.
.

Ngày thứ năm của khóa tu tuổi trẻ “Nguyện theo hạnh Phật”


Ngày 04 tháng 07 năm 2018, nhằm ngày 21 tháng 05 năm Mậu Tuất, bước sang ngày tu thứ năm, các bạn khóa sinh tham dự khóa tu tuổi trẻ tại chùa Bằng với chủ đề “Nguyện theo hạnh Phật” đã có thêm một ngày được trải nghiệm cuộc sống an lạc nơi mái già lam trang nghiêm, thanh tịnh bên quý Thầy và các bạn đồng tu.

Đúng 5h00, tiếng chuông trong trẻo ngân vang, giọng nói quý Thầy ấm áp đánh thức 500 khóa sinh thức dậy, cùng nhau tụng thời Kinh Dược Sư khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, hồi hướng công đức lành cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Sau đó, dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Tâm Dược, các bạn đã cùng ngồi bên nhau, viết những bài cảm tưởng về khóa tu, những kỷ niệm trong những ngày cùng bạn bè tu tập chơi đùa, những sự rung cảm nơi tâm hồn qua những bài pháp thoại ý nghĩa mà quý Giảng sư truyền trao, hay là viết những lời nhớ thương cha mẹ khi phải rời xa gia đình vào chùa tu học.
  
  
  
  
  
  
  
