.
.

Làm sao để vượt qua mặc cảm ngoại hình?


Mặc cảm về ngoại hình (body dysmorphic disorder – BDD) có thể gây ra lo lắng, xấu hổ và khủng hoảng tinh thần cho nhiều người. Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng ta có thể vượt qua mặc cảm này.


Mặc cảm về ngoại hình là gì?

Người có bất ổn này cảm thấy bị thúc ép một cách liên tục bởi sự phân tích và bình luận về chính ngoại hình của mình. Họ thường cảm thấy đau khổ vì những điểm ngoại hình mà người thân và bạn bè cho đó là những khuyết điểm nhỏ hay thậm chí điều không hoàn thiện ấy hoàn toàn không có thật.

Bất ổn này không đặc thù theo giới tính, tức cả nam và nữ đều có thể có bất ổn này. Cảm thấy mặc cảm về ngoại hình dẫn đến sự ám ảnh về hình dáng, tướng người, chiều cao và sự cân đối của bản thân.

Người bị bất ổn này thường có xu hướng cảm thấy xấu hổ nghiêm trọng, tự ti, ghét bỏ hay thậm chí là căm thù bản thân mình – chia sẻ của chuyên gia tâm lý học Trường Y khoa Đại học Harvard.

Nhận diện được các biểu hiện của mặc cảm về ngoại hình đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh bất ổn này.

Nếu bạn có các biểu hiện dưới đây, bạn có thể đang mắc bất ổn này:

1 – Tự ý thức về bản thân một cách lạ thường

Người mắc chứng mặc cảm về ngoại hình cảm thấy ám ảnh, không hài lòng về điểm nào đó hay toàn bộ ngoại hình của mình.

Người này có thể mất nhiều giờ đồng hồ trước gương chỉ để quan sát, nhìn ngắm và nhận xét về một bộ phận nào đó trên cơ thể, theo Hội Lo lắng và Suy nhược tinh thần Hoa Kỳ.

2 – Có sự tri nhận không chính xác về cơ thể mình

Một người nữ có thể “cảm thấy” mình mập mặc dù người này hoàn toàn được coi là hài hòa về mặt cân nặng và chiều cao. Người mắc bất ổn này tin rằng trông họ khác với biểu hiện ngoại hình của bản thân.

Họ phác thảo nên khung sườn về ngoại hình của mình và bức họa đó “bóp méo” thực tế bản thân nhưng nó lại “tương thích” với cách họ tri nhận.

3 – Phải đấu tranh với hành vi bắt buộc

Người mắc chứng BDD thường phát triển các hành vi dính mắc, không thể thoát ra cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ người này cứ luôn xăm xoi bất ổn nào đó trên da, liên tục soi gương để nhìn ngó, kiểm tra.

Họ thường nhìn quanh quẩn tất cả những ai có mặt gần hay xung quanh mình và so sánh bản thân mình với người khác. Các hành vi này tạm thời xoa dịu cảm nhận và sự lo lắng của họ.

4 – Phát sinh xung đột trong quan hệ cá nhân và nghề nghiệp

Sự mặc cảm này có thể “ngốn đi” trung bình của bạn khoảng 3 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày. Do sự ám thị liên tục diễn ra nên những người có bất ổn này thường bị “thiệt hại” nhất định trong công việc, học tập, tình cảm và thậm chí các mối quan hệ gia đình.

Thường những người này từ chối sự giúp đỡ từ người khác nên chúng ta cần tế nhị đề xuất liệu pháp tinh thần nào đó cho họ vì họ thật sự cần được giúp đỡ.

5 – Luôn cần sự tái khẳng định của người khác

Dù bạn có nói hàng trăm lần rằng họ không hề mập, họ vẫn không tin và cứ liên tục tìm kiếm sự tái khẳng định, tái xác nhận của bạn. Họ cứ khăng khăng rằng cái mũi của họ xấu xí và không chịu “nhìn thấy” đúng thực tế về cái mũi của mình, dù nó không hề xấu như họ nghĩ.

Sự mặc cảm này ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ vì họ sợ rằng người khác đang bình phẩm về mình. Đôi khi họ tránh sự thân thiết, gần gũi vì sợ rằng mình bị đối phương khước từ. Điều này dẫn đến việc họ liên tục muốn được tái xác nhận nhưng lại không chịu hài lòng với câu trả lời của người khác.

6 – Lạm dụng mỹ phẩm

Can thiệp điều chỉnh cái mũi, làm da trắng hơn ra hay ráo riết cần phẫu thuật thẩm mỹ các bộ phận mà bản thân cho là chưa hoàn thiện trên cơ thể mình. Điều này có thể dẫn đến những sự liều lĩnh, đe dọa sự an toàn của họ.

7 – Nhịn ăn và rèn luyện thể hình một cách không hợp lý

Khi sự tự phê bình leo thang, “các nạn nhân” chuyển sang cực đoan trong suy nghĩ mình cần “bồi thường” hay “đền bù” lại những khiếm khuyết đang tồn tại.
Nhịn ăn, tập luyện “điên cuồng”, giảm ăn “bất chấp” với hy vọng rằng mình sẽ “đẹp” hơn.

8 – Công việc và sự thư thái của bản thân bị ảnh hưởng

Nếu những mặc cảm này đủ lớn, chúng sẽ ảnh hưởng đến các khía cạnh đời sống như: gia đình, trường học, công việc và cuộc sống. Chúng ngốn quá nhiều thời gian làm bạn trễ nãi giờ giấc làm việc, né tránh các quan hệ gia đình, bạn bè.

Các bất ổn này đều “can dự” đến khả năng tập trung vào những điều cần làm, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động hàng ngày và những người trong tình trạng này cần tìm đến trị liệu nào đó.

——————–


Cải thiện mặc cảm ngoại hình như thế nào?

Có khả năng nhận ra mình đang có bất ổn này, khi “sự tự cải thiện trở thành một ám ảnh” là điều khó khăn nhưng là bước thiết yếu trong điều trị BDD. Theo Hội Tâm lý Thế giới, liệu pháp cho BDD chính là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).
Liệu pháp này hướng dẫn cho chúng ta cách nhận diện các yếu tố tiềm ẩn của BDD và tái định hình lại các suy nghĩ tiêu cực, biến chúng thành cách tư duy tích cực.

Qua liệu pháp này, người mắc chứng BDD có thể vượt qua các cấu trúc suy nghĩ và hành vi gây ra sự lo lắng, tự chỉ trích và sự cô lập xã hội – các chuyên gia khẳng định.

Trần Trọng Hiếu