Ngồi tĩnh lặng bên nhau, cùng thở nhẹ, mỉm cười, an trú – Ảnh: Tuấn Hưng
1. Có được vài ngày thong dong – để đi và biết mình đi, đi mà không cần vội vàng, không cần nôn đến; để thở thật nhẹ, hít từng hơi vào ra nhẹ-khỏe; để lắng lòng, vô lo, mặc kệ đua chen bên ngoài… là điều ai cũng mong nhưng ít người làm được.
Nguyên nhân có thể do sợi dây trói quá kỹ, do mình muốn sống trong sự bận rộn vì nghĩ rằng như thế mới… không phí, do mình chưa đủ mạnh mẽ để dứt ra khỏi vài dính mắc và đi về nơi an tĩnh dù rất muốn.
Vô vàn lý do và rồi chúng ta đã đánh mất cơ hội thong dong, cơ hội được sống tự do với thiên nhiên, cây cỏ, với người thân thương.
Thực ra, có nhiều khi con người mình sống trong cái khổ mà ta không biết, cứ bận rộn ra vào với lợi danh mà nghĩ rằng, bỏ thời gian để thảnh thơi là phí nhưng nào biết không thong dong mới là… phí. Cái phí của đời người chưa thể nếm trải hạnh phúc đơn sơ, hòa cùng thiên nhiên, để hơi thở mình được nhẹ nhàng, chánh niệm – quả thật là rất phí.
Hôm đi khóa tu nói trên (đã rất lâu rồi mới có dịp đi lại, và lại đi đúng nơi mình được “khai thông suối nguồn” cách đây 13 năm) – ở đó, nhà sư trẻ nhắc lại câu kinh điển: những gì mình dùng thì đã hết, để lại thì người khác xài; ta chỉ còn lại những gì mình đã cho đi…
Cho đi? À, đâu phải chỉ có tiền bạc, mà còn là công sức (để giúp đỡ một người), thời gian (để ngồi nghe ai đó), lời nói (dịu dàng, nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý)… Chúng ta có thể cho được nhiều thứ nếu chúng ta biết mình có cả một gia tài… an vui đang lu lấp bởi bao bận rộn lợi danh, hơn thua mỗi ngày. Tài sản mà Đức Phật chỉ rõ rằng: ngọc trong chéo áo, hãy lấy ra dùng và thôi làm thân cùng tử!
Chỉ cần chịu đi và chịu ngồi xuống, tập thở và an yên là ta đã hiến tặng cho vũ trụ mình sống, muôn loài cùng người thương, quan trọng hơn là cho chính mình một tình yêu lớn lao, một năng lượng lành tốt rồi. Món quà đó quý hơn bất cứ thứ gì!
2. Sự thực là, ở tại khóa tu đó, tôi nhặt về rất nhiều thứ: đó có thể là sự tận tụy gieo duyên lành của chư Tăng Ni; sự nhiệt tâm cống hiến, phụng sự của một ban tổ chức toàn người trẻ, giỏi; sự ngăn nắp theo hàng lối – một kiểu ứng xử văn minh hiếm thấy, nhất là người Việt mình, vẫn thường bị ta thán…
Theo đó, chỉ với một ê-kíp 10 bạn trẻ, nỗ lực hơn tháng trời, thông qua sự hướng dẫn trực tiếp của ĐĐ.Giác Minh Luật (trưởng nhóm, đang học Phật pháp tại Thái Lan), các bạn đã tiếp nhận đăng ký, liên hệ phương tiện di chuyển, địa điểm tổ chức, tiến hành thực hiện với sự chuyên nghiệp của một sự kiện lớn, có đến 730 người tham gia trong vài ngày.
