Người tu tập ăn thế nào cho đúng lời Phật dạy? Điều này vẫn gây nhiều tranh luận. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu để tự chọn cho mình cách ăn phù hợp nhất!
Truân chuyên chay và mặn
Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần biết rằng khi bàn về quan niệm ăn chay cùng xuất xứ của nó hiện vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Rõ rệt nhất là sự khác biệt giữa Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa) không có quan niệm ăn chay và Phật giáo Đại thừa chủ trương ăn chay.
Một câu chuyện trong sự tích Phật giáo kể rằng, khi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài A Nan hỏi Phật rằng: “Bạch Phật, tại sao trước kia, Phật cho các đệ tử ăn ngũ tịnh nhục (năm thứ thịt thanh tịnh bao gồm: thịt ăn mà không thấy người giết; thịt ăn mà mình không nghe tiếng con vật bị giết kêu; thịt ăn mà mình không nghĩ người ta giết cho mình; thịt con thú tự chết; thịt con thú khác ăn còn dư), mà nay Ngài lại cấm tuyệt ăn thịt cá?
Phật trả lời Ngài A Nan: “Vì trình độ các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp Ðại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi ta còn nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng ngũ tịnh nhục. Ðến nay trình độ các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Ðại Thừa, nên ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Còn ăn thứ ấy, thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi bình đẳng, không thể nào tu hành thành Phật được”.
Bàn về ý nghĩa của câu chuyện này có quan điểm cho rằng như vậy lời Phật dạy đã rõ ràng: Ăn chay, nói cách khác không ăn thịt động vật, là một phần của việc thực hành giáo pháp; giữ gìn giới luật, trưởng dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng.
Đây là một trong những pháp hành quan trọng của người Phật tử trong cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Phật giáo Đại thừa (Mahayana). Phật tử là người đã theo đạo từ bi, thì không lý nào lại không thực hành đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ, lời nói, cho đến cách ăn uống.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, theo Phật giáo Nguyên thủy, việc ăn chay không có mặt trong thời Phật Thích Ca tại thế. Do đó, Phật giáo Nguyên thủy chủ trương ăn cách nào cũng được, tùy duyên trong ăn uống sao cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp. Phật giáo Nguyên thủy không đặt thành vấn đề ăn chay, ăn mặn vì “sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu và ý”.
Hơn nữa, chính Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá, Ngài đã không chấp nhận. Bằng chứng là trong kinh Jivaka, Ngài dạy: “Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng (tam tịnh nhục): không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng” (Kinh Jivaka, Trung Bộ II, tr.71).
Như vậy, chư Tăng thời Phật còn tại thế sống nhờ vật thực bá tánh dâng cúng trong lúc đi khất thực, hoàn toàn không phân biệt chay mặn, ngoại trừ những vật thực nằm ngoài Tam tịnh nhục.
Khi Phật giáo Đại thừa hình thành, hầu như trong tất cả kinh điển Đại thừa không có kinh nào đề cập đến việc Phật cho phép ăn thịt. Không những thế, các kinh này còn nói rõ việc ngăn cấm ăn thịt.
Trong kinh Lăng Già (Lankavatara), chương 8, Về sự ăn thịt, Phật dạy: “Này Mahàmati, thức ăn của người trí không gồm thịt và máu. Do đó, thịt của một con chó, một con bò… hay thịt người, hoặc là thịt của bất cứ chúng sanh nào khác, vị Bồ tát không nên ăn thịt. Này Mahàmati, vị Bồ tát an trụ trong Đại bi, thương chúng sanh như đứa con độc nhất, do đó phải kiêng ăn thịt…”.
Kế đến, Phật đưa ra tám lý do giải thích nguyên nhân vì sao người Phật tử không nên ăn thịt. Trong đó, lý do sau cùng Phật thừa nhận đã “phương tiện nói giáo pháp cho ăn Tam tịnh nhục và Ngũ tịnh nhục” nhưng “Nay ở kinh này, xóa bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loại thịt chúng sanh, thảy đều đoạn dứt”. Có thể nói kinh Lăng Già là cột mốc của thời điểm hủy bỏ mọi phương tiện ăn tịnh nhục đã được Phật quy định trước đó.
