Có hai hướng nhìn nhận vàng mã. Đầu tiên, nếu là một hoạt động kinh tế, nó thuần túy gây thiệt hại. Tôi không ủng hộ hướng nhìn đó, khi coi vàng mã chỉ đơn giản là giấy. Nhưng nếu là một hoạt động tinh thần, là hoạt động tôn vinh phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta, nếu những thứ được đốt kia không chỉ là giấy, thì nó đang được thực thi quá đà. Xã hội chúng ta không thịnh vượng như cái cách mà “lăng kính vàng mã” đang mô tả.
Hai ngày nay, ở những khu chung cư tại Việt Nam, nơi có quy định khu đốt vàng mã, sẽ là khung cảnh dị biệt: Những hàng dài người nhẫn nại chờ đến lượt mình đưa hàng nghìn bộ mũ hài giống nhau vào cùng một đống lửa, cho cùng một đối tượng, là ông Công ông Táo.
Từ nay cho tới Rằm tháng Giêng, một lượng trang phục, đồ gia dụng và tiền giấy khổng lồ sẽ được gửi sang thế giới bên kia. Khối lượng có thể lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Tôi không phải là một người mê tín, không nặng chuyện thờ cúng. Nhưng tôi hiểu logic của việc đốt vàng mã. Cha tôi mất sớm. Và trong suốt 20 năm qua kể từ khi còn là một đứa trẻ, tôi vẫn luôn giữ một niềm tin rằng ông đang ở đâu đó, quan sát mình và tôi có thể đối thoại với ông khi đứng trước mộ. Việc đốt vàng không đơn thuần là tiếp thêm vật chất cho “thế giới bên kia”. Nó là một nghi thức tinh thần tham gia khẳng định người đã khuất vẫn tồn tại trong cuộc đời chúng ta, kết nối thế giới này và thế giới bên kia.
Có nhiều ý kiến tuyệt đối hóa vàng mã thành một sản phẩm vật chất, dẫn đến việc quy kết đốt đi các sản phẩm này là hoàn toàn phí phạm vốn xã hội. “Hàng nghìn tỷ đồng bị đốt đi” là một cách kiến giải phổ biến cho vàng mã. Nhưng tôi tin đó không phải là hệ đo lường thích hợp cho một phong tục.
Gần 10 năm trước, tôi đặt chân đến Hong Kong lần đầu tiên. Và điều gây ấn tượng mạnh nhất, gần như một cú sốc, không phải là sự giàu có của mảnh đất này. Đó là sự mê tín của người Hong Kong, thứ có lẽ đã được bảo toàn bởi việc tách khỏi các cuộc cách mạng văn hóa của Đại lục.
Vàng mã được đốt khắp nơi. Ngày Rằm tháng Bảy, chỉ cách trung tâm tài chính lớn bậc nhất châu Á vài bước chân, nến, tro vàng mã và chân hương trải đầy những con phố nhỏ.
Người Hong Kong, với sự giàu có của mình, đã nâng vàng mã lên một tầm vóc khó hình dung. Điện thoại, đồng hồ thông minh, cao ốc hay hình nhân đã lỗi thời. Năm 2015, tờ New York Times ghi nhận một hiện tượng kỳ dị: Các nhà sản xuất vàng mã tại Hong Kong chế tác cả đồ ăn thực dưỡng cho người âm. Các món ăn được làm bằng rau củ quả giấy như thật. Họ làm cả thực phẩm chức năng dạng viên nén. Việc quan tâm đến sức khỏe của người đã chết trong mắt các ký giả phương Tây thực sự là một hành vi đáng bàng hoàng. Nhưng dân Đông Á như chúng ta sẽ chia sẻ trạng thái tâm lý này. Bằng một mệnh đề đơn giản: “Trần sao âm vậy”.
Nơi đốt vàng mã nhiều nhất, với giá thành hàng trăm triệu USD mỗi năm, thật ra đều là các vùng lãnh thổ giàu có nhất khu vực Đông Á, Hong Kong và Đài Loan. Đốt vàng mã không phải là nguyên nhân của cái nghèo và sự lạc hậu, mà ngược lại, là hệ quả của sự giàu có. Khi người ta có tiền, họ có quyền được tiêu chúng cho các hoạt động tinh thần của mình.
Câu hỏi đặt ra: Nếu xác định rằng đốt vàng mã là một phong tục có giá trị riêng, thì Việt Nam đã ứng xử đúng với phong tục ấy hay chưa?
Người Hong Kong hay Đài Loan, với GDP bình quân thuộc top đầu thế giới, có quyền được nhân bản đời sống tinh thần và vật chất của họ cho các bậc tiền nhân cõi khác. Người âm xứ ấy dùng đồ xa xỉ phẩm, điện thoại thông minh, ở nhà lầu, tập gym hay ăn đồ thực dưỡng vì “trần sao âm vậy”.
Nhưng bởi vì “trần sao âm vậy”, nên việc Việt Nam khởi động “mùa đốt vàng mã” vào đúng thời điểm mà các tỉnh bắt đầu nhận gạo cứu đói, tạo ra xung đột cảm xúc. Trong một nền kinh tế với rất nhiều vấn đề lớn chưa được giải quyết, hàng trăm nghìn người phải nhận gạo cứu đói, thì việc đốt xuống cõi âm hàng nghìn tỷ đồ mã là một nỗ lực gượng gạo. Trong những gia đình đang chật vật với nhiều bài toán tài chính, mà đề nghị người thân đã khuất dùng điện thoại đời mới, mũ hài sang trọng và nhà lầu xe hơi là một sự lảng tránh.
Đứng trước mộ cha, tôi hay tâm sự những vấn đề trong cuộc sống của mình. Tôi thực sự tin rằng ông vẫn đang lắng nghe. Rồi tôi đốt ít giấy vàng, đôi khi là bộ quần áo. Nếu như thực sự ông vẫn ở đó, tôi không thể thuyết phục ông dùng smartwatch hay đi xe hơi khi con trai vẫn đang chật vật gây dựng cuộc sống riêng.
Có hai hướng nhìn nhận vàng mã. Đầu tiên, nếu là một hoạt động kinh tế, nó thuần túy gây thiệt hại. Tôi không ủng hộ hướng nhìn đó, khi coi vàng mã chỉ đơn giản là giấy. Nhưng nếu là một hoạt động tinh thần, là hoạt động tôn vinh phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta, nếu những thứ được đốt kia không chỉ là giấy, thì nó đang được thực thi quá đà. Xã hội chúng ta không thịnh vượng như cái cách mà “lăng kính vàng mã”đang mô tả.
Nếu “trần sao âm vậy”, nếu tin rằng các bậc tiền nhân vẫn ở đó để chia sẻ cuộc đời với chúng ta, thì có lẽ ta phải làm bản sao của nhiều hợp đồng kinh tế nghìn tỷ sai nguyên tắc, các lá đơn xin gạo cứu đói, những hồ sơ cho vay gây thất thoát, hay thậm chí bản sao của những chính sách sai lầm, rồi đốt xuống cõi âm. Các cụ sẽ muốn nhìn thấy chúng.
Bạn có thể có tiền, và việc “đốt” vài triệu để đổi lấy sự thanh thản không phải điều gì đáng lên án. Nhưng mỗi khi châm lửa, hãy nghĩ điều mình đang làm là gì, có phải là một cuộc giao tiếp chân thành, hay là một thói quen.
Đức Hoàng