Tôi tin rằng từ bi là một trong số ít những điều mà chúng ta có thể thực hành được để mang lại hạnh phúc trước mắt và lâu dài cho cuộc sống của chúng ta. Tôi không nói về sự thỏa mãn ngắn hạn của những thú vui như ma túy, cờ bạc hay tình dục. Những cái gì đó không mang lại hạnh phúc thật sự và lâu dài.
Chìa khóa để phát triển lòng từ bi trong cuộc sống là thực hành hàng ngày.
“Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy luyện tập tâm từ bi. Nếu bạn muốn chính mình hạnh phúc, hãy luyện tập tâm từ bi” – Đức Đạt Lai Lạt Ma
Thiền định (từ bi) vào buổi sáng (bạn có thể làm điều đó trong khi kiểm tra thư điện tử), suy nghĩ về nó khi bạn giao tiếp với những người khác, và ngẫm nghĩ về nó trước khi ngủ vào ban đêm. Bằng cách này, lòng từ bi trở thành một phần của cuộc sống của bạn. Hay như đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có nói: “Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần đến chùa, không cần triết lý phức tạp. Bộ óc của chính chúng ta, tấm lòng của chính chúng ta là ngôi chùa của chúng ta; triết lý là sự ân cần”.
Định nghĩa
Hãy sử dụng định nghĩa của Wikipedia về lòng từ bi:
Từ bi là một thứ tình cảm, đó là một cảm giác đau khổ được chia sẻ. Nó thường hợp nhất với lòng mong muốn làm vơi đi sự đau khổ của người khác, để thể hiện lòng tốt đặc biệt cho những người đau khổ. Lòng từ bi chủ yếu phát sinh từ sự đồng cảm, và thường được mô tả đặc điểm qua các hành động, trong đó một người nào hành động với lòng từ bi sẽ tìm cách giúp đỡ những người mà họ cảm thấy từ bi.
Nói chung những hành động từ bi được xem là những hành động hướng đến sự đau khổ của người khác và nỗ lực làm vơi đi sự đau khổ đó như thể đau khổ đó là của chính mình.
Lòng từ bi khác với các hình thức giúp đỡ hay cư xử nhân đạo trong đó sự tập trung của nó chủ yếu là làm vơi đi đau khổ.
Lợi ích
Tại sao cần phát triển lòng từ bi trong cuộc sống? Vâng, có những nghiên cứu khoa học cho thấy có những lợi ích cho cơ thể đối với việc thực hành lòng từ bi – những người thực hành tâm từ bi (cơ thể) sản xuất nhiều hơn 100% DHEA, một loại hóc môn chống lại quá trình lão hóa và sản xuất ít hơn 23% cortisol – “hóc môn tạo tâm trạng căng thẳng”. (01)
Nhưng cũng có các lợi ích khác và các lợi ích này là những cảm xúc và tinh thần. Lợi ích chính là nó giúp bạn có được hạnh phúc hơn, và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh bạn. Nếu chúng ta đồng ý rằng, thực hành tâm từ bi là mục đích chung của mỗi người để đạt được hạnh phúc, vậy thì lòng từ bi là một trong những công cụ chính để đạt được hạnh phúc đó. Do đó, thật vô cùng quan trọng cho chúng ta là nuôi dưỡng và luyện tập lòng từ bi trong cuộc sống của mình hàng ngày.
Làm thế nào chúng ta làm được điều đó? Hướng dẫn này có 7 cách luyện tập khác nhau mà bạn có thể thử và áp dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Nghi thức buổi sáng
Chào mỗi buổi sáng bằng nghi thức. Hãy thử cách này, đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghị: “Sáng nay khi thức dậy, tôi thật may mắn vì còn sống, tôi có một cuộc sống làm người quý báu, tôi sẽ không để lãng phí nó. Tôi sẽ sử dụng mọi năng lượng của mình để phát triển bản thân mình, mở rộng lòng mình với người khác. Để đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh, tôi sẽ có những suy nghĩ tử tế đối với người khác, tôi sẽ không tức giận hay nghĩ xấu về người khác, tôi sẽ làm lợi cho người khác nhiều hơn trong khả năng của mình”. Vậy thì khi bạn đã làm xong việc này, hãy thử một trong các cách luyện tập dưới đây.
