.
.

Ấn Độ: Tưởng Nhớ Đức Phật Bằng Âm Nhạc


Dù đã khoảng 2.500 năm sau khi Ngài viên tịch nhưng những giáo lý của Đức Phật vẫn luôn thích ứng với hiện tại. Phật giáo được xem là tôn giáo lớn thứ tư trên thế giới với hàng triệu tín đồ. Đáng ngạc nhiên là, Đức Phật được sinh ra, giác ngộ và viên tịch trùng một ngày. Ở nhiều quốc gia, tín đồ Phật môn tổ chức tuần lễ sinh nhật của Đức Phật với tên gọi “Vesak”.

April-18-B21-H01

Bombay Jayashri.

Hoàng tử Gautama rời bỏ cung điện của mình ở tuổi 29 để đi tìm chân lý, thứ mà Ngài đã đạt được sau đó sáu năm và trở thành “Đức Phật” (Đấng giác ngộ) nhưng Ngài vẫn duy trì thân thể trần thế của mình đến năm 80 tuổi để đi khắp nơi thuyết pháp. Sau khi đắc đạo, theo truyền thuyết, Đức Phật phát nguyện ở lại trần gian để giúp đỡ trần ai cho đến khi mỗi sinh linh đạt đến đốn ngộ, dù là con người hay động vật, cây cỏ. Trong kinh điển Hindu, Đức Phật được xem là một trong 24 “hóa thân” (avatar) của thần Vishnu. Tiến sĩ Achal Pandya của IGNCA (đơn vị tổ chức sự kiện) cho biết, “Thông điệp của Đức Phật đã được truyền bá khắp thế giới; chúng ta tưởng nhớ đến ngày Ngài đản sinh, giác ngộ và viên tịch là hợp lẽ đạo”.

Theo truyền thống, âm nhạc không được sử dụng trong các kinh điển Phật giáo vì đây là một tôn giáo trí tuệ không để tâm quá nhiều vào cảm xúc để đạt đến Chân lý mà chủ yếu thông qua những hành vi chánh đạo và thiền định.

Bằng một sự phá cách độc đáo để tưởng niệm cuộc đời của một vỹ nhân, IGNCA sẽ tổ chức một chương trình âm nhạc vào ngày 29/04/2018 với sự biểu diễn của ca sĩ nổi tiếng miền Trung Ấn Bombay Jayashri và band nhạc của cô. Bombay Jayashri không những là ca sĩ tên tuổi mà còn là nhà soạn nhạc, nhà văn, giáo viên, nhà hoạt động môi trường (cô là đại sứ “Ngày trái đất”)… Âm nhạc của cô phản ánh những cá tính đa sắc diện, có sức hấp dẫn khó cưỡng. Chân thực, chân thành, không màu mè và quyến rũ đặc biệt là những gì có thể nói về chương trình âm nhạc sắp tới của Bombay Jayashri trong ngày Purnima Đức Phật. Dưới đây là cuộc trò chuyện ngắn của phóng viên với nữ ca sĩ nổi tiếng này.

PV: Bạn nghĩ có mối liên hệ giữa âm nhạc và tâm linh không?

Bombay Jayashri: Có chứ, mối liên hệ giữa âm nhạc và tôn giáo là không thể tách rời. Âm nhạc cổ điển Ấn Độ phát triển như một hình thức để khẩn cầu Đấng tối cao thông qua âm thanh và từ khởi nguyên chỉ được biểu diễn trong các hoạt động tôn giáo. Kinh điển của chúng ta nói rằng mục đích của âm nhạc cổ điển là để liên kết “Atma” (tự ngã) với “Paramatma” (Đấng thần linh). Âm nhạc của chúng ta không chỉ đơn thuần là giải trí. Với tôi, tôi luôn miệt mài sáng tác những ca khúc tận hiến cho Đức Phật. Thực ra tôi cũng đã thu âm một số album về đề tài này.

PV: Trong âm nhạc, sự khác nhau về thể loại có quan trọng không? Bạn cảm thấy thế nào khi hát trong lễ Purnima Đức Phật?

Bombay Jayashri: Tôi không nghĩ nhiều lắm về những biên giới khác biệt của các thể loại âm nhạc khác nhau. Tôi thấy mình thật may mắn vì được lớn lên trong những lời răn dạy để yêu những nốt nhạc đáng kính chứ không phải thể loại mà nó thuộc về. Tôi thấy những ranh giới giữa các thể loại hiện nay rất mờ nhạt. Đó chính là bản chất. Âm nhạc là âm nhạc. Sự phân biệt các dòng nhạc là do chúng ta phân chia. Cũng giống như khi nhìn trái đất từ mặt trăng thì bạn chỉ thấy trái đất màu xanh lá cây và màu xanh nước biển chứ không thể thấy được biên giới giữa các quốc gia. Tôi được đắm chìm trong âm nhạc từ khi bắt đầu có ý thức. Tôi thức dậy với âm thanh của nhạc, rồi khi đi ngủ tôi lại có thể nghe tiếng lớp học âm nhạc mà mẹ tôi lên lớp. Tôi sống trong màn bong bóng đẹp đẽ của âm nhạc và thật khó để tưởng tượng điều gì đó đẹp hơn âm nhạc. Và tôi chưa bao giờ quan tâm đến nhạc mình nghe là thể loại gì. Tôi hoàn toàn tin rằng sự cảm thụ trong bản thân một nhạc sĩ là rất quan trọng và điều này được phát triển với những gì xung quanh bạn. Bạn không thể ép chặt bản thân mình là nhạc sĩ và không cảm thụ được gì ngoài âm nhạc.

Biểu diễn trong ngày Purnima Đức Phật để ngợi ca Đấng thánh linh là điều tôi có thể làm được, điều tôi đã luyện tập để thực hiện với mong muốn kết nối mọi người với những bản thể bên trong của họ bằng âm nhạc. Ở góc độ nào đó, âm nhạc là cầu nối giữa khán giả và thần linh, tôi chỉ là người kết nối mà thôi. Tôi chẳng làm gì mới mẻ cả, mọi thứ đã vốn dĩ như vậy rồi. Đối với âm nhạc Trung Ấn, “sahitya” (ca từ) vô cùng quan trọng, chúng tôi thường hát những ca từ có ý nghĩa sâu sắc. Tôi đã sáng tác một số ca khúc như vậy và tôi sẽ biểu diễn chúng.

Chương trình âm nhạc này là để tôn vinh Đức Phật và nó thực sự rất đặc biệt đối với tôi. Những giáo lý của Ngài vẫn còn thức thời đến hôm nay. Tôi nghĩ tưởng nhớ Ngài thông qua âm nhạc là rất quan trọng. Chương trình sẽ có sự tham dự của nhiều tăng ni cao cấp và hy vọng tôi có thể tạo ra một đêm diễn thăng hoa trong đêm trăng tròn sắp tới giữa một sân khấu ngoài trời.

Dân Nguyễn (Dịch từ Asian Age)