Một người bình thường ngoài đời cứ học hành xong, có công việc, tự lo cho bản thân được rồi, bắt đầu kết hôn, có gia đình. Người ta nói là đã trưởng thành.
Còn người tu, cũng vẫn học, tùy theo khả năng mỗi người mà học. Có người thì học mỗi Trung cấp Phật học, xong rồi thôi, coi như có vốn kiến thức tạm đủ về mà tu, hay là xác định học xong về ở với Thầy tổ, không cần trụ trì, nên học nhiều cũng không làm gì.
Cũng có người học lên Đại học, xác định học xong phải đi trụ trì một ngôi chùa nào đó, rồi hoằng pháp, dạy học, tiếp Tăng độ chúng.
Cũng có người học lên Thạc sĩ, có thêm kiến thức, ít ra giá trị cũng nằm ở cái bằng so với mặt bằng chung dừng ở mức độ Đại học. Để có thể làm giáo thọ của một trường Phật học nào đấy, làm giảng sư, cũng để có vị trí nhất định trong Giáo Hội tiếp tục kế thừa những vị lãnh đạo trước.
Cũng có người lên tới Tiến sĩ, học về trụ trì một lần hai-ba ngôi chùa, đi giảng chỗ này chỗ kia, tổ chức khóa tu này khóa tu nọ, có vị trí đáng nể trong đội ngũ lãnh đạo Giáo Hội.
Nhưng rồi học tới đâu đi chăng nữa cũng tùy vào trình độ, hay đơn giản là nhu cầu của địa phương sinh hoạt. Quan trọng nhất, cũng là tu kiểu gì.
Vậy đó. Người tu đủ tuổi thọ Đại giới xong, học hành cũng mãn, về lại chùa xưa, Thầy Tổ hay Giáo Hội giao cho ngôi chùa nào đó về trụ trì, tự lập. Bắt đầu sứ mạng tuyên dương chánh pháp… người ta mới gọi là trưởng thành.
Ở trường Trung cấp Huế, tôi ở cùng phòng với một sư huynh người Hà Tĩnh, mới thọ Đại Giới năm ngoái, đang học Học viện năm thứ III. Thọ giới về xong, sư phụ giao cho cái chùa ngoài Hà Tĩnh, chùa quê, nhưng ấm áp.
Thật sự ở cùng liêu nhưng tôi với thầy ấy chẳng nói chuyện nhiều là mấy, ngoài mấy câu hỏi đáp bâng quơ, nhưng chắc cũng cả mấy ngày mới hỏi, có lẽ là không hợp cho lắm. Vậy mà cũng chung liêu được gần bốn năm rồi. Nghĩ lại thấy cái duyên nó ngộ.
Cứ mỗi tuần học xong, thầy ấy lại tất bật chạy về Hà Tĩnh, phần lo cho chùa, cửa nẻo ra sao, mùa mưa bão nước có tạt không, bà con tu tập kiểu gì. Mỗi tuần trước ngày về, lại lỉnh kỉnh đi mua một mớ đồ, sắm cho chùa từng chút, cái chuông, cái mõ, ông Phật… đủ thứ.
Tháng nữa chuẩn bị Tết, thầy đi in lịch, tặng bà con trong làng cho vui. Tết người ta vào nhà chúc Tết, thấy cái lịch trên tường có tên nhà chùa tặng, cũng nở mày nở mặt.
In lịch xong, lấy về. Thầy ấy mở ra coi, săm soi từng tờ, lật lật, nâng niu như sợ nó rơi số ra ngoài. Đếm, rồi lại lật. Tôi ngồi bên giường, thầy ấy không nói, nhưng chắc là thầy vui lắm.
Vui vì lần đầu tiên mình đi tặng lịch Tết. Lần đầu tiên cho người ta cái thứ mà hồi nhỏ cứ nghĩ là phải làm gì ghê gớm lắm mới có lịch đem đi tặng.
Vui vì trên tờ lịch đó in tên chùa mình, mặc dù hổng phải tên mình, nhưng cũng vui, bởi chùa đó, mình trụ trì chớ ai.
Vui vì rồi cũng có ngày đường đường chính chính cầm tờ lịch trên tay đi tặng bà con, bạn bè với danh xưng ông trụ trì. Nhất là, về nhà đưa mẹ, con trai mẹ làm trụ trì rồi. Mẹ cầm tờ lịch, tay rờ rờ trên cái tên chùa, hổng có quà Tết năm nào mẹ vui như năm nay.
Nghĩ cũng lạ, trụ trì rồi, người ta cứ tất bật, nhưng cũng hay vui, vui từ mấy cái nhỏ nhất.
Trụ trì rồi, không còn là công tử ở với sư phụ nữa. Bắt đầu tung cánh, bay đi, bay đến nơi nào cần. Đi mà ban rải chánh pháp. Cũng đồng nghĩa với việc không còn nhõng nhẽo với sư phụ nữa, bây giờ có gì phải tự lo, tự xử với bất trắc của cuộc đời.
Trụ trì rồi, nghĩa là thời gian dành cho sư phụ cũng ít đi. Phải lo cho Phật tử riêng, trăn trở với việc chùa. Rồi những bữa cơm với sư phụ cũng ít dần, lâu lâu cũng chỉ là bữa cơm hội ngộ ngày có giỗ. Nghĩa là không còn nói chuyện tâm sự nhiều với sư phụ, vài ba bữa một cú điện thoại xa, hỏi thầy có khỏe không, thầy ăn cơm có ngon miệng không, huynh đệ ở chùa có làm thầy vui không, hay lâu rồi con không về thầy có buồn không. Rồi cũng có những cuộc điện thoại ngây thơ về sư phụ, đòi chỉ cách xử lý mấy việc không tên mà ngày xưa, sư phụ làm có bao giờ chịu hỏi.