  
Sau đó, các khóa sinh được lắng nghe thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức Thích Tâm Hòa – trụ trì chùa Hòa Phúc (Quốc Oai – HN) với chủ đề “Sống không hối tiếc”.
Mở đầu bài pháp thoại, Đại Đức đã khen ngợi tinh thần tu tập của các em trong 4 ngày của chương trình khóa tu vừa qua với thời tiết Hà Nội đang trong những ngày hè nắng nóng gay gắt. Đại Đức giảng sư đã sách tấn và động viên các em tiếp tục cố gắng giữ vững tinh thần này trong 2 ngày còn lại cũng như trong tương lai sau này.
Sau đó, Đại đức đã chia sẻ “Trong cuộc sống hằng ngày, những hành động, những cử chỉ, những suy nghĩ của các bạn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống ngày mai của bạn. Nếu các bạn có suy nghĩ tốt, hành động, cử chỉ tốt thì chắc chắn trong tương lai các bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Đừng làm gì để hối hận cho cuộc sống của mình. Bởi vì cái gì thuộc hôm qua đã là quá khứ, quá khứ đi qua thì không lấy lại được. Tương lai thì chưa đến. Các bạn chỉ có thể xây dựng hình ảnh của quá khứ, hình ảnh của tương lai bằng những gì các bạn làm ở hiện tại. Vậy nên đừng để những hành động ngày hôm nay sẽ cản trở các bạn trong tương lai và khiến các bạn phải hối tiếc“.
Qua đó, Đại đức giảng sư đã đưa ra 7 tiêu chí làm thế nào để chúng ta sống không hối tiếc.
Tiêu chí đầu tiên là chúng ta phải xác định rằng việc học là điều cần thiết. Không một ai trưởng thành, khôn ngoan, thông minh, tài giỏi mà không phải học. Học không bao giờ là thừa và giá trị của việc học luôn luôn tương xứng với công sức, những gì chúng ta đã bỏ ra. Vậy nên chúng ta cần phải học, bởi nếu không học thì đầu óc chúng ta không được khai sáng, không được mở mang và sau này chúng ta sẽ phải hối hận vì có muốn quay lại học cũng không còn cơ hội nữa. Có 1 câu châm ngôn rằng “Bằng cấp không thể hiện được sự hiểu biết thực sự của bạn. Nhưng biết học và ứng dụng sự học làm lợi ích cho mình và người khác, đó mới là người có trí tuệ”. Do vậy có bằng cấp thật nhiều mà không có đạo đức chính là đang chỉ ra rằng mình không đủ năng lực. Và việc học của mình không nên đặt ra mục tiêu là các bằng cấp nọ, bằng cấp kia mà mình phải xác định mục tiêu học tập là để ứng dụng và làm lợi lạc cho bản thân mình và cho người khác.
Tiêu chí thứ hai là phải định vị được mình đang ở đâu. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, một vị tướng ra trận, không phải cứ binh hùng tướng mạnh mà thắng. Việc hiểu rõ kẻ thù, hiểu rõ mình mới là ý nghĩa then chốt quyết định đến chiến thắng của một trận chiến đấu. Trong gia đình các bạn, khi bị người lớn mắng mỏ, các bạn có thể cãi bố, cãi mẹ, không vâng lời ông bà. Nhưng khi các bạn ra ngoài kiếm tiền, kiếm miếng cơm manh áo, các bạn có thể chịu đựng sự chà đạp, sỉ nhục, lăng mạ của người khác mà các bạn không dám cất một lời than oán hay trách móc. Cho nên các bạn phải nhận định và biết được khả năng của mình ở chỗ nào. Nếu việc nào cao hơn khả năng của mình một chút, các bạn phải cố gắng thêm một chút để đạt được mục tiêu của mình chứ không phải khả năng đến đâu, các bạn làm đến đó. Các bạn phải chọn được trường học, phải chọn được ngành nghề để ở đó mình phát huy được hết khả năng của bạn. Trong xã hội này không có việc làm nào là thấp hèn cả. Chỉ có những ngành nghề mang đến sự tổn hại cho bản thân, cho người khác, cho xã hội, cho quốc gia, bị mọi người lên án thì mới gọi là xấu. Còn lại những ngành nghề nào mang lại lợi ích cho xã hội, cho quốc gia thì đều được tôn trọng như nhau kể cả những công việc vệ sinh quét rác hay những công việc làm bác sĩ, kỹ sư đều đáng được coi trọng như nhau. Vậy nên khi định vị được bản thân mình rồi, chúng ta sẽ không bao giờ khiếp sợ trước khó khăn gian khổ nữa. Nhưng biết tự lượng sức mình và tự đặt mình vào đúng vị trí, không phải bạn sẽ trở thành điều duy nhất. Điều quan trọng là bạn nhận diện được người phía trước bạn là ai. Chúng ta không cần là những người nổi tiếng, chúng ta không cần làm người để nhiều người biết đến nhưng chúng ta hãy làm những hành động bằng chính khả năng của mình để góp phần cho cuộc sống này trở nên ý nghĩa để sau này khi chúng ta quay trở lại, chúng ta không phải hối tiếc khi chúng ta đánh mất bản thân của mình.
