.
.


Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Thanh xuân, cuộc đời cũng như cánh hoa anh đào lìa cành trong độ rực rỡ nhất, để lại bao nuối tiếc khôn nguôi. Tất cả vốn đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết là vì vậy: Sống và chết chỉ là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một tờ giấy hay hai mặt của đồng xu không hề tách biệt.


Đã bao giờ bạn thử ngắt hoa đào khi chúng đã nở bung khoe trọn hương sắc… để rồi nhận ra một điều: Dù ta có cố gắng khẽ khàng, nâng niu đến mấy thì những cánh hoa cũng sẽ bung rụng ngay khoảnh khắc ta chạm tay vào nó… Từng cánh hoa nhẹ bay trong khoảng không lặng lẽ. Cánh đào tươi thắm ngày nào giờ chỉ còn xác hoa nằm buồn bã, gợi cho ta sự se sắt, tiếc nuối về sự tàn phai, chia ly…

Ở Nhật Bản, trong những cánh đào mỏng manh ấy còn chứa đựng cả một triết lý nhân sinh, triết lý vô thường về cuộc đời con người.

 

Có mặt ở mọi nơi, nhưng Sakura chỉ được tôn vinh nhất ở Nhật Bản 

Hoa anh đào còn được gọi là “Sakura” ở Nhật Bản, là loài hoa có năm cánh yếu ớt, không mùi hương. Chúng không đứng thành từng bông mà mọc thành chùm. Vẻ đẹp của nó là vẻ đẹp của trùng trùng điệp điệp hoa, tạo thành một áng mây dài, chập chùng, gợi cảm giác vừa choáng ngợp vừa nhẹ nhàng quyến rũ.

Sakura có nguồn gốc ở châu Á. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ,… Nhưng có lẽ không ở nơi đâu loài hoa này lại ghi dấu ấn đậm nét trong truyền thống và văn hóa, được nâng lên thành nghệ thuật như ở Nhật Bản.

Hình ảnh hàng ngàn đóa hoa anh đào nở rộ luôn hiện hữu trong nhiều bức tranh, phim ảnh và thơ ca của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật còn có hẳn cả một lễ hội thưởng hoa mang tên Hanami, với những hình ảnh thường thấy là gia đình hay bạn bè quây quần cắm trại, trò chuyện bên dưới những tán hoa.

Thế nhưng, liệu có phải họ chỉ đơn thuần thưởng hoa, hay còn chiêm nghiệm điều gì khác chăng?

Sakura – “Phút huy hoàng rồi chợt tắt” 

Lý thuyết của Phật giáo có nhắc nhiều đến cái chết và sự vô thường trong cuộc đời của mỗi con người. Trong đời thực, Sakura chính là một ẩn dụ rõ ràng nhất cho triết lý vô thường ấy.

Vào mùa hoa nở, sự rực rỡ, huy hoàng của Sakura đã làm bao lòng người chìm đắm và say mê.

Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là lời nhắc nhở về sự ngắn ngủi, phù dung và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Hoa không héo như hoa hồng, cố gắng bấu víu vào bầu hoa khi rụng xuống mà anh đào chỉ cần một cơn gió thoảng qua, cánh hoa sẽ nhẹ nhàng lìa cành.

Bên cạnh đó, điều đặc biệt chính là vòng đời của loài hoa này rất ngắn. Chúng chỉ nở rộ trong độ hai tuần, khi cánh hoa còn đương sắc nhất; sau đó sẽ rụng và rơi xuống đất theo hướng gió, men theo những dòng chảy, về lại với hư không.

 

Những cánh hoa ấy, phải chăng như một lời nhắc nhở trực quan rằng cuộc sống của chúng ta cũng ngắn ngủi và vô thường như vậy? Tất cả rồi sẽ biến mất. Tất cả rồi sẽ qua đi.

Tại sao chúng ta không quan tâm đến cuộc sống này khi mà nó có thể kết thúc ở bất cứ lúc nào?

 

Tại sao khi nhìn những cánh hoa tuyệt đẹp rơi xuống đất chúng ta không ý thức được khoảnh khắc hiện tại mới chính là đáng sống?

Tại sao chúng ta lại thờ ơ đi qua mỗi ngày, mà quên dừng lại để trân trọng hơn tình yêu của gia đình, của bạn bè, hay đơn giản, chỉ là khắc ghi nụ cười của một người lạ mặt thoáng qua?

