh trong tập thể, có văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Truy nguyên và phạt thật nặng với những kẻ tung clip nhảm nhí, dung tục, kích động, khuyến khích lối sống buông thả không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục; đề cao, khen thưởng nếp sống văn minh theo đạo đức truyền thống. Đừng quá bận tâm với những dư luận tiêu cực, dung túng thói ăn chơi thấp kém để phá nát xã hội Việt Nam, một đất nước vốn có nền đạo đức tuyệt vời nhưng đang đứng bên bờ vực thẳm mất gốc và tha hóa, lọt vào bẫy của những kẻ muốn xóa bỏ và thôn tính nền độc lập văn hóa Việt Nam từ lâu. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì những điều tồi tệ càng ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Đừng để mọi việc quá muộn màng!
ĐĐ Thích Phước Tiến