Điều thứ ba, là chúng ta phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Có những bạn trẻ đã quỳ khóc, lạy lục, phát cuồng ở sân bay hay trên sân khấu khi các thần tượng của mình là các ca sỹ, nhóm nhạc, diễn viên Hàn Quốc đến Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên trong số các bạn ấy? có bạn nào đã khóc khi nghĩ về những sự hy sinh, khó nhọc vất vả của bố mẹ các bạn ấy đã dành cho con của mình? Vậy các bạn có làm chủ cảm xúc của mình chưa? Hay các bạn đang sống theo bản năng, theo dòng cảm xúc bất định của mình, theo những sự bồng bột của chính bản thân mình để một ngày nào đó mình vấp ngã bởi chính những sự bồng bột đó, các bạn lại đem những hậu quả đó về cho bố mẹ của mình. Ngoài kia đang có hằng hà sa số các cám dỗ của cuộc đời để các bạn ra đời, các bạn hở lúc nào là nó sẽ xâm nhập vào lúc đó. Nếu sau này có trở nên thành công, trở lên giàu có mà các bạn không biết làm chủ cảm xúc của mình thì tiền, tài, danh vọng sẽ nhấn chìm các bạn vào trong đau khổ.
Điều thứ 4, chúng ta phải biết điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình. Những người thành công trên thế giới, họ thường đều biết rằng ngày mai họ phải làm những gì, họ phải chuẩn bị trước khi họ đi ngủ. Họ luôn luôn tạo cho mình cơ hội để sáng tạo và làm việc. Những người luôn tạo cho mình áp lực để làm việc thường sẽ không thể trở nên thành công, trong khi những người khác biết tạo cho mình cơ hội sáng tạo để làm việc. Do vậy chúng ta phải biết lên lịch trình cho cuộc sống của mình và phân chia thời gian cho hợp lý và phải tuân theo lịch trình đó. Con người cũng như một chiếc đồng hồ. Các bạn phải biết điều chỉnh sao cho những việc ăn, chơi, ngủ, nghỉ, học tập, làm việc cho hợp lý để đảm bảo không có gì quá độ. Nếu chúng ta không đặt ra cho mình những kế hoạch, bạ đâu làm đấy thì không bao giờ các bạn có thể trở nên thành công được. Chúng ta phải làm chủ được thân và tâm của mình, phải biết lắng nghe cơ thể của mình xem nó đang thừa cái gì và thiếu cái gì và chúng ta phải ý thức được bản thân đang nghĩ những gì. Và khi các bạn chưa làm chủ được thân tâm của mình thì các bạn không thể biết thương, biết hiểu, biết lắng nghe người khác. Khi chúng ta chưa biết thương chính bản thân mình, biết lắng nghe chính bản thân mình thì sẽ không bao giờ biết thương một ai khác. Nếu có cũng chỉ là những lời giả dối nhất thời mà thôi. Do đó trước khi yêu thương người khác, chúng ta phải biết yêu thương chính bản thân mình bằng các lắng nghe cơ thể, tâm thức của mình để điều chỉnh cơ thể sinh học và lập ra một thời gian biểu khoa học.
Điều thứ 5, phải có kỹ năng kiểm soát ngôn ngữ của mình. Khi đánh mất kỹ năng kiểm soát ngôn ngữ, chúng ta không biết chúng ta đang nói cái gì. Chúng ta không nói đúng lúc, đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng đối tượng. Có những lúc chúng ta mang những câu nói với bạn bè ra nói với bố mẹ mình và làm cho bố mẹ tổn thương. Người tầm thường thể hiện bằng ngôn ngữ, người bình thường thể hiện bằng tri thức còn người phi thường thể hiện bằng con tim. Vậy nên chúng ta phải nên nghe nhiều hơn nói và một khi đã nói là phải chính xác. Chúng ta nên phải luôn hiểu rằng nguyên nhân tại sao mình nói và kết quả sau câu nói của mình là gì. Nói mà không có kiểm soát sẽ làm cho mình đi vào trong hố sâu của tội lỗi. Các bạn phải biết và tập nói những lời tỉnh thức và yêu thương xuất phát từ trái tim của mình.
Điều thứ 6, đó là tìm niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Niềm vui không có ở quá khứ, niềm vui không có ở tương lai mà niềm vui có mặt ngay bây giờ và ở đây. Tất cả những người thành công trong cuộc sống nói không với những lời than thân trách phận, từ bỏ đối với những lời chê trách cuộc sống, chê trách người khác. Đừng bao giờ xem thường chính mình, đừng bao giờ tự ti vào bản thân mình. Quan trọng là nội tâm của chúng ta, năng lực của chúng ta, trách nhiệm và tinh thần của chúng ta mạnh mẽ, chúng ta sẽ chiến thắng tất cả. Chúng ta có thể thay đổi được thời tiết từ hè sang đông nhưng chúng ta không thể bắt mọi người làm theo ý của bạn.
Điều thứ 7 là chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi. Các bạn phải biết lựa chọn những người bạn thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời của mình để chúng ta học hỏi và tiếp thu. Có nhiều cách để đánh giá một con người và ngoài bằng cấp, học vị, năng lực mà còn thông qua những mối quan hệ của người đó. Vì vậy chọn bạn mà chơi là một yếu tố cực kỳ quan trọng và cũng là yếu tố cuối cùng trong 7 yếu tố để chúng ta có thể sống không hối tiếc.
