Một xã hội văn minh, tốt đẹp hẳn không thể đặt trên nền tảng của sự tham lam. Và sự giáo dục tốt đẹp cũng vậy, không thể đặt trên nền tảng gian dối bằng sự mua điểm, bằng những thành tích ảo và sự thiếu chân thật.
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xã hội hào hứng chia sẻ video clip quay lại cảnh một nhân viên nghèo để quên túi xách bên trong đựng 200 triệu tiền của công ty tại một quán cháo ở chợ Đô Lương, Nghệ An và được cô chủ trẻ vui vẻ trả lại. Quay lại quán sau gần 2 giờ với hy vọng mong manh, anh nhân viên nhận đủ tiền mà không cầm được nước mắt, xúc động nói với chị chủ quán rằng: “em mang ơn chị cả đời!”.
Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là hình ảnh đẹp và tốt lành nhất trong những ngày vừa qua – thời gian có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn do con người cũng như thiên nhiên mang lại. Có người còn cao hứng gọi chị chủ quán là Bồ-tát “hiển linh” để giúp cho anh nhân viên nghèo vốn mỗi tháng chỉ nhận được 5 triệu tiền lương.
Trả lại vật của người khác để quên thực ra là một điều rất đỗi hiển nhiên – không lấy những thứ không thuộc về mình. Nếu sự việc xảy ra ở những nơi văn minh thực thụ, cộng đồng hẳn cũng sẽ tán thán nhưng không đến nỗi đẩy lên thành một sự “hiển linh” như thế. Điều đó cho thấy xã hội chúng ta hiện nay “khát” lòng tốt và sự chân thật đến dường nào.
Một xã hội văn minh, tốt đẹp hẳn không thể đặt trên nền tảng của sự tham lam. Và sự giáo dục tốt đẹp cũng vậy, không thể đặt trên nền tảng gian dối bằng sự mua điểm, bằng những thành tích ảo và sự thiếu chân thật.
Không lâu trước đây, một cô gái Việt Nam du học tại một nước châu Âu tâm sự rằng, cô ra trường với tấm bằng loại ưu, nhưng khi đi phỏng vấn xin việc, dù được đánh giá cao về năng lực, lại không được một công ty nào nhận. Quá bức xúc, cô quyết hỏi cho ra lẽ và được một nhà quản lý cho hay, trong thời gian còn làm sinh viên, cô đã có vài lần gian lận, không mua vé tàu điện. Với vết bẩn ấy trong hồ sơ, các công ty châu Âu cảm thấy không thể đặt tin tưởng vào cô, một người gian lận, dù là với số tiền rất nhỏ.
Trong kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật (Jataka 252), Đức Phật kể về hoàng tử Brahmadatta, con vua xứ Ba-la-nại cổ xưa, được gửi đến một vị sư trưởng danh tiếng để học tài nghệ. Vị hoàng tử ngạo mạn một hôm tự ý bốc nắm mè của một bà lão bỏ vào miệng; ba lần như thế, bà lão la lên rằng học trò của sư trưởng ăn cắp. Sư trưởng bèn cho trói tay, lấy roi tre đánh lên lưng hoàng tử ba lần, bảo: “Chớ làm vậy nữa”. Hoàng tử ôm lòng oán hận, về sau được lên ngôi, tìm cách trả thù. Tân vương bèn mời thầy đến dự lễ, với ý định giết chết người thầy đã đánh mình. Sư trưởng biết ý nghĩ thâm độc của học trò nên rất nhiều năm sau mới đến. Vị vua trung niên vẫn còn hận thù, toan giết, sư trưởng bèn nói:
“Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương đã không được tôi dạy bảo, ngài thử nghĩ chắc hẳn ngài sẽ tiếp tục lấy của cải người ta như bánh, kẹo, cây trái và các thứ khác. Rồi ham mê các hành vi trộm cướp, dần dần ngài sẽ bị lôi cuốn vào các việc như phá nhà, cướp đường, ám sát trong làng. Cuối cùng chắc ngài đã trở thành kẻ ăn cướp đối nghịch với mọi người và sẽ bị bắt với tang vật… Như vậy do đâu Ðại vương hưởng được tất cả thành công tốt đẹp như hôm nay?”.
Con người nói chung, đặc biệt là các vị lãnh đạo quốc gia mà ôm lòng tham hận, ban đầu tham nhỏ, sau tham lớn, kết cục sẽ khiến cho quốc gia suy bại. Đó là một bài học lớn cho chúng ta suy ngẫm vậy!
Đăng Tâm