Chay là chay đừng nên giả mặn
Đọc đến đây hẳn bạn đọc đã tự trả lời được câu hỏi: “Chay hay mặn mới là tu hành; tu hành thì phải ăn chay hay ăn chay mới là tu hành?”. Đối với Phật giáo Nguyên thủy, không có quan niệm về chay mặn, chỉ có quan niệm Tịnh nhục.
Do đó, chư Tăng và Phật tử tu tập theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy có thể ăn những thực phẩm thuộc về Tịnh nhục. Dù được ăn thịt nhưng không giết hại sinh vật và tu tập phát triển tâm từ bi vẫn là những tiêu chí hàng đầu.
Riêng với Phật giáo Đại thừa, không ăn các loại thịt, chỉ ăn ngũ cốc và rau quả tức ăn chay là nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho tăng sĩ. Còn đối với Phật tử tại gia, việc ăn trường chay được khích lệ, còn hầu hết chỉ giới hạn trong những ngày trai mà thôi.
Có nhiều cách ăn chay khác nhau, nhưng nói chung chỉ ăn ngũ cốc, rau, trái cây, không ăn thịt của thú cầm, cá. Người ăn chay có thể uống sữa tươi hay sữa hộp, có thể ăn bơ hay pho mát vì chúng làm từ sữa, có thể ăn trứng gà công nghiệp (gà không có trống, tức là không có sự sống).
Người ta chia ăn chay làm hai loại: ăn chay trường và ăn chay kỳ. Với người ăn chay trường thì ngày nào cũng là ngày ăn chay. Còn với người ăn chay kỳ thì có nhị trai (mỗi tháng ăn 2 ngày là mồng một và ngày rằm);Tứ trai (mỗi tháng ăn 4 ngày là mồng một, 14, rằm, 30 (tháng thiếu 29); Lục trai (mỗi tháng ăn 6 ngày là mồng một, 8, 14, rằm, 23, 30 (tháng thiếu 29); Thập trai (mỗi tháng ăn 10 ngày là mồng một, 8, 14, rằm, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29); Nhất nguyệt trai (ăn chay trọn tháng Giêng hay tháng Bảy); Tam nguyệt trai (ăn chay trọn tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười).
Ăn chay thoạt nghe đơn giản, nhưng cũng không hề giản đơn chút nào. Bởi những người ăn chay cần phải nằm lòng các quy tắc: Ăn chay mà không kiêu mạn (không nên cho là ta vì ăn chay mà hay, giỏi ta tinh tấn hơn mọi người, coi rẻ người chưa ăn chay sẽ gây ác cảm với người khác và làm tổn đức của mình; Không nên ép xác khi ăn chay (không nên ăn quá kiêng khem, phải ăn cho đủ chất dinh dưỡng);
Không nên giả mặn (tránh làm những món ăn như nắn thành hình con chim, gà, vịt hay thịt bò, thịt heo vì làm như vậy gợi cho người ta nhớ món ăn mặn); Không nên gây khó khăn cho người khác vì chuyện mình ăn chay (đi đám tiệc hay đến nhà người khác, nếu người ta không biết trước để chuẩn bị món ăn chay, thì cứ ăn tạm với những thức ăn có thể ăn được như rau cải, dưa leo, nước tương. Không nên làm cho gia chủ thấy khó chịu vì không tiếp đãi được mình như ý muốn).
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Phật giáo là trường phái tôn giáo minh triết có những quy định về văn hóa ứng xử và lối sống đạo đức đối với người tu hành thuộc vào hàng khắt khe nhất so với các tôn giáo khác. Nên có thể thấy việc ăn chay và ăn mặn của người tu hành dù theo trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam truyền) hay Phật giáo Đại thừa (Phật giáo Bắc truyền) thì đều có nguồn gốc và những quy tắc nhất định.
Tăng sĩ khi vi phạm giới luật, sẽ bị các khung hình phạt nghiêm khắc, theo đúng tinh thần pháp quy của Phật giáo bởi so với với các tôn giáo khác, Phật giáo có hệ thống giới luật nghiêm minh, chặt chẽ, thuộc vào hàng sớm nhất trên địa cầu. Ngày nay các văn bản giới luật của đức Phật vẫn còn thích ứng và được giữ gìn khá nghiêm túc trong các truyền thống Phật giáo.
Linh Thụy