.
.

Có tình yêu chân thật hay không?


Gửi người bạn trẻ: Em viết: “Hạnh phúc chỉ có thật khi có tình yêu đích thật. Nhưng, có tình yêu đích thực hay không? Ba mẹ em đã sống với nhau 30 năm, thế mà vẫn chia tay. Mỗi người đi một ngã. Em đã hai lần thất bại trong tình yêu cho nên em luôn buồn. Em muốn có người bạn để tâm sự.”


Trước hết, ta phải trả lời với người bạn trẻ này là có tình yêu đích thật. Một loại tình yêu cao hơn tình yêu cha con, mẹ con, vợ chồng và lứa đôi. Vợ chồng yêu nhau thật đấy, nhưng tình yêu ấy vẫn còn rình rập bởi những lo âu, nghi ngờ, đòi hỏi, ghen tuông, tham dục, ích kỹ, bi lụy, chiếm hữu… Chính những chất liệu này làm cho đời sống vợ chồng có nhiều khó khăn, khổ đau và đôi khi trở nên mong manh. Nếu vợ chồng thương yêu nhau, mà cả hai đều biết sống như thế nào đó để chuyển đi những cái lo âu, nghi ngờ, đòi hỏi, tham dục, ích kỹ, chiếm hữu, ghen tuông thì tình yêu ấy là tình yêu đích thật. Cho nên, trong tình yêu bi lụy kia, ta có thể tìm thấy dấu ấn của tình yêu đích thật. Ta phải biết nghệ thuật thương yêu và nhận ra các bộ mặt khác trong tình yêu.

Có ông chồng trẻ kia rất là tài ba, dễ thương. Anh yêu vợ ghê lắm, thế nhưng hễ thấy vợ nói chuyện hay nhìn người đàn ông khác là anh tức giận. Từ đó, anh bớt dễ thương trái lại hay cau có, khó chịu. Như vậy tính ghen đã làm tình yêu của anh trở nên hạn hẹp. Từ tình yêu trở thành tính cau có.

Em bảo em đã thất bại trong hai lần yêu. Như thế, nó đã để lại những vết thương tích rướm máu trong tâm hồn của em, cho nên em nghi ngờ tình yêu là phải. Ai cũng cần tình yêu, nhưng ít người biết yêu thương dù tình yêu ấy là tình yêu con cái, tình yêu bố mẹ, tình yêu vợ chồng, tình yêu bè bạn và tình yêu lứa đôi. Đa số chúng ta chưa có khả năng yêu thương dù ta rất khao khát tình yêu. Tình yêu là lẽ sống. Tình yêu là nhựa sống. Cây sống là nhờ nhựa. Con người sống hạnh phúc và mạnh khoẻ là nhờ tình yêu. Bởi thế, em không nên chán nản và thất vọng.

Em đã học bài học đau thương trong tình yêu bồng bột. Em hãy tập thương theo xu hướng tình bạn. Tình bạn đẹp và trong sáng hơn tình yêu trai gái. Đa số, người trẻ mới lớn rất dễ hiểu lầm về tình yêu và tình dục. Vì sinh tâm lý phát triển quá nhanh trong cơ thể của tuổi mới lớn, cho nên người trẻ có nhu yếu sinh lý. Họ nghĩ rằng tình yêu là thỏa mãn những nhu cầu sinh lý. Từ nhu cầu được để ý, thích làm đẹp, được ngưỡng mộ, tới làm quen, gần gủi, thâm mật, rồi chuyện đụng chạm, vuốt ve, nhảy nhót, thoả mãn sinh lý là chuyện phải xảy ra. Và, tất cả người trẻ đều cảm thấy xấu hổ, thất vọng, ghê tởm sau chuyện ấy. Như thế, tình yêu khác với tình dục. Tuy nhiên, tình yêu có trong tình dục, và tình dục có trong tình yêu. Cũng giống như, hoa sen không phải là bùn, nhưng bùn có trong hoa sen, và hoa sen có trong bùn. Đây là một sự thật mà ít người nhìn ra.