Sau khi kết thúc thời pháp thoại, Đại đức giảng sư đã giải đáp những khúc mắc của các bạn trẻ xoay quanh những vấn đề về Đạo Phật và cuộc sống, giúp các bạn có sự nhìn nhận thấu đáo hơn, từ bi và trí tuệ hơn.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Buổi chiều, 500 khóa sinh trẻ đã được vinh dự cung đón Hòa thượng Yoshimizu Daichi – Nguyên chủ tịch hội Tịnh độ tông Nhật Bản quang lâm pháp tòa, và có thời pháp thoại với đại chúng về “Niềm tin trong đạo Phật”.
Hòa thượng chia sẻ rằng từ nhỏ, Ngài đã được nghe đến danh từ A Di Đà Phật, vậy nên lúc nào 4 chữ A Di Đà Phật cũng ăn sâu ở trong tiềm thức của Ngài. Trong đạo Phật, mọi niềm tin, mọi sự giác ngộ đều xuất phát ra từ bản thân của chính chúng ta. Vậy nên Hòa thượng tin rằng sau 5 năm nữa, các em tham dự khóa tu ở đây sẽ bằng sự trải nghiệm của mình tự hiểu được ý nghĩa sâu sắc của danh từ A Di Đà Phật. Nhật Bản là một hòn đảo ở Đông Á và có nền Phật giáo phát triển rất thịnh vượng. Do từng mỗi người trong xã hội chúng ta có một niềm tin vào Đạo Phật, nên nhiều người nhận được sự gia hộ nhiệm mầu của Tam Bảo, do đó ai ai cũng tin sâu vào Phật giáo. Từ niềm tin trong tiếng Nhật gọi là Thể Đắc, nghĩa là sự chứng đắc là do trải nghiệm chứ không phải do người khác bên ngoài mang lại. Để trải nghiệm, điều căn bản là chúng ta phải niệm, phải nói ra câu Nam Mô A Di Đà Phật.
Hòa thượng nhấn mạnh “Tu hành là chúng ta sửa đổi, và thực hành những giá trị đó trong cuộc sống. Chúng ta phải nhận ra không phải chúng ta chỉ là đang sống mà là chúng ta đang được sống. Vì được sống nên ta phải biết trân quý, tôn trọng cuộc sống và tri ân những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, những người hàng ngày đang cấy cày, dệt vải, lao động cho ta đồ ăn, vật dụng để ta được sống tử tế trong cuộc sống này. Ta phải biết ơn và báo đáp tứ trọng ân là ân Tam Bảo, ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội và ơn pháp giới vạn loài chúng sinh. Cuộc sống này tuy muôn màu muôn vẻ nhưng nếu chúng ta biết sống, biết cách chọn lọc, biết cách nhìn nhận, yêu thương, lắng nghe thì tự nhiên, toàn bộ những sự hạnh phúc, yêu thương sẽ tràn ngập ở trong chúng ta.Khi chúng ta chắp tay lại, đã có Đức Phật ngự trị trong mình, ta sẽ nhận đươc sức mạnh yêu thương và năng lượng hạnh phúc từ Đức Phật. Khi mình chắp tay và để ngang ngực, lúc đó ta có một niềm tin, một lòng tưởng nhớ về Đức Phật, về thầy tổ, về những người xung quanh. Khi gặp nhau, chúng ta hay chắp tay để chào nhau. “Chắp tay xin lạy người, một vị Phật tương lai”. Ý nghĩa là chúng ta chào một vị Phật mà trong tương lai gần sẽ thành Phật. Đó là một hình ảnh đẹp của người Phật tử, và khi chúng ta thực hành việc chắp tay và chào nhau như thế, chúng ta nhận được một nguồn sức mạnh và nguồn hỷ lạc vô biên. Điều này nghĩa là chúng ta đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người không biết thực hành và không nhận được những giá trị tốt đẹp trên.Để trở thành một người Phật tử tròn vẹn, các con phải biết quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Phật nghĩa là sáng suốt, Pháp nghĩ là đúng đắn, Tăng nghĩa là hòa thuận. Vậy nên trong một đoàn thể, trong một nhóm, một cộng đồng nếu chúng ta biết nương tựa vào Tam Bảo thì một tập thể đó sẽ đạt được những điều tốt đẹp là sáng suốt, đúng đắn và hòa thuận. Tăng là một đoàn thể tu hành thanh tịnh và lúc nào cũng yêu thương, gắn bó và đoàn kết. Tăng đoàn là những người thay thế Đức Phật để truyền bá chính pháp, vì vậy các con phải biết nương tựa vào Tăng đoàn để tu học, đó là hạnh phúc lớn nhất của người Phật tử vì có người khai tâm cho các con để các con biết đi trên con đường thật sự hoàn hảo, thật sự hạnh phúc và sẽ đạt được sự chứng đắc trong tương lai”. Qua đó, Hòa thượng mong rằng “các con phải tu tập thật nhiều và phải có lòng biết ơn và cảm niệm ơn của quý thầy, của ông bà, bố mẹ, của thầy cô ở trường lớp. Làm được như vậy các con mới xứng đáng trở thành một người Phật tử, trở thành một người con ngoan ở trong chùa, của gia đình và của xã hội. Các con phải có niềm tin vào Đạo Phật và lấy đó làm hành trang cho tương lai để các con có những sự may mắn, những sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Hy vọng các con dù đi đâu, ở đâu cũng không quên được câu niệm A Di Đà Phật. Các con đọc to hay niệm thầm cũng được thì Đức Phật mới cho các con một niềm hạnh phúc và niềm hỷ lạc vô tận mà chỉ có những ai niệm Phật mới biết được điều đó“.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Hòa thượng Yoshimizu Daichi tặng bức tranh quý tới hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm
  
