.
.

Mẹ ơi, con đã về!


Cứ mỗi khi Tết về là lòng cô lại chợn vợn gì đó không rõ, nó như một nỗi buồn giấu kín, ẩn sâu bên trong vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười hăm hở. Cô luôn tự khen chính mình là giấu cảm xúc giỏi thật, đến độ cô ngờ vực cả chính bản thân liệu có phải là một diễn viên không, sao có “ năng khiếu” như vậy mà lại đi chôn chặt cuộc đời ở một công ty kế toán đầy lạnh lẽo như này.

Ngày cô còn bé, cô ngóng Tết như bao đứa trẻ khác, Tết ở quê cũng vốn không xô bồ và lạnh nhạt tình người như chốn phố thị đông đúc này. Nhà cô chỉ có ba người nhưng Tết lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười trong căn nhà nhỏ, tưởng như ai đi qua đều có thể nghe thấy tiếng cười trong trẻo của cô gái nhỏ bên cạnh ba mẹ của mình và cứ thế thốt lên :” Ôi, gia đình ấy hạnh phúc quá !”. Cô lớn lên trong một xóm lao động nghèo, ở miền quê suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời này, dẫu có thế, chưa bao giờ ba mẹ để cho cô một mùa Tết thiếu thốn. Dẫu cái thiếu thốn theo định nghĩa của người nghèo khác hẳn chúng ta vẫn nghĩ, có chăng, đầy đủ trong mắt họ là những ngày Tết có thể kho được một nồi thịt kho tàu khi múc ra chỉ vừa một chén, chẳng phải là những quả trứng gà trứng vịt to lớn mà chỉ là ba bốn quả trứng cút gọi là, và vài ba cục thịt mà có lẽ ai đó bán rẻ vì đã vãn phiên chợ chiều. Hoặc ít ra cái đầy đủ là có chậu mai chưng trước cửa như những nhà giàu ở khu phố luôn để một chậu to tướng, độ bề thế của mai càng chứng tỏ độ chịu chơi của họ, thì nhà của cô bé chỉ có một chậu nhỏ thôi nhưng ít ra nó cũng mang đến mùa xuân trên cánh hoa vàng rực mỗi khi ánh nắng chiếu vào.

Ba cô đi cộ, ngày vất vả đến tối mịt mới về, còn mẹ cô bán buôn ngoài chợ, phiên chợ Tết đông người nên cũng thường hay về trễ. Những ngày thường nhật mẹ cô có về sớm hơn kịp nấu bữa cơm chiều còn không thì cô thay mẹ nấu rồi trông khi cả hai sắp về sẽ đi hâm nóng lại cơm cho cả nhà ăn ngon miệng. Cô vốn không có thói quen đòi hỏi, với cô Tết nghĩa là “gia đình quây quần bên nhau”, thế là đủ lắm rồi. Ba cô cưng cô lắm, mỗi khi cô làm sai, dù bận rộn sau một ngày vất vả mà khi nghe cô bé bị mắng, thể nào cũng bênh vực:

  • Bà lại mắng con gái tôi đấy à? Thấy nó nhè tội chưa?

Và những lúc ấy mẹ cô sẽ lại thở dài:

  • Ông tướng lại bênh vực con gái rượu ổng rồi đấy!

Và hai ba con cô sẽ bật cười. Nhớ Tết năm nào, ba cô ráng cày tới tận khuya ba mươi mới về, mẹ cô

giận lắm, vì mẹ cô luôn muốn cả gia đình sẽ đón giao thừa cùng nhau, vì đối với bà, người phụ nữ mồ côi thì những phút giây sum họp này luôn là những tháng ngày thiêng liêng nhất, ba cô phải xin lỗi mãi, để rồi khi tranh thủ mẹ cô không để ý vội kéo cô ra một góc, đưa cho cô một chiếc quần mới, to nhỏ:

  • Ba chạy chuyến cuối, kiếm được thêm một ít, mua cho con chiếc quần mới đi chơi tết này. Khẽ thôi, chứ mẹ biết, mẹ mắng đấy! Lại bảo ba cưng con gái.

