.
.

Chuyện một người Khmer kính thờ Bồ-tát Quán Thế Âm


Năm ngoái, trong quá trình thi công nhà ở Trà Vinh, nhờ hay lân la với các hộ lân cận nên tôi được biết câu chuyện nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm.


khmer.jpg
Đồng bào Khmer với nếp sống kính Phật, trọng Tăng – Ảnh minh họa

Chủ nhà đối diện ngôi nhà tôi đang thi công là người Khmer. Ròng rã hơn hai tháng trời tôi thấy gia đình đó chỉ có hai vợ chồng tầm 50 tuổi sống với nhau. Đến một ngày nọ, tôi thấy trong nhà xuất hiện một thanh niên lạ hoắc trạc 18 tuổi, lục đục công việc nhà. Hỏi chuyện, người chồng cho biết đó là con trai đang làm thuê ở TP.HCM, ông gợi ý nếu nó không đi làm xa nữa thì sẽ xin vào công trình của tôi giúp việc phụ hồ.

Cách đây vài năm, vào buổi chiều, con trai ông khi ấy tầm 11-12 tuổi đang ngồi chơi trước sân nhà. Bỗng một thằng nhóc cầm cái ống nước bằng nhựa cứng, trên đầu cột một thanh sắt nhọn từ nhà kế bên chạy sang. Thình lình nó vung cái ống nước gắn thanh sắt nhọn trúng ngay giữa mắt người con trai. Trong nhà, ông chỉ kịp nghe tiếng con la toáng lên. Khi chạy ra đã thấy con mình một tay vịn gốc cây, một tay ôm con mắt còn dính nguyên đoạn sắt cắm vào (ống nước đã rời ra). Máu từ mắt người con liên tục tuôn theo kẽ tay, đọng thành vũng dưới đất.

Tá hỏa, ông chỉ kịp bồng con lên xe và nhờ hàng xóm chở thẳng vào bệnh viện tỉnh. Tại đây, bác sĩ chỉ kịp sơ cứu vết thương, cho cháu uống thuốc cầm máu và yêu cầu chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán nguy hiểm đến tính mạng, sẽ mù lòa con mắt ấy. Đưa con trai lên một bệnh viện ở TP.HCM, bác sĩ cũng kết luận tương tự. Lúc này con trai ông đã rơi vào hôn mê. Một người dân quê giữa bệnh viện thành phố xa lạ với bệnh trạng nguy kịch của con trai, ông rối bời và gần như bế tắc.

Ông kể: ‘Nhà tôi người Khmer, mà trong Phật giáo Khmer xưa nay chỉ thờ Phật Thích Ca, không thờ Phật Bà (tức Bồ-tát Quán Thế Âm). Trước giờ, tuy nghe nhiều người nói về sự linh ứng của Phật Bà nhưng thú thật là tôi chưa từng niệm danh hiệu của Ngài. Thế nhưng không hiểu sao đêm đó, khi một mình trong phòng cấp cứu với con trai bỗng dưng tôi nghĩ đến Phật Bà. Thế là trong tôi lóe lên suy nghĩ niệm danh hiệu Ngài, mong Ngài cứu độ. Tôi gọi về bảo vợ lập tức đi mua hoa huệ trắng cắm lên bàn thờ Phật, rót nước, thắp nhang và niệm danh hiệu Phật Bà. Còn tôi, tại phòng cấp cứu cũng ra sức thầm niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát.

Rồi tôi nảy ra ý định… xin ‘keo’. Tôi cầm chiếc dép lên khấn, nếu con tôi đã tới số thì Phật Bà cho dép ngửa, còn nếu có cơ may sống sót thì Phật Bà cho chiếc dép nằm sấp. Khấn xong, tôi tung chiếc dép lên và nhắm mắt hồi hộp chờ đợi. Mở mắt ra thì chiếc dép nằm sấp, và kỳ lạ là lúc ấy như có luồng điện rất mạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi rợn óc. Tôi linh cảm Phật Bà mách bảo con tôi sẽ sống. Sau ba ngày mê man, đến ngày thứ tư tôi thấy tay chân nó bỗng cử động, hốc mắt vẫn còn rỉ máu. Tôi thầm nghĩ con sống là mừng rồi, đui mù gì cũng được… Như có phép mầu, con tôi hồi tỉnh và bình phục rất nhanh trước sự ngạc nhiên của bác sĩ. Sau hơn mười ngày điều trị thì xuất viện’.

Kể lại câu chuyện, ông xúc động nói: ‘Con tôi như đã chết rồi nhưng may phước còn sống, càng may mắn hơn là không bị đui mù. Nói mắt nó như người thường thì hơi quá, nhưng cũng sáng trên 70%. Vậy không nhờ Phật Bà linh thiêng thì nhờ gì hả chú?’. Ông còn nói thêm: ‘Ngay sau khi con trai xuất viện, tôi đã thỉnh thêm tượng Phật Bà về nhà thờ trước sự ngạc nhiên của mọi người’ (bởi truyền thống Phật giáo Khmer không thờ Bồ-tát Quán Thế Âm).

Riêng tôi, một Phật tử vốn tin sâu triết lý nhân duyên quả, nghiệp báo và có niềm tin vô biên vào sự nhiệm mầu của Phật pháp, đặc biệt là Bồ-tát Quán Thế Âm. Nghe được câu chuyện này, niềm tin của tôi càng thêm kiên cố.

Lê Công Sĩ