Và tặng những món quà nhỏ tới chư tôn đức Tăng chùa Bằng – chùa Hoằng Pháp
 
  
  
Đặc biệt, dịp này lại trùng vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Hòa thượng Yoshimizu Daichi. Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng và các Phật tử đã trao tặng Hòa thượng Daichi lẵng hoa tươi thắm thay cho lời chúc an lành nhất
  
Các khóa sinh chụp hình lưu niệm cùng các quý Thầy
Buổi tối cùng ngày, trước khi bước vào chương trình “Tưởng niệm Tổ tiên và sám hối Tứ ân”, quý Thầy đã chiếu cho các bạn xem những clip do Ban tổ chức ghi lại trong khóa tu này, những niềm vui và cả sự nuối tiếc hiện hữu trên từng khuôn mặt non trẻ. Từng kỷ niệm của những ngày qua đều hiện lên rõ nét, nhắc đại chúng chỉ ngày mai thôi, xa mái chùa này, sẽ không còn những bữa cơm vui vẻ bên nhau, không còn những giờ phút nghe quý Thầy giảng pháp, nghe quý Thầy nhắc nhở, nghe tiếng chuông chùa, nghe những câu kinh lời kệ, cũng chẳng còn những lúc cùng nhau vui chơi, nô đùa…
Ngay sau đó, chương trình chính đã được diễn ra trong sự lắng đọng tâm tư của toàn thể đại chúng. Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng sự tham dự của NSND Lan Hương, NSUT Đỗ Kỷ. Các bạn trẻ đã đối trước Phật đài chắp tay búp sen hướng nguyện về tưởng niệm ơn đức của Tổ tiên dòng họ, đồng thời dốc lòng sám hối những tội lỗi đã gây ra với cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô, người thương, và cả những quý Thầy trong ngôi chùa thân thương này. Những giọt nước mắt ăn năn, hối hận và đau buồn lăn dài trên những gương mặt non trẻ. Vì tuổi trẻ là bồng bột, là hiếu thắng, cố chấp, mà không ít lần làm tổn thương những người thân yêu, làm họ buồn phiền và đau lòng vì mình. Giây phút này, đối trước Phật đài, những trái tim thơ trẻ khẽ run lên thổn thức, nhớ về những sai lầm đã qua, sám hối với tất cả những người xung quanh và phát nguyện sống một cuộc sống có ý nghĩa, là một người Phật tử thuần thành của Tam Bảo, một người công dân có ích cho xã hội và một người con ngoan hiền với cha mẹ, ông bà.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Chùa Bằng