Cô nhớ về những ngày tháng ấy mà quệt nước mắt rơi lã chã, ba luôn dành dụm từng chút một cho cô,

và cô luôn hạnh phúc đến nỗi chỉ cần có ba trên đời cô tin chắc mình sẽ không bao giờ cô đơn nữa, bờ vai ấy có thể cõng cô đi cả thế giới này. Khi cô lớn lên một chút, ngoài thời gian học cô vẫn thường theo ba đi cộ, những ngày gần Tết, nhà người ta thường có nhiều đồ bỏ đi và cô thường theo ba đi nhặt về, khoảnh khắc khi hai cha con cùng nhau làm điều gì đó là những tháng ngày tuyệt vời nhất trong cô. Cô còn nhớ như in lúc ba mang về cho cô một chậu tắc con đựng trong một cái chậu nhỏ, cây tắc non không quá đùi cô mà cô dành để trên bàn chưng Tết, cũng là vì ba nhớ cô kể đám bạn năm nay chơi tết toàn tắc, và dù không thể mua cho con gái một chậu tắc bề thế như nhà người ta, ba cô cũng để dành tiền mua được một chậu tắc nhỏ cho con gái vui vầy.

            Cô cũng thích những ngày cùng ba canh nồi bánh tét, thường để lại một hai cây ở nhà ăn Tết còn lại đem bán, cô thường ngủ quên trên vai ba dẫu trước đó tự tin tuyên bố:

  • Con sẽ thức cả đêm canh nồi bánh cho ba, năm nay con lớn rồi, đỡ đần ba được.

Nhưng sáng hôm sau, khi những đòn bánh thành hình thể nào ba cũng khoe với mẹ:

  • Con gái tôi giỏi lắm đấy nhé, nay đã biết thức đêm canh bánh cho ba rồi.

Những ngày Tết là những ngày gia đình ba người ấy quây quần bên nhau, cùng trang hoàng quét dọn

nhà cửa, cùng nhau ăn miếng gừng cay và chúc nhau một năm mới tươi đẹp luc giao thừa..” Nhà” là nơi làm cô hạnh phúc nhất mỗi khi Tết về, thậm chí lên cấp ba, khi trẻ con trong xóm phải đi học xa và ở lại trường cô vẫn nhất quyết đạp xe hàng cây số chỉ để về nhà, ngủ với ba mẹ. Thế rồi, biến cố xảy ra, ba cô không may mất trong một tai nạn, những ngày gần Tết xe cộ đông, một bác tài lỡ lạc tay… Cô thành đứa bé mồ côi cha. Những ngày Têt xưa kia càng vui bao nhiêu nay đối với cô chỉ như cực hình, nhìn nơi đâu cô cũng thấy hình bóng ba mình vẫn còn, kí ức hạnh phúc trở thành ác mộng đeo bám cô mỗi đêm khiến cô khóc hoài. Và Tết năm ấy cũng trở thành năm buồn nhất của cô.

Năm sau, cô bước vào đại học, không như suy nghĩ lúc trước sẽ chọn học một trường gần nhà, cô đăng

kí học đại học ở thật xa. Đó như một cách để cô tự nhủ không thể về nhà thường xuyên và để làm lòng mình bớt ăn năn. Ngày cô đi, mẹ cô thêm một lần nữa khóc, nhưng ngay cả mẹ cũng hiểu nỗi đau của cô nên không cản, và dù cô cảm thấy rất dày vò khi cuối cùng sẽ chỉ còn mẹ vò võ trong ngôi nhà ấy, cô cũng nhất quyết không về nữa. Những ngày gần Tết, cô luôn kiếm cớ không về, năm thì cô bảo xa quá, tiền xe về quê đắt đỏ, cô lại là sinh viên nghèo, có năm lại bảo bận việc làm thêm, có khi lại bảo hết vé. Khi nhớ cô quá, mẹ cô lại tất tả lên thăm và chưa một lần oán trách, bà hiểu được chỉ cần cô bước chân vào ngôi nhà đầy hạnh phúc xưa kia thì cô sẽ khóc òa. Huống hồ, những ngày giáp Tết lại là ngày giỗ bố cô.