Trụ trì rồi, tự nhiên nhiều lúc thấy nhớ chùa xưa da diết. Nhớ tiếng mõ lốc cốc của chúng điệu chiều công phu, nhớ tiếng hồng chung giật mình ngáy ngủ lúc bốn giờ sáng. Nhớ cái nhà bếp thầy trò ngồi ăn cơm mà rôm rả, cũng nhớ luôn cái ghế ngồi bao nhiêu năm trời muốn chai đít, hổng biết mình đi rồi, đứa nào ngồi chỗ đó. Cũng nhớ luôn bà nhà bếp nấu ăn, vui thì cười ha hả, buồn thì bỏ muối cho đậm đà món ăn. Nhớ mấy cái la rầy của ông sư phụ, mà không biết, sư phụ cả đống chuyện phải lo. Nhớ cây chôm chôm sau hè, bữa có trái cả chùa cứ quấn quanh khen chê đủ kiểu, bây giờ hổng biết mùa này chôm chôm có ngọt hông. Vậy đó, đêm về nằm trong căn phòng mới, tự nhiên bao nhiêu kỷ niệm ùa về, chảy nước mắt, tự nhiên thèm nhỏ miết, đừng có lớn để đi trụ trì, xa chi rồi nhớ…
Trụ trì rồi, là bao nhiêu việc phải lo, toàn là mấy việc trước giờ thấy sư phụ làm tưởng dễ lắm, bây giờ một chút thôi cũng mệt, tự nhiên thấy thương sư phụ quá chừng.
Trụ trì rồi, có Phật tử riêng, bắt đầu dạy bảo, hướng dẫn đủ điều, mới thấy chúng sanh khó độ, tự nhiên thấy xấu hổ khi ngày xưa thấy Phật tử chùa người ta, cứ bảo Phật tử chùa đó gì kỳ vậy.
Trụ trì rồi, được người ta gọi làm sư phụ. Mới biết gọi thì dễ mà làm không có dễ, sư phụ thì phải đàng hoàng, sư phụ thì phải nghiêm khắc, sư phụ thì phải quan tâm, sư phụ thì thương nhưng vẫn đánh, tự nhiên thấy từ sư phụ sao thiêng liêng quá, ngẫm lại thấy sư phụ mình ghê thiệt.
Trụ trì rồi, bắt đầu gánh những điều tiếng, lời ra tiếng vào, thị phi dư luận đủ trò. Lần đầu mới thấy bị tổn thương, mới biết cảnh làm dâu trăm họ, mới hiểu thế nào là ức chế. Bây giờ mới hiểu chữ Nhẫn ngày xưa thầy dạy.
Trụ trì rồi, là có đệ tử, bắt đầu có con rồi. Mới biết có con mệt ra sao, trời lạnh không biết nó lạnh không, lặng lẽ tạt qua phòng kéo chăn lên cho nó, thấy nó ăn cơm ít, tưởng bệnh, đem dĩa mãn cầu mới hái xuống cho nó, kêu thầy không thích ăn mấy cái này. Làm thầy mới biết thấy nó hư, phải đánh, phải la, mà trong lòng đau như đứt. Làm thầy rồi là tập không biết khen, nó làm gì cũng chê, để dạy nó đừng kiêu ngạo nghe con… làm thầy rồi mới biết, ngày xưa hiểu lầm sư phụ đủ thứ, tự nhiên thèm chạy về ôm thầy quá chừng.
Trụ trì rồi, Tết không còn cảnh huynh đệ quầy quanh sư phụ xin lì xì, không nghe sư phụ chúc từng đứa nữa mà đổi lại năm nay, mình phải chuẩn bị tiền đặng lì xì người ta, xung quanh toàn mấy gương mặt mới, lạ nhưng ấm áp, có cái gì đó vui trong lòng.
Trụ trì rồi, có tiền hơn rồi, nhưng không phải để mua quyển sách ngày xưa thích đọc, hay may bộ đồ màu mới. Mà lại đi sắm đồ để ở chùa, mua cái chén cho Phật tử về ăn cơm, sắm cái mền cho người ta đắp, hay bắt thêm mấy bóng đèn ngoài sân sợ tối về tụng kinh họ hổng thấy đường.
Trụ trì rồi, hình như mắt sáng hơn. Cái lá rụng sau cửa chùa cũng thấy, vết bụi nhỏ trên tượng Phật trong chánh điện cũng thấy, cây chổi quét nhà gãy cán nhét vội sau vườn cũng thấy, kể cả trái ổi nâng niu mấy ngày trời chờ ngày thơm để hái mà chiều nay đâu mất tiêu… thấy rồi lại tự tay mà làm, tự cầm cây chổi quét lá, thấy nhớ cái thời làm điệu ngày xưa, tự nhiên thương chùa mình vô cùng, như bản thân mình vậy, dơ một chút, chịu không nổi.
Lạ vậy đó.
Trụ trì rồi tự nhiên con người ta khác đi, thấy mình trưởng thành hơn, biết nhẫn, biết đau, biết tổn thương, biết ngã, biết tự đứng lên… nghĩ cũng lạ.
Nói gì nói, tôi viết bài này cũng chưa làm trụ trì, thấy sao kể vậy. Nhưng viết xong rồi mới thấy mình may mắn, bởi chưa có trụ trì, để có thời gian trân trọng những thứ đó hơn, để sau này không phải tiếc nuối, ngồi trước cổng chùa cầm cái nón ngó về chùa xưa, chảy nước mắt mới giật mình, trụ trì rồi…
10/01/2018
Mộc Trầm