Luyện tập sự cảm thông
Bước đầu tiên trong việc nuôi dưỡng lòng từ bi là phát triển sự cảm thông của bạn đối với nhân loại. Nhiều người trong chúng ta biết rằng, hầu như tất cả chúng ta đều có sự cảm thông. Nhưng nhiều khi chúng ta tập trung vào bản ngã (cái tôi của mình) và chúng ta để cho cái cảm giác cảm thông trở nên phai mờ. Hãy thử thực hành như thế này: Hãy tưởng tượng rằng một người thân yêu đau khổ. Điều gì kinh khủng đã xảy ra cho anh ấy hay chị ấy. Bây giờ hãy cố tưởng tượng nỗi đau mà họ đang gánh chịu. Hãy tưởng tượng sự đau khổ một cách cụ thể và chi tiết càng nhiều càng tốt. Sau khi thực hành sự luyện tập này trong một vài tuần, bạn nên cố gắng chuyển qua việc tưởng tượng sự đau khổ của những người khác mà bạn quen biết, không chỉ những người gần gũi với bạn.
Luyện tập sự tương đồng
Thay vì nhận ra sự khác biệt giữa mình và người khác, hãy cố gắng nhận ra những gì mà bạn và người ấy có chung mẫu số. Về mặt cơ bản, tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta cần thức ăn, chỗ ở và tình thương. Chúng ta khao khát được sự chăm sóc, sự thừa nhận và tình yêu thương cũng như quan trọng hơn hết là hạnh phúc. Hãy quán xét những điểm tương đồng mà bạn có với người khác và đừng quan tâm đến sự khác biệt. Một trong những điều ưa thích về sự tập luyện tâm từ bi của tôi xuất phát từ bài báo tuyệt vời của Ode Manazine – đó là một bài tập năm bước để thực hành khi chúng ta gặp gỡ bạn bè và người lạ. Hãy tập luyện một cách thận trọng và cố thực hiện tất cả các bước với cùng một người. Với sự quan tâm của bạn hướng đến người khác, hãy tự nhủ: Tương đồng thực tế:
Bước 1: Giống như tôi, người này đang tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống của người ấy.
Bước 2: Giống như tôi, người này đang cố tránh khỏi đau khổ trong cuộc sống của người ấy.
Bước 3: Giống như tôi, người này đã biết được sự đau buồn, cô đơn và tuyệt vọng.
Bước 4: Giống như tôi, người này đang tìm kiếm các nhu cầu của người ấy.
Bước 5: Giống như tôi, người này đang học hỏi về cuộc sống.
Làm vơi đi thói quen đau khổ
Một khi bạn có thể cảm thông với người khác và hiểu được bản tính và sự đau khổ của người đó, bước kế tiếp là mong muốn cho người đó thoát khỏi đau khổ. Đây là tâm từ bi – thực sự là định nghĩa của nó. Hãy thử bài tập này: Hãy tưởng tượng sự đau khổ của người mà bạn mới vừa gặp. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng bạn là người chịu sự đau khổ đó. Hãy quán chiếu về việc bạn muốn chấm dứt sự đau khổ đó. Hãy quán chiếu bạn sẽ được hạnh phúc như thế nào nếu một người khác đang mong muốn và làm bạn không còn đau khổ. Hãy mở lòng của bạn với người đó và nếu bạn cảm thấy ngay cả một chút khi bạn muốn họ thoát khỏi đau khổ, hãy quán về cảm giác đó. Đó là cảm giác mà bạn cần phát triển. Với việc thực hành liên tục, cảm giác đó có thể được tăng trưởng và được nuôi dưỡng
Luyện lập lòng tử tế
Bây giờ bạn đã thực hành tốt bài tập thứ 4, hãy luyện tập thêm một bước nữa. Hãy tưởng tượng lại sự đau khổ của một người nào đó mà bạn quen biết hay mới gặp gần đây. Hãy tưởng tượng lại bạn là người đó và đang chịu sự đau khổ đó. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng một người khác muốn bạn không còn đau khổ nữa – có lẽ mẹ bạn hay một người thân yêu nào khác của bạn. Bạn muốn người đó làm gì để bạn không còn đau khổ? Bây giờ đổi vai trò: Bạn là người muốn cho người khác không còn đau khổ. Hãy tưởng tượng bạn làm một điều gì đó để giúp họ vơi nhẹ sự đau khổ hoặc không còn đau khổ nữa.