            Khi cô ra trường với tấm bằng giỏi cô được nhận ngay vào một công ty tài chính khá tiếng tăm, tiền lương khấm khá nên cô cũng muốn đón mẹ về ở chung, nhưng đáp lại mẹ cô chỉ nhẹ nhàng:

  • Mẹ ở quê quen rồi, phố xá lạ không quen. Hơn nữa ở đây có mộ phần của ba con, mẹ ở gần tiện đường cúng bái.- Rồi bà trầm ngâm lưỡng lự- Mẹ không ép con về nhưng chưa năm nào con về giỗ ba…

Cô cúp vội điện thoại như không muốn nghe tiếp về một nỗi đau. Cô đi làm ở phố ba năm chưa bao

giờ cô chu cấp thiếu thốn cho mẹ, khoản tiền cô gửi về đủ cho mẹ cô sống một cuộc sống đầy đủ ở quê, dẫu thế chưa bao giờ bà vơi bớt đi nỗi cô đơn, cô biết. Cô lại lấy việc chu cấp đầy đủ đó thành lí do để mình bớt ăn năn khi để người mẹ già một mình ở quê và đinh ninh lời từ chối không dọn lên phố ở chung của bà là cô đã hiếu thảo nhưng bị khước từ. Đến năm thứ mười sau khi ba cô mất mẹ cô lại một lần nữa nhắc lại:

  • Năm nay con có thể về được không? Đã mười năm rồi, ba nhớ con lắm…

Không hiểu sao từ nỗi đau cô chuyển sang tức giận:

  • Không phải con nói với mẹ là con không muốn về ngôi nhà ấy rồi sao? Con đã muốn mẹ dọn về ở chung, tiện đường cúng giỗ, mẹ lên phố ở cũng được sao nhất thiết cứ ở quê?
  • Mẹ đã nói với con nhiều lần rồi, thôi con không muốn về mẹ không ép.,,
  • Con đã gửi tiền cho mẹ rát nhiều rồi, mẹ thay con cúng ba, xin mẹ đừng ép con về nữa.

Mẹ cô đột nhiên đứt quãng:

  • Tiền con gửi về suốt mấy năm qua mẹ vẫn để đó dành con sau này, mẹ chỉ muốn con về nhà một lần, nhà là nơi để con quay về mà…

Những ngày gần Tết bầu trời trở nên lạnh lẽo thêm, người người tất bật đón tàu xe về quê cho kịp Tết

những ngầy ấm áp. Năm nào cô cũng nhận thêm công việc về nhà làm những ngày ấy để khua bớt nỗi cô đơn. Cô lại chuẩn bị ra ngân hàng gửi tiền về cho mẹ thì nhớ lại những câu mẹ  nói ngày hôm qua,” vậy không lẽ tiền mình gửi về mẹ không hề dùng? Những năm qua mẹ đã sống sao?”. Tất cả cô đều không biết, cô luôn viện đủ lí do chứ thực ra chẳng hề biết gì, dù cô có nhiều tiền ra sao thì đó cũng là điều mẹ cô không hề cần, điều bà ấy cần lúc này chỉ là cô thôi. Và năm ấy, khi ba cô ra đi, chẳng phải người đau đớn nhất vẫn là bà sao? Nhưng bà vẫn ở lại, cũng vẫn một nỗi đau nhưng vẫn muốn ở lại chỉ để gìn giữ ngôi nhà ấy, ngôi nhà mà khi còn bé cô đã luôn muốn quay về, ngôi nhà ngập tràn hạnh phúc.

            Ba mươi tết, cô tất bật đón chuyến xe cuối về quê, ngôi làng mười năm cô chưa một lần quay lại người người đang tất bật đón Tết, có vài người nhận ra cô, họ mừng rơi nước mắt. Cô tìm đường về nhà một thời đã rất thân quen, mẹ cô đang lau chùi bàn thờ ba cô và đặt lên mâm cơm cúng, không để ý cô đang bước vào, cô nhẹ nhàng đỡ mẹ:

  • Mẹ à, con về rồi, để con!

Bà vội quay lại, thấy con gái mừng rơi nước mắt. Cô nhìn quanh căn nhà, mọi thứ vẫn thế, một tay mẹ

giữ gìn. Kí ức mà cô sợ sẽ làm cô đau đớn nào ngờ quay về một cách đầy hạnh phúc khiến mắt cố đột nhiên đổ màu hoàng hôn. Cô nhìn lên di ảnh ba cô, ba vẫn đang mỉm cười, cô bật khóc:

  • Ba à, con xin lỗi ba, con ích kỉ quá.

Đột nhiên có ngọn gió xuân đâu đây thổi qua, như vỗ về cô, như cách ba cô vẫn thường nói với cô:

– Tết này hơi lạnh, con nhớ mang bao tay vào cho ấm nghe con!

Lê Hưa Huyền Trân