Khi còn tại thế, Đức Phật đã dạy cho đệ tử rất nhiều bài học. Và khi đến giây phút sắp tịch diệt, Ngài đã để lại nhiều lời chỉ bảo vô giá, trong đó có câu “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đây vừa là lời động viên và cũng vừa là lời nhắc nhở của Đức Phật dành cho các hàng đệ tử: Nên nương tựa vào chính mình và đi trên đôi chân của chính mình.
Hãy tự thắp đuốc lên mà đi
Nguyên văn của lời dạy này đó là:
Như vậy này Ananda, tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác.
Này Ananda, những ai, hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi
Tự thắp đuốc lên mà đi: Nghĩa là tự bản thân mình tu tập dựa trên những lời dạy mà Đức Phật đã để lại thông qua kinh điển, rồi suy ngẫm, thực hành để hoàn thiện bản thân, ngộ ra một giá trị về chân lý nào đó. Có như thế chính mình mới khai sáng được mình, mới phát sinh trí tuệ và có bước tiến trên con đường tu học.
Việc nương tựa hay bám víu vào ai để cầu mong sự giải thoát là không thể. Một bậc chân tu hay những bậc Thánh chỉ có thể chỉ dẫn con đường đi cho chúng ta, còn đi đến đích hay không, có tìm thấy sự giải thoát hay không là ở chính sự nổ lực của chúng ta. Bởi mỗi người có mỗi nghiệp riêng và muốn học đạo, cầu đạo giải nghiệp cho bản thân thì chính mình phải có chánh tín vào Pháp của Phật và niềm tin tịnh tín: tin cố định không gì thay đổi, không suy chuyển.
Pháp của Phật dẫn đầu các ý thức hệ, làm thay đổi và khai sáng tâm thức, làm cho trí tuệ được thanh thản, bình an và thông minh.
Chỉ có Pháp của Phật mới là ngọn đuốc sáng xua tan màn đêm tâm tối của sự vô minh trong mỗi con người, để họ có được đôi mắt sáng và ý chí vững vàng mà thẳng bước đến con đường giải thoát.
Đừng mê tín
Nếu ai đó cho rằng đạo Phật là đạo mê tín, thần quyền, khiến con người trở nên yếu đuối khi chỉ biết van vái, cầu xin để được ban ơn thì đó là một sai lầm. Bởi nếu như Đức Phật lập ra một đạo Phật như thế và dạy con người những điều trên thì sẽ không để lại lời nhắc nhủ: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.
Vì thế, có hay chăng một đạo Phật mê tín là do cách nghĩ sai lệch của chính bản thân họ khi đã đặt Đức Phật là một vị thần thánh có quyền ban phước giáng họa cho con người. Mà sự thật Đức Phật chỉ là một vị đạo sư toàn giác, thấy được những quy luật của vũ trụ, những nỗi khổ niềm đau của nhân loại và chỉ dẫn con đường giải thoát.
Nếu dành thời gian suy ngẫm, chúng ta thấy rằng nếu Đức Phật và các vị Bồ tát có khả năng ban phước cho con người thì Ngài đã làm từ lâu khi còn tại thế và nhân loại không phải chịu những sự đau khổ về thiên tai hay những phiền não trong đời sống.
Chính Ngài cũng đã thắp đuốc lên mà đi; mẹ kế của Ngài là bà Ma ha ba xà ba đề cũng phải đi chân trần rướm máu hàng trăm dặm để tìm cầu sự giải thoát; vợ Ngài là Da du đà la và con Ngài là La hầu la cũng phải bỏ hết những vinh hoa phú quý, địa vị cao quý của mình để đi trên con đường giác ngộ.
Hiểu được điều này chúng ta nên xóa đi những tư tưởng sai lầm khiến cho đạo Phật dần trở nên phản khoa học như nhiều người đã từng nghĩ. Việc mê tín sẽ làm hại chính chúng ta khi những kẻ ngoại đạo dễ dàng truyền bá những tư tưởng xấu, không tu học mà vẫn được hạnh phúc. Ở đời, không có miếng phô mai nào miễn phí. Miếng phô mai chỉ miễn phí khi nó nằm trong bẫy chuột!
Học tập trên tinh thần “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”
Lời dạy của Đức Phật luôn mãi là chân lý. Đó không phải vì cá nhân ai đó quá tôn sùng Ngài mà phát ngôn như thế, mà chính thời gian, không gian, những nhà khoa học đã và đang nghiên cứu và khâm phục từng lời dạy ấy.
