Từ 2005 đến nay, tôi biết đến việc tập thiền và đã thực tập, đem việc tập thiền vào đời sống, công việc… giống như chuyện hàng ngày.
Tập thiền giúp mỗi người định tĩnh, sống sâu sắc hơn – Ảnh minh họa
Nói đến thiền là nói đến hơi thở. Theo phương pháp tôi tiếp cận và tập thì hành giả thiền phải tập “thở có chánh niệm”: thở vào biết mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra. Đó là hơi thở đầu tiên, căn bản, phải tập cho nhuần nhuyễn trước khi ngồi nhận diện những biểu hiện nơi từng bộ phận cơ thể đến toàn thân, cũng như ghi nhận các nội dung phát khởi trong dòng suy nghĩ của mình.
Theo đó, lần lần, người tập có thể thở vào và biết trái tim của mình vẫn còn đập, thấy mình còn may mắn; thở ra, mỉm cười và biết ơn trái tim lúc nào cũng làm việc một cách chăm chỉ, không nghỉ ngơi.
Nghĩ tới lá phổi của mình cũng vậy, biết “em ấy” phải dung nạp từ không khí sạch đến không sạch, từ luồng khí trong lành đến chứa độc tố (như khói bụi, thuốc lá hay mùi hôi), và gửi lòng thương, biết ơn tới lá phổi giúp ta duy trì sự sống.
Đường ruột của mình, đôi mắt, tai, mũi, lưỡi… Mỗi một bộ phận đều được chúng ta “chăm sóc” bằng cách nghĩ tới một cách đầy trân trọng, biết ơn vì “các em ấy” vẫn đang hoạt động bình thường, vẫn còn khỏe để giúp ta có được sự thảnh thơi mỗi ngày.
Thực sự thì, dẫu chỉ là một cái khóe móng chân bé nhỏ, hàng ngày ta vẫn lơ đãng không thèm để ý tới, nhưng nếu “em ấy” có vấn đề thì toàn thân chúng ta đều bị ảnh hưởng, cảm thấy bất an.
Thiền tập là cách thở có ý thức và tạo ra nguồn năng lượng nhận diện về thân và tâm (được hiểu là những biểu hiện trong đầu mình), để có thể ôm ấp tất cả bằng tình thương, sự hiểu biết.
Nhờ vậy, chúng ta sẽ dừng bớt lại, đi tới chấm dứt việc nạp vào cơ thể và đưa vào tâm thức mình những món ăn tiêu cực, không tốt. Chúng ta xem mỗi bộ phận cơ thể là một đối tượng thương yêu và thương một cách sâu sắc, như bà mẹ vỗ về, dùng lời dễ thương nói với con cái thì tất cả sẽ được nuôi dưỡng.
Chúng ta hay nói đến tình thương bên ngoài nhưng ngay trong từng bộ phận tạo nên chúng ta (một cách khỏe mạnh) vẫn chưa được mình thương một cách đúng đắn. Vì thế, chúng ta vẫn thường khổ vì chính cách mình sống (ăn uống, suy nghĩ) hàng ngày.
Những cách ăn uống thái quá hay kiêng khem đến mức tạo áp lực cho bản thân đều là một cách sống tiêu cực. Cách sống (nghĩ, nói và làm) của mình cũng tạo ra những khổ đau cho bản thân nếu chúng ta nuôi dưỡng hơn thua, ganh ghét, đố kỵ, liên tục tiếp xúc với nguồn cơn của bực bội, lo lắng, sợ hãi… Có một sự thật là, khi stress quá mức, bao tử của mình sẽ đau (do a-xít tiết ra quá nhiều), đầu mình sẽ đau và tim đập nhanh, khó ngủ…
Thiền là để chúng ta có cơ hội hít thở có ý thức, từ đó tạo nhịp cầu để mình nhìn vào bên trong (suy nghĩ, cách sống) và từng bộ phận cơ thể, cách dung nạp năng lượng… để thương mình đúng đắn hơn.
Có câu nói: Nếu mình chưa thương mình sâu sắc thì mình không thể thương ai được hết. Do vậy, thực tập thiền, giúp chúng ta thương mình đúng, chăm sóc mình theo hướng tích cực, cũng là một cách thương yêu gia đình, đóng góp cho xã hội, bởi mỗi người đều là một phần tất yếu của cuộc sống này với bao mối quan hệ xung quanh. Nếu ta có hạnh phúc thì người khác chắc chắn sẽ cảm thấy bớt khổ đau từ năng lượng an vui mình tỏa ra!
Đỗ Thị Hiền