Tình dục không phải là chuyện xấu xa và tội lỗi. Nó là chuyện giữa vợ chồng phát xuất từ nhu yếu sinh con đẻ cái để tiếp nối dòng dõi. Chứ, người trẻ đừng hiểu lầm chuyện ấy là tình yêu. Hiểu như thế thì hoàn toàn hiểu sai về tình yêu. Tuy nhiên, là con người, ai ai cũng có nhu yếu tình dục. Nhưng, ta hãy cẩn thận, vì nó không khải là tình yêu, trách nhiệm, hạnh phúc. Thường thường, nó đưa tới hậu quả ngược lại. Sự khác nhau giữa con người và loài thú là chỗ đấy. Gà trống cứ đi theo gà mái để thoả mãn. Các loài khác cũng thế! Nhưng, loài động vật hoạt động theo bản năng, nghĩa là tới mùa thì chúng nó mới làm chuyện ấy, chứ loài người làm hơi mù mờ và quá đáng. Họ bị thúc đẩy bởi dục vọng, muốn thoả mãn, cho nên họ tạo ra nhiều khổ đau và bệnh hoạn cho thân thể và tâm hồn. Bao nhiêu người trẻ dở dang cuộc đời cũng vì tình dục, bao nhiêu vụ phá thai cũng vì tình dục…

Cho nên em hãy hiểu cho rõ tình yêu trước khi nhảy vào cuộc mạo hiểm. Tình yêu bắt đầu bằng tình bạn. Chàng nào muốn yêu liền, muốn chiếm hữu liền thì em phải cẩn thận vì nó không phải là tình yêu.

Em hãy làm bạn trước để làm quen với nhau, chơi với nhau, nâng đỡ cho nhau, tâm sự với nhau. Từ đó, em mới bắt đầu hiểu đuợc bạn mình và đồng thời cũng hiểu được chính mình. Có lúc, đôi bạn thương nhau, nhưng cũng có lúc giận nhau. Chính nhờ thế, em mới bắt đầu hiểu nhau hơn. Hiểu được tính nết, cách suy tư, cách tiếp nhận, cách nói năng…

Ở Việt Nam, thời xưa, đa số vợ chồng là do cha mẹ sắp đặt, cho nên đôi trai gái không hiểu gì về nhau. Sau khi về với nhau mới bắt đầu học làm quen từ từ. Có lúc, họ vui, nhưng nhiều lúc họ buồn giận, vì họ có hiểu gì về nhau đâu! Hai chiếc thân gần gủi, nhưng tâm hồn xa lắc xa lơ. Họ sống với nhau, vì bổn phận hơn là tình yêu. Nhưng sau một thời gian, họ cũng học được phần nào về tình yêu vợ chồng. Có cặp thành công, nhưng cũng có những cặp không thành công. Có cặp vẫn sống bên nay, nhưng không có hạnh phúc. Họ sống với nhau vì con cái thôi, chứ trong thâm tâm của họ không có cảm tình với nhau, chứ đừng nói tới yêu nhau. Người đàn bà tới tuổi thì không có nhu yếu ấy nữa, nhưng đàn ông còn mãi, cho nên đa số tới tuổi xé chiều, người đàn bà bị bỏ rơi. Đó là lúc vợ chồng thường lục đục. Bà hay ghen tuông. Ông thường ít có mặt ở nhà, để âm thầm đi tìm mèo mở. Nếu hiểu được nhau, thì vợ chồng tâm sự với nhau, giúp nhau vượt qua thời gian chuyển biến này, còn không thì rất dễ đổ vỡ. Vì thế, vợ chồng chưa chắc đã có tình yêu đích thực, trừ những cặp nào có nếp sống văn hóa, sâu sắc, mới may mắn tìm ra tình yêu chân thành.

Vậy, em là người còn trẻ, em hãy thong thả, đừng vội yêu liền, mà cũng đừng vội chán nản tình yêu, bởi vì tình yêu là lẽ sống, là nhựa sống. Em học thương yêu từ từ đi nhé. Trước hết, em có yêu bố mẹ không? Và  tình yêu ấy như thế nào? Nó có tiến triển gì không? Hay là nó chỉ để lại thương đau trong lòng em đối với bố mẹ. Em có thương anh chị em không? Tình yêu ấy tiến triển như thế nào? Hay là, em không còn muốn liên hệ gì với anh chị em ruột của mình. Đây là những câu hỏi trắc nghiệm để em nhìn lại chính em, về tâm lý của em và tình yêu trong tâm hồn của em. Nhiều lúc, em đi tìm tình yêu, nhưng nếu em không biết yêu thương, thì làm sao em tìm cho ra được. Đừng đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài. Đừng đi tìm tình yêu ở bên ngoài. Đừng đi tìm sự hiểu biết, sự chấp nhận ở bên ngoài. Hãy quay trở về mảnh tâm hồn của em để học yêu thương.

Pháp Đăng