Chùa Cao hay còn gọi la Chùa Gôi thuộc quần thể Phủ Dày, cách từ Thành phố Nam Định đi về phía Tây khoàng 15km, trên trục đường QL 10, chùa nằm trên 1 quả núi tên gọi Núi Gôi “Non Côi” thuộc địa phận Thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Xưa kia cứ vào thượng tuần tháng ba âm lịch, chính hội là 3/3, du khách thập phương nô nức hành hương về với hội Phủ Dày, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Thánh Mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát, Đền Sòng (Thanh Hoá ).Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ( nơi Mẫu sinh ) là thu hút khách thập phương hơn cả.
Du khách trảy hội Phủ Dày vừa để dự ngày “giỗ Mẹ”, vừa để thoả nguyện tâm linh và được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng, chùa truyền thống vô cùng độc đáo.
Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hoà quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hoá dân gian sôi nổi, đặc sắc.
Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dày là nghi lễ “Thỉnh kinh rước nước” rước Thánh Mẫu từ Phủ Chính (Tiên Hương ) lên chùa Gôi ( chùa Cao ) vào ngày 6/3. Đám rước Thánh Mẫu dài gần 1km , rất trang trọng có đội ngũ nhạc, có phường bắt âm. Đến ngày 7/3 sinh hoạt văn hoá “Hoa trương hội”.
Đây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin Mẫu ” ra chữ ” sau đó theo nhịp trống chiêng rộn ràng xếp thành những dòng chữ Hán đầy ý nghĩa.
Trải qua những năm kháng chiến trước đây, ngày nay tục lệ ” Thỉnh kinh rước nước ” về chùa Cao ( chùa Gôi ) đã bị mai một mất đi truyền thống đích thực vốn có của nó. Tuy vậy, chùa Cao ( Gôi ) cùng nhân dân địa phương, thập phương với tâm linh tín ngưỡng của mình và sự tưởng nhớ về cội nguồn mà những năm gần đây cứ tới ngày mồng 6 / 3 lại tổ chức ” rước bóng ” từ chùa Lão lên chùa Cao (chùa Hạ lên chùa Cao ) như hiện nay.
Mộc Công