Viện Pasteur Nha Trang – Ảnh: TGCC
*
MỘ NGÀY. Buổi chiều cuối năm, không hiểu vì sao, câu nói của người bạn ở Nha Trang từ gần ba mươi năm trước, lại hiện ra: Anh đừng ngạc nhiên khi nghe nói rằng một nhân vật có vị trí trong ngành văn hóa ở địa phương này đã từng “xác quyết”: Yersin là một nhà văn thực dân nhưng không nổi tiếng. Vì nếu có tên tuổi thì tất nhiên tôi đã biết. Tôi cười cười hồ nghi, vì anh bạn thường thích “chế biến” ra những mẩu chuyện tương tự như vậy. Thế mà khi đến Viện Pasteur Nha Trang, lại nghe thêm một xác nhận: Chuyện cậu ấy nói có thật đấy. Ngay trong ngành y, mà còn có người còn đòi đập bỏ cái tượng này đấy!
Nhưng… thôi vậy: đã mấy mươi năm trôi qua rồi, cái thời của những điều ấu trĩ ấy. Nhưng có phải, tất cả những “non nớt yếu kém” đã qua đi? Dường như, câu trả lời vẫn còn là một sự thực không vui!
BÊN MỘ. Giờ đây, trong buổi chiều ở Suối Dầu, nhìn thấy dăm bảy khách du lịch đang viếng mộ Yersin. Không dưng mà hành trạng của bác sĩ gợi nhớ đến câu kinh Pháp cú: Ai dùng các hạnh lành… Như trăng thoát mây che (1). Ngôi mộ của vị bác sĩ đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (yersinia pestis) giờ đây tươm tất hơn nhiều, so với lần đầu tôi viếng mộ. Con người “thực dân mắt xanh mũi lỏ” này đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Việt Nam với những công tích lớn như khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (1893), thành lập Viện Pasteur (Nha Trang) và Trường Y Đông Dương năm 1902 (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông cũng đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch, trồng cây canh-ki-na để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét, là người đầu tiên nhập giống cây cao su và tuyển chọn nhiều loại thực vật – động vật từ khắp nơi trên thế giới đem về nuôi trồng tại Việt Nam.
Bác sĩ còn dùng số tiền riêng của bản thân, có được nhờ những giải thưởng khoa học để xây dựng con đường quanh co dài 30km từ Suối Giao lên Hòn Bà và nhiều “công đức” khác… Thử lan man, thì có người Việt Nam “da vàng mũi tẹt” nào dám cho rằng mình yêu nước hơn, đóng góp cho tổ quốc Việt nhiều hơn “ông Tây” này? Giờ đây, tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đều có con đường mang tên Yersin. Năm 2013, Tổng Công ty Bưu chính Pháp đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam phát hành hai mẫu tem chung Việt-Pháp về Alexandre Yersin…
Như thế là dù sao thì cuối cùng, sự hiểu biết và những tình cảm chân thành đúng đắn luôn luôn vượt lên trên những điều thấp kém đáng buồn đã từng diễn ra. Mặc dù giờ đây Lầu ông Năm(2) không còn nữa, nhưng hình ảnh bác sĩ Yersin vẫn không phai nhạt trong nhiều câu chuyện kể ở Nha Trang. Và người dân làng Tân Xương ở Suối Dầu còn thờ cúng ông như một thành hoàng. Nhà văn Patrick Deville đã gọi ông là thiên tài đơn độc, bởi vì Yersin biết rằng “không có sự lớn lao nào được thực hiện đối với số đông, nơi hàm lượng trí tuệ luôn tỷ lệ nghịch với số lượng thành viên”. Chính vì vậy, Yersin tự xóa mờ bản thân để người khác có thể sáng tạo…
*
MỘ NGÀY-BÊN MỘ. Cái từ… “mồ mả” thường dễ khiến xui những liên tưởng dẫn đến ý chết. Nhưng bên mộ Yersin, lại là vài ngẫm ngợi về nghĩa sống. Nếu “y cứ” trên từ ngữ mà tiếp tục… thơ thẩn, thì mộ ngày, theo cái nghĩa để chỉ thời khắc cuối của một ngày, lại không chỉ là… cuối ngày. Vì sao vậy? Giản dị, chỉ vì thời gian là sự biến trôi: trong hoàng hôn, đã tượng hình ánh bình minh. Và bên mộ, như thế, không phải là một không gian của sự chết mà là một mặt khác của sự sống. Bởi vì, chẳng phải Sống là đang Chết đó sao? Và chết, không hề là sự chấm dứt mãi mãi, mà để đến với đời sống khác, nơi sẽ hiện ra “một suối nguồn nâng đỡ to lớn; nó thực sự ban cho ta niềm hy vọng…” (Đức Dalai Lama thứ XIV).
Lời của các thánh nhân, từ lâu, đã mở ra nhiều cánh cửa. Trong khi đó, phải mất rất nhiều thời gian, khoa học hiện đại mới lần mò từng bước chân tìm hiểu, để rồi, từ những khám phá mới nhất trong thế kỷ vừa qua, (về hạt, về trường điện từ, về các dạng sóng…), phải đi đến nhận định làm đảo lộn cả những sự-thật-quen-thuộc. Đó là, những lý thuyết cũ về vật chất là phi thực tế. Đó là, vũ trụ là một thể không sao tách chia, tác động phụ thuộc lẫn nhau; là một đại dương năng lượng thống nhất và biến đổi không ngừng, bên trên xuất hiện các con sóng và bọt nước là các hình thái sống… Trên sự vô tận ấy, vật chất-ý thức là một; chủ thể-khách thể là một; không gian-thời gian là thống nhất; luật nhân quả là phương thức vận động tuần tự của vũ trụ v.v… Đấy là một sự-thật-lớn, như kết luận của nhà khoa học lừng danh Erwin Schrodinger: Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy hình thái biểu hiện bên ngoài; đó không phải là sự thực.
MỘ NGÀY-BÊN MỘ, như thế, chính là ánh lấp lánh báo tin của thời-gian-không-mất, đang sống lại trong Dòng Sống miên viễn. Như trong giá rét của tiết đông tàn đã tượng mầm nét dương hòa của sắc xuân tươi. Như lời kinh Dịch: Lục âm sinh nhất dương…
Tượng Yersin tại bảo tàng Y khoa Hồng Kông
*
MỘ NGÀY-BÊN MỘ. Dường như nghe vọng lại lời dặn sau cùng của bác sĩ Yersin: “Đừng cho ai đem tôi đi nơi khác… Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm…”. Và lời kinh hiền như tiếng chuông vô hình ngân dài xuyên suốt không-thời-gian: Không vì mình, vì người / Không cầu được con cái / Không tài sản quốc độ… (3)
Bên mộ, vẫn thầm lặng-dịu dàng những đóa hoa. Đang nở ra cho một mùa xuân mới. Cũ-mà-vẫn-khác, cho những ai biết dừng lại để đón nhận cái-đẹp-chân-thực-tốt-lành (chân-thiện-mỹ) trong tinh thần không phân biệt.
Là cái Một. Lặng lẽ. Bền lâu…
Nguyễn Đông Nhật
____________
(1-3): Kinh Pháp cú. HT.Thích Minh Châu dịch.
(2): Lầu ông Năm: Nhà của bác sĩ A. Yersin ở Nha Trang; tên gọi thể hiện tình cảm quý mến của người dân địa phương đối với ông.