.
.

Hà Nội: Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL2563 – DL2019 tại chùa Bằng


Tối ngày 09 tháng 08 năm 2019, nhằm ngày 09 tháng 07 năm Kỷ Hợi, nằm trong chương trình của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu lần thứ IX năm 2019, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự đã trang nghiêm long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Bông Hồng cài áo, để thể hiện tấm lòng hiếu kính của người con Phật nhân mùa Vu Lan.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về phía khách mời có: ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A; NSND Lan Hương; NSUT Đỗ Kỷ, ca sĩ Phương Linh, ca sĩ Mai Diệu Ly cùng đông đảo nhân dân Phật tử thập phương đủ mọi lứa tuổi đã trở về tham dự khóa tu vu lan báo hiếu năm nay.
  
  
  
  
  
  
  
  Tiết mục múa hát mừng Vu Lan của các bạn thanh thiếu niên Phật tử chùa Quảng Luận – Hải Phòng
  
  Chư Tôn đức niệm Phật cầu gia hộ
  
  
  
  
Đại đức Thích Thanh Tâm điều khiển chương trình
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Mở đầu chương trình, trong tinh thần tri ân và báo ân sâu sắc, Hòa thượng trụ trì cùng chư Tôn đức chứng minh và toàn thể đại chúng đã dâng hương, thắp nến, trang nghiêm thực hiện nghi thức dâng trà cúng Phật, cúng Tổ Tiên để tỏ lòng tri ân với Tam Bảo và Tổ tiên trong nhiều đời nhiều kiếp.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Tiếp đến là những ca khúc đặc sắc ca ngợi đất nước và tôn vinh tình mẫu tử được trình bày bởi giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Phương Linh dâng lên cúng dường Tam Bảo và vở kịch vô cùng ý nghĩa “Đôi mắt ân tình” ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả của các bạn khóa sinh đã từng tham dự khóa tu mùa hè tại chùa Bằng biểu diễn.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
Trong niềm hoài cảm sâu lắng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe NSND Lan Hương đọc bài cảm niệm vu lan, trong tiếng đàn bầu sâu lắng, chất chứa những tâm tư trĩu nặng, từng lời cất lên như đang đánh thức những trái tim vô cảm vì bấy lâu nay còn mải mê với cuộc sống mưu sinh mà quên mất đi 2 đấng sinh thành, chợt tỉnh giấc mà quay về bên gia đình, bên “hai vị Phật” quan trọng nhất của cuộc đời.
Những câu văn xúc động, nghẹn ngào của Nghệ sĩ Lan Hương như những lời sám hối khiến đâu đó xuất hiện những gương mặt đượm buồn, ánh nhìn chất chứa những nỗi nhớ niềm thương tới đấng sinh thành, và cả những giọt nước mắt hối hận lăn dài trên má, những tiếng nấc nghẹn ngào cứ khẽ cất lên vì những lỗi lầm dù vô tình hay cố ý mà ta đã phạm phải làm tổn thương hai đấng sinh thành.
  
  
  
  
  
  
  
Một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ đó chính là nghi thức cài hoa hồng. Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được nâng niu, trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo. Vì rằng “Hoa dù trắng hay hồng đều ý nghĩa…” nên trong mỗi bông hoa đều chứa đựng hình ảnh dịu hiền, sự hi sinh của mẹ, ánh mắt nghiêm nghị của cha, từng cánh hoa là từng giọt nước mắt, từng giọt mồ hôi, sớm hôm tần tảo của cha của mẹ.
Tất cả đã được đón nhận với tâm thành kính của những người con Phật đang có mặt tại chùa Bằng. Nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” và “Điều không thể mất” đã được cất lên bởi giọng hát da diết của ca sĩ Mai Diệu Ly đã giúp cho mọi người cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể thay thế được.
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Tiếp theo là nghi thức “Dâng trà” của chư tôn đức và các em khóa sinh. Trong thời khắc thiêng liêng, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đại diện cho chư Tăng Ni và toàn thể Phật tử đã đối trước Tam Bảo, đối trước Hòa thượng thành kính dâng trà và dâng phẩm vật cúng dường lên Hòa thượng tôn sư kính mừng Thầy thêm một tuổi đạo sau 3 tháng cấm túc an cư.
  
  
  
  
  
  
  
Sau đó, các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi – những chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính dâng lên chư Tôn đức chứng minh và các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ bằng những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.
Giây phút ấy, các bạn đã hiểu được: Làm người sống trên đời, không thể nào được phép quên chữ Hiếu, chữ Nghĩa và tinh thần Tứ Trọng Ân cao cả, phải biết tri ân, báo ân. Tri ân và báo ân không phải chỉ là một ngày, một tháng, một năm, mà là cả một đời người điều này lại vô cùng đặc biệt là đối với mỗi người con. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.
Chén trà mà các bạn dâng lên, chính là chén trà của sự hiểu biết, yêu thương và đồng điệu, chén trà của sự biết ơn và báo ơn với chính Tứ Trọng Ân mà quý Thầy đã chỉ dạy. Giây phút xúc động hơn nữa, chính là khi các bạn thanh thiếu niên đã dâng phẩm vật cúng dàng chư tôn đức nhân dịp chư Tăng Ni kết thúc ba tháng hạ an cư, giới đức trang nghiêm, hạ lạp tăng trưởng.
  