Vậy vì sao người Nhật lại thích đi ngắm hoa anh đào (hanami) vào mùa xuân? Đó là vì lý do người Nhật thích hoa anh đào lúc hoa nở và hoa rụng. Cái cảm giác luyến tiếc khi hoa rụng rơi thể hiện triết lý và mỹ học về sự sống và cái chết của người Nhật Bản.

Tác giả Akishina Omori trong quyển “Bí ẩn người Nhật Bản” đã viết: Người Nhật chịu ảnh hưởng của bi cảm (aware), của văn hóa truyền thống với cảm giác vô thường của Phật giáo nên rất coi trọng vẻ đẹp mong manh phù du. Cái cảm giác vô thường (mujo) có nghĩa không có điều gì bền vững, tất cả rồi sẽ phải đổi thay. Còn “aware” có thể dịch tạm là “u hoài”.

Trong thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Thanh xuân, cuộc đời cũng như cánh hoa anh đào lìa cành trong độ rực rỡ nhất, để lại bao nuối tiếc khôn nguôi. Tất cả vốn đều vô thường và phù du, ngắn ngủi. Người Nhật yêu hoa anh đào vì sự rụng rơi đúng lúc đẹp nhất của hoa như một biểu tượng mỹ học về cái chết là vì vậy: Sống và chết chỉ là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một tờ giấy hay hai mặt của đồng xu không hề tách biệt.

Khi hoa anh đào nở, người ta thường ngồi lại với nhau để cùng xem xét lại cuộc sống, để cùng nhắc nhở nhau: Hãy yêu thương bản thân và những người xung quanh nhiều hơn. Bởi cuộc đời rất ngắn.

 

Hoa anh đào có đời sống ngắn ngủi nhưng người Nhật không ngắm hoa để cảm thấy bi quan, họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó để bùng lên khát khao sống, khát vọng cống hiến hết mình vì những gì đẹp trong thiên nhiên, cũng như trong cuộc đời thường hiếm khi tồn tại lâu. Chính sự tàn phai sớm cũng là một nét đẹp, nó tắt lụi đúng đỉnh cao rực rỡ của mình, đã thể hiện một cái đẹp cao cả nhất.

Cho nên hiểu thấu và vượt qua cái chết chính là để có thể sống trọn vẹn, tận tụy và tha thiết hơn. Biết chắc một điều mình sẽ ra đi thì chúng ta sẽ biết sống đẹp và ý nghĩa hơn. Một cuộc đời thành công là cuộc đời không có gì phải hối tiếc.

Bạn biết không, loài hoa mỏng manh này lại chính là biểu trưng cho tinh thần võ sĩ đạo mạnh mẽ. Các Samurai, những chiến binh của Nhật Bản, những võ sĩ đạo trung thành, trọng danh dự, sẵn sàng xả thân vì lãnh chúa. Họ cũng giống như một bông hoa Sakura – tuy vội nở, chóng tàn nhưng đã sống hết mình và đầy kiêu hãnh.

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

Kết thúc để rồi tái sinh…

Người Nhật luôn truyền tai nhau một truyền thuyết thú vị. Vào mỗi mùa xuân, vị Thần Núi sẽ đi xuống khu vực có những cánh hoa anh đào rơi và biến chúng thành những cánh đồng lúa, đem lại một vụ mùa quan trọng cho nền nông nghiệp Nhật Bản.

Với thời gian nở rộ trùng với thời điểm bắt đầu năm theo lịch của người Nhật, Sakura từ lâu đã trở thành “người báo hiệu” mùa xuân về cho người dân nơi đây. Những đóa hoa rực rỡ sắc hương như tiếp thêm hy vọng, nuôi dưỡng mơ ước và đam mê cho con người.

Khi hoa anh đào nở rộ, tương lai như đang mở ra trước mắt đất nước và con người Nhật Bản.

 

Tạm kết 

Khi người Nhật quây quần dưới tán cây anh đào vào mỗi tháng Tư, họ không chỉ chiêm ngưỡng những nét thẩm mỹ của hoa mà họ còn đang ngắm trọn những vẻ đẹp của cuộc sống.

Vì thế nếu có cơ duyên đến với xứ Phù Tang, ngắm cánh hoa đào nhẹ bay trong gió, xin hãy nhớ rằng trong cánh hoa bé nhỏ mong manh ấy lưu giữ trọn vẹn triết lý về cuộc sống và cái chết của tâm hồn người Nhật Bản.

Hoa anh đào hay Sakura
Rụng rơi từ lúc xuân thì
Vẫn tinh khôi trong trắng lạ thường (1)
Gió trời rung, hoa dẫu nát bên đường
Hoa cũng đã một lần trăm nét đẹp (2)

Kim Tâm (tổng hợp)