Một khi bạn làm tốt ở giai đoạn này, thực hành một việc gì nho nhỏ mỗi ngày để giúp người khác không còn đau khổ, bằng cà một cách nhỏ nhặt. Ngay cả một nụ cười, một lời ân cần, làm một việc lặt vặt hay chỉ nói về một vấn đề với người khác. Hãy luyện tập làm điều gì tử tế để giúp vơi đi sự đau khổ của người khác. Khi bạn làm tốt việc này, tìm cách hãy làm nó hàng ngày và cuối cùng luyện tập suốt ngày.
Những người cư xử không tốt với chúng ta
Giai đoạn cuối trong việc thực hành lòng từ bi là không chỉ muốn làm vơi đi sự đau khổ của những người chúng ta yêu quý mà ngay cả những người cư xử không tốt với chúng ta. Khi chúng ta đối mặt với những người này, thay vì tức giận, chúng ta hãy im lặng. Sau đó, khi bạn bình tĩnh hãy quán chiếu về người đã cư xử không tốt với bạn. Hãy tưởng tượng gia cảnh của người đó như những gì người đó đã được dạy dỗ khi còn bé.
Hãy cố tưởng tượng mỗi ngày mà người đó đã trải qua và điều không hay nào đã xảy ra cho họ. Hãy cố tưởng tượng bằng tâm trạng và trạng thái tinh thần của người đó – sự đau khổ mà người đó đã phải gánh chịu qua việc cư xử không tốt với bạn theo cách đó. Và hiểu rằng hành động của họ không phải về bạn, mà về những gì họ đang chịu. Bây giờ hãy nghĩ thêm về sự đau khổ của con người tội nghiệp đó và xem liệu bạn có thể tưởng tượng làm một cái gì đó cho người đó thoát khỏi sự đau khổ.
Và rồi quán chiếu rằng, nếu bạn đối xử không tốt với một người nào đó, và họ đã hành động bằng sự tử tế và lòng từ bi đối với bạn, cho dù điều đó làm cho bạn ít có khả năng cư xử không tốt với người đó lần sau và rất có khả năng đối xử tử tế với người đó. Một khi bạn đã thành thạo luyện tập việc quán chiếu này, hãy cố hành động với lòng từ bi và sự hiểu biết lần sau khi một người cư xử với bạn. Hãy làm việc đó từng chút một cho đến khi bạn làm tốt việc đó. Tập luyện giúp hoàn hảo hơn.
Nghi thức buổi tối
Tôi khuyên bạn hãy dành vài phút trước khi đi ngủ để quán chiếu những việc làm trong ngày của bạn. Hãy nghĩ về người bạn đã gặp, về những điều đã nói chuyện và cách cư xử với nhau. Hãy nghĩ đến mục đích của bạn mà bạn đã nói hồi sáng này, hành động với lòng từ bi đối với người khác. Bạn đã làm tốt ra sao? Bạn có thể làm được điều gì tốt hơn? Bạn đã học được những gì qua kinh nghiệm ngày hôm nay? Và nếu bạn có thời gian, hãy cố gắng thực hành một trong những bài luyện tập trên đây.
Việc luyện tập lòng từ bi này có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào, lúc làm việc, lúc ở nhà, đang trên đường đi, trong khi đi du lịch, trong khi ở cửa hàng, trong khi ở nhà bạn hay một thành viên gia đình. Bằng cách xen vào giữa ngày của bạn bằng một nghi thức buổi sáng và buổi tối, bạn có thể sắp xếp lịch trình hàng ngày của bạn đúng cách, bằng một thái độ nỗ lực luyện tập và phát triển lòng từ bi trong nội tâm bạn. Và với việc luyện tập, bạn có thể bắt đầu thực hành nó suốt ngày và suốt cuộc đời bạn.
Quan trọng hơn hết, việc này sẽ mang đến hạnh phúc cho cuộc sống của bạn và những người xung quanh bạn.
“Thông điệp của tôi là thực hành lòng từ bi, tình thương và sự tử tế. Những điều này rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và các bước luyện tập này cũng có thể rất quan trọng cho xã hội loài người” – Đức Đạt Lai Lạt Ma
Bài viết: “Nuôi dưỡng lòng từ bi trong cuộc sống với 7 bước luyện tập”
Tác giả: Leo Babauta/ Vườn hoa Phật giáo
Dịch giả: Tường Anh