Nếu đọc qua những quyển sách dạy về kinh tế, hẳn bạn sẽ thấy thấp thoáng đâu đó lời dạy sâu sắc của Đức Phật để giúp con người vụt dậy ý chí và tự đúng lên trên đôi chân của mình. Chẳng hạn như quyển: đạo đức kinh tế theo quan điểm của Phật giáo – tác giả: Peter Harvey do nhà xuất bản Cambridge University Press ấn hành năm 2000.
Và có không ít doanh nhân thành đạt tại Việt Nam nhờ vào sự ứng dụng lời dạy của Phật như:
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen: “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế cho biết: “Trong kinh doanh và trong đời sống gia đình tôi hay tâm niệm triết lý hướng thiện của đạo Phật. Nếu doanh nghiệp làm ăn có nhiều thủ đoạn thì doanh nghiệp đó không bao giờ thành công và bền vững được”.
Ông Trần Xuân Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh: “Tôi thấy rất tâm đắc với “mười bốn điều răn của Phật”. Trong kinh doanh, tôi đặc biệt tâm đắc với điều răn thứ nhất của Phật (“Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”), khi gặp khó khăn tôi thường đọc điều răn này để tạo động lực cho mình vượt qua”
Trong thực tế, sự thành công của một ai đó không bao giờ thiếu đi bóng dáng của sự thất bại. Sự thành công chỉ có khi bạn biết đứng dậy và đi tiếp chứ không phải chờ người khác đến đỡ và dẫn bạn đi hết quãng đường còn lại. Vì ai cũng bận thực hiện ước mơ của họ và gánh trên vai những trách nhiệm trong đời sống.
Hiện nay nhiều bạn trẻ có tinh thần lệ thuộc vào người thân, bạn bè của mình và trên thực tế họ chẳng bao giờ thành công thật sự. Hoặc nếu có thành công thì chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Chỉ khi nào tự mình bước đi, bạn sẽ biết những chướng ngại trên con đường để phòng tránh và có thêm kinh nghiệm, kỹ năng riêng cho chính mình. Sự dựa dẫm chỉ khiến cho bạn trở nên một người yếu đuối và không thể làm chủ lấy mình. Cuộc sống của bạn sẽ bị chi phối rất nhiều vào họ và bạn sẽ không có sự tự do thật sự thì đừng mong đợi mình có niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Sư ông Thích Huệ Đăng từng dạy: Muốn tự do phải tự lo
Kinh Pháp Cú (Kệ số 160) có câu:
Tự mình nương tựa mình
Không nương tựa ai khác
Khi tự mình sạch trong
Là chỗ nương khó được.
Ở đời, ai cũng muốn mình thành công, có nhiều tiền, có địa vị, nhà lầu, xe hơi, hạnh phúc nhưng chỉ ngồi đó và không làm gì thì ước mơ chỉ là ước mơ mà thôi! Giữa cái muốn và đạt được cái muốn là cả một con đường dài nỗ lực, cần mẫn và chịu thương chịu khó mới thành công được. Như ông bà ta có câu “Muốn ăn phải lăn vào bếp”
Sự giác ngộ của Đức Phật phải đánh đổi mọi thứ và Ngài phải đi từng bước chân vào rừng sâu để học đạo và cuối cùng phải tự chính mình ngồi thiền định suốt 49 ngày đêm mới ngộ ra chân lý của vạn vật.
Những nhà bác học lừng danh như Einstein, Thomas Edison hay các doanh nhân nổi tiếng Steve Job, Bill Gates hay những tấm gương sáng đời thường như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hướng Dương…khi đọc vào con đường bước đến sự thành công của họ, dù đi rất nhiều cách nhưng điểm chung là họ đi lên bằng chính mình, những yếu tố xung quanh chỉ là sự hỗ trợ mà thôi.
Cho nên mọi cơ hội thành công chúng ta luôn có, chỉ là chúng ta có tự bước đến để mở cánh cửa đó ra hay không? Có câu: Cứ đi sẽ đến, cứ gõ thì cửa sẽ mở. Nếu không tự mình phấn đấu thì không bao giờ bạn có được một sự thành công nhất định trong cuộc sống lẫn con đường tu học. Đừng bao giờ chờ đợi sự may mắn hay giúp đỡ của người khác vì nó chỉ làm tốn thêm thời gian của bạn mà thôi.
Châu Thanh Thùy