  
  
  
  
  
  
Đặc biệt, tại buổi lễ, Hòa thượng trụ trì đã dâng chén trà tri ân và tặng thân mẫu của mình bó hoa sen thơm ngát, tinh khiết thắm đượm nghĩa tình như tấm lòng hiếu thảo của Hòa thượng gửi tới song thân. Tuy thân phụ của Thầy đang bệnh không có mặt tại buổi lễ, nhưng có lẽ sẽ cảm nhận được những ân tình của một người con tuy đã rời bỏ cuộc sống thế tục, cắt ái từ thân, nhưng không bao giờ quên ơn chín tháng cưu mang – ba năm bồng ẵm, những năm tháng được cha mẹ nuôi dạy để trở thành một vị Hòa thượng như ngày hôm nay.
  
Trước khi khép lại Đại lễ Vu Lan – Bông hồng cài áo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, bày tỏ sự ấn tượng với vở kịch “Đôi mắt ân tình” dưới sự diễn xuất tuy nghiệp dư nhưng rất thật của các bạn khóa sinh đã từng tham dự khóa tu mùa hè tại chùa Bằng. Qua vở kịch đó, ta có thể thấy được sự hi sinh cao cả mà mẹ và cha đã dành cho ta. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là trí tuệ của con người, là sự quý giá nhất của cuộc đời. Vậy mà người mẹ trong vở kịch cũng đã trao tặng điều quý giá ấy cho đứa con thơ của mình. Trong kinh điển, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát luôn được ví như “từ nhãn thị chúng sinh” (mắt thương nhìn cuộc đời). Mà người Việt ta luôn quan niệm Bồ Tát Quán Thế Âm như một người mẹ hiền luôn lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh và dang tay cứu độ. Vì vậy, người mẹ trao đôi mắt cho người con cũng chính là hi sinh cả cuộc đời vì con.
Qua đó, Hòa thượng đã chia sẻ cho đại chúng nghe về tinh thần hiếu đạo của Đức Phật cũng như chư vị Tổ sư “Hôm nay chúng ta dâng chén trà cho cha mẹ ông bà cũng là học theo tinh thần hiếu kính của Đức Phật với vua cha Tịnh Phạn. Khi vua cha lâm bệnh, Ngài về hoàng cung lần thứ 2 thăm vua cha, dâng bát cháo cho cha. Trong Phật giáo thời Trần, Đệ Tam Tổ Huyền Quang khi về già trở về nhà thăm cha mẹ, trong sử sách ghi lại, Ngài đã dựng chùa Ngọc Hoàng ở phía Tây ngôi nhà để cho cha mẹ sớm hôm tiện bề tu tập và an dưỡng. Kinh thành cố đô Huế còn lưu lại tấm gương hiếu đạo qua tên một ngôi chùa, đó là chùa Từ Hiếu. Thiền sư dưới thời nhà Nguyễn hiếu kính với mẹ, tự tay đi chợ, nấu đồ ăn để phụng dưỡng mẹ trong lúc mẹ tuổi già sức yếu. Hiện tại, ở miền Bắc những năm đầu của thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Tâm An đã xin phép thầy nghiệp sư được xả giới Sa Di để về lo phụng dưỡng mẹ già với lời phát nguyện “Bạch Phật, xin Thầy cho con được xả giới về nuôi mẹ con. Bao giờ mẹ con mãn cõi đời này, lo tang lễ xong, con xin nguyện quay trở lại làm người xuất gia, mong Thầy độ con”. Ngài trở về phụng dưỡng mẹ trong 3 năm. Đúng như lời nguyện, sau lễ tang, Ngài từ biệt nấm mồ mẹ, giao bát nhang nhờ họ hàng dòng tộc để đi xuất gia và trở thành một bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam. Thế mới biết, tinh thần hiếu đạo không phân biệt màu da, sắc tộc, độ tuổi hay địa vị. Bài cảm niệm Vu Lan của NSND Lan Hương vừa đọc làm xúc động và đau nhói trái tim ta khi nhớ về những giây phút bàng quan, không thăm cha mẹ lúc ốm đau, những giây phút quên đi ngày giỗ của ông bà hay những nấm mồ của Tổ tiên. Trong lễ Vu Lan hôm nay, để thức tỉnh tâm hồn và phải luôn nhớ về huyết thống cội nguồn của bản thân, chúng ta hãy hoài niệm và xin sám hối với Tổ tiên ông bà cha mẹ. Hãy nguyện làm đứa con có hiếu trong cả cuộc đời cho đến mai sau”.
Cuối cùng, Hòa thượng sách tấn hàng Phật tử “nhân gian coi rằng cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng 7. Nhưng sự cúng bái đó chỉ thể hiện một phần nhỏ tấm lòng thành của người con. Còn đối với người đệ tử Phật, không cốt mâm cao cỗ đầy hay vàng mã, mà hãy niệm tới tứ ân qua sự tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm trong mùa vu lan này. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp Chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN đã nhắc nhở chúng tôi dặn các Phật tử hãy tinh tấn tu tập, học hỏi chính pháp, noi gương hiếu hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên để hồi hướng cho cha mẹ sinh về cõi Tịnh Độ”.
Khóa tu Vu Lan Báo Hiếu dành cho tuổi trẻ lần thứ IX tại chùa Bằng đã khép lại ngày tu thứ nhất, nhưng những điều ý nghĩa mà những thiện nam tín nữ tham dự khóa tu học được từ những lời kinh câu kệ, từ những bài pháp của quý Thầy truyền trao sẽ là hành trang cho mỗi người trên đường đời, giúp mọi người trở thành những người con hiếu thảo, những người công dân tốt và là những người Phật tử thuần thành của Đức Thế Tôn.
  
  
  
Diệu Tường