Bạn Khắc Cường – thứ 2 từ trái qua – một trong những thành viên BTC khóa tu,
một hoạt náo viên luôn tạo tiếng cười cho khóa sinh – Ảnh: Tuấn Hưng
Và, trong vài ngày đó, quan sát mới thấy, các bạn đã được quý thầy, quý sư cô trẻ (nhiều vị đang học ở các trường Phật học trong, ngoài nước) chăm sóc quá kỹ, không chỉ chuyện ăn, nghỉ ngơi mà quan trọng hơn là những giờ giấc thiền tập, quán niệm, lắng đọng sâu trong đêm hoa đăng hướng về những ơn lớn của mỗi người (cha mẹ, thầy tổ, quốc gia, Tam bảo, vạn loài trong cõi mình sống)… Tất cả tạo nên sự ngăn nắp ở bên trong, để rồi, giờ nào việc nấy. Tuổi trẻ tất nhiên năng động, trẻ trung, nhưng khi cần hàng ngay lối thẳng, cần sự im lặng để thảnh thơi từng bước chân thì các bạn đã hợp tác rất tốt.
3. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn! Câu nói của ông bà mình không bao giờ là sai cả. Bạn đã sẵn sàng để đi đó đi đây, đã thôi sợ hãi mất này mất kia để rồi cuối cùng mình cũng tay trắng ra đi chưa? Tôi đã được đi, hòa cùng mọi người, được kết duyên lành và “đã về, đã tới”… thấy Tịnh độ hổng có xa xôi đâu hết”, một cảm nhận được ghi lại từ khóa tu.
Rồi một chia sẻ khác: “Mình đã được làm mới”. Đó có lẽ là cảm xúc của nhiều người, hàng ngày vì quá bận rộn với công việc đã quên thở chánh niệm (biết mình đang thở), ăn vội vàng thậm chí bỏ bữa để… kịp tiến độ. Chúng ta đối xử hơi tệ với bản thân và nghĩ rằng, sự nghiệp của mình là làm thiệt nhiều tiền, tạo dựng một chỗ đứng khiến người ta ngưỡng mộ…
Thực ra, nhu cầu thành công là chính đáng nhưng cách chúng ta đi đến thành công đôi khi có vấn đề, chẳng hạn ta bỏ bê sức khỏe cho công việc, ta quên kết nối với người thân-thương vì lý do kiếm tiền.
Còn nhớ, Đức Dalai Lama thứ XIV từng nói về con người và được nhiều người tâm đắc, đó là việc ngài ngạc nhiên trong cách con người sống: cứ đổ hết sức khỏe ra để kiếm tiền rồi khi có tiền sẽ đổ rất nhiều tiền chỉ mong có lại chút sức khỏe. Vậy, lý tưởng của con người là gì? Bao giờ ta tự hỏi điều đó để thấy mình cần bớt lăng xăng lại, để có thể sống an vui với những điều mình có, giản dị, nhẹ nhàng; để làm việc là làm bằng sự ý thức năng lực, sức khỏe bản thân, làm gì cũng có niềm vui và mang lại hạnh phúc chứ không phải khổ sở vì công việc, lấy lý do công việc để tiếp tục vật lộn khổ sở với những ngày thanh xuân ngắn ngủi.
Tham dự một khóa tu, hay đi đâu đó để tĩnh lặng, là một cơ hội để nhìn lại và để yêu thương sâu sắc, để biết giá trị cốt lõi của cuộc sống vốn là sự bình an trong tâm hồn, từ sự chánh niệm trong mỗi ngày trôi qua: bởi hạnh phúc là con đường, không phải là đích đến!
Nghệ sĩ Đại Nghĩa tọa đàm tại khóa tu Trong buổi tọa đàm “Lý tưởng sống” diễn ra trong khuôn khổ khóa tu “Lý tưởng sống”, nghệ sĩ Đại Nghĩa cho biết “lý tưởng đi tu có từ hồi lớp 8 và đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai”. Tuy nhiên, do một vài nhân duyên thuộc về gia đình, công việc, nên anh vẫn chưa xuất gia. Song, hiện tại, Đại Nghĩa đã ăn chay trường, ngoài công việc đi diễn, làm MC thì anh đang tham gia khóa học Đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
Theo nghệ sĩ Đại Nghĩa, lý tưởng của người trẻ thời nào cũng cần có chính là sống tốt đẹp theo lời Phật dạy, và để đi tới những lý tưởng lớn (mục đích của đời mình) thì cần hoạch định những mục tiêu nhỏ rồi thực hiện dần, từng bước. |
An Lạc