.
.

Đức Phật đi giữa mùa xuân


Mùa xuân là mùa hạnh phúc không chỉ đơn giản mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc theo thời tiết, mà còn là mùa xuân thường tại vĩnh cửu cho những ai nỗ lực tu tập theo Chánh pháp.

“Đức Phật đi giữa mùa xuân” bằng cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh của một đời sống tỉnh thức từng giờ, từng phút, từng giây. Mùa xuân là mùa hạnh phúc không chỉ đơn giản mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc theo thời tiết, mà còn là mùa xuân thường tại vĩnh cửu cho những ai nỗ lực tu tập theo Chánh pháp. Dĩ nhiên, ít nhất bạn có được bốn niềm vui đầy đủ của người phật tử tại gia. Hơn thế nữa, bạn sẽ đạt bốn niềm vui tối hậu của bậc giải thoát khi bạn chứng sâu vào thế giới thiền định của một đời sống phạm hạnh.

“Hôm qua cái nụ còn xanh
Sáng nay lốm đốm một cành vàng mai
Màu vàng làm cánh ong say
Làm bâng khuâng một bàn tay vịn cành”.

(Hoa mai vàng – Trúc chi)

Đây chính là giai điệu mùa xuân khởi đầu bằng niềm hạnh phúc vô biên, một chân trời thực tại ấm áp hương vị nồng ấm tình người. Mới hôm qua thôi, nụ tầm xuân còn chưa hé nở, sáng nay rực rỡ một cành mai. Xem ra, xuân đến là niềm an lạc đến. Bao nhiêu khó khăn vất vả, ưu phiền, mộng mị đều được chuyển hoá bằng hương xuân kỳ diệu để hội nhập sự vận hành mới cho hiện tại và tương lai. Người ta sẵn sàng tống cựu nghinh tân, chúc phúc, chúc mừng nhau trong niềm hân hoan hỷ lạc nhiệm mầu của Chánh pháp:

“Dù ngồi nơi cảnh trí trang nghiêm
Hoặc ngồi ở chốn chùa chiền cô tịch
Đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm”

(Chân Nguyên Thiền sư)

Từ đây, đức Phật trong tận cõi lòng xuân mỗi người sẽ băng qua từng thôn xóm, đồng quê đi khắp nẻo đường thành thị vào tận mỗi nhà để chia bùi sẻ ngọt, tưới mát dòng suối yêu thương ngọt ngào từ bi hỷ xả trong nếp sống thiện là nếp sống hạnh phúc, nếp sống bất thiện là nếp sống bất hạnh, khổ đau.

Thế nên hạnh phúc là những niềm an lạc hiện hữu xung quanh mọi người, được soi rọi bằng đôi mắt trí tuệ, cái nhìn chánh niệm, một nếp sống đầy hướng thượng, thực hành theo lời Phật dạy, mặc cho dòng đời trôi chảy, vạn vật biến hoá không ngừng:

Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi,
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”.

(Mãn Giác Thiền sư – Ngô Tất Tố dịch)

Trong niềm hỷ lạc vô tận của người con Phật, thấm nhuần Chánh pháp, bạn sẽ thấy mùa xuân tràn khắp cõi lòng đi về muôn nơi của không gian vô tận, thời gian vô cùng. Xuân đến, xuân đi, hoa rụng hoa cười vẫn thế thôi. Bởi vì hơn ai hết, bạn phải thật sự sống với niềm vui Chánh pháp, quanh năm suốt tháng thì lúc nào cũng là mùa xuân. Đây thật sự là mùa xuân Phật giáo, khác hẳn mùa xuân thời tiết ba tháng một thời, trong ý niệm hương xuân nồng nhiệt đầy ấm áp đó , mùa xuân trở thành mùa hạnh phúc, hạnh phúc chính là nếp sống đi từ thiện hướng đến sự thăng hoa về thiện của người con Phật:

“Pháp hỷ đem lại an lạc.
Với tâm tư thuần tịnh,
Người trí thường hoan hỷ,
Với pháp bậc thánh thuyết”.

(Pháp Cú 79)

Do đó, trong đời sống bình nhật, bạn chẳng có gì để đáng nói, đáng lo cả. Tất cả hình ảnh vui buồn , những âm thanh đường nét biểu lộ tâm lý chán chường thất vọng của “một tâm hồn bé nhỏ, mang thiên cổ sầu” chỉ là những cảm thọ, bạn nhận được từ một cơ chế vận hành tâm thức chưa được chuyển hoá đúng Chánh pháp mà bậc Thánh đã chứng đã thuyết. Vấn đề đặt ra là bạn phải sống đúng với tiếng nói con tim biết yêu thương và hiểu biết để đức Phật trong cõi lòng bạn hiện hữu với chính mình hoà nhập với mùa xuân bất tận bằng cuộc hành trình tự thân tu tập, tự thân an lạc:

“Tám ngành đường thù thắng,
Bốn câu lý thù thắng,
Ly tham pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng”.

(Pháp Cú 273)

Như vậy, mỗi bước đi của giới định tuệ là mỗi bước đi ra ngoài tâm lý tham sân si thường có mặt hàng ngày của một đời sống hướng nội tự thân. Tại đây, tiếng nói tri âm từ trong cõi xuân thường tại giữa người với người, giữa người và muôn vật mới có sự đồng nhất. Mọi mâu thuẫn xung đột nội tâm sẽ được chuyển hoá thành chất liệu tình thương để đơm hoa kết trái cho niềm phúc lạc vô biên mà bạn tận hưởng.

Kinh Tăng Chi, tập III ghi lại: Nếu bạn là người phật tử tại gia thực hành các hạnh lành, tránh xa các điều ác, an trú trong Chánh pháp thì vẫn hưởng phước báu của bốn niềm vui của sự hỷ lạc tràn trề như niềm vui có của, niềm vui được giàu có, niềm vui không có nợ nần, niềm vui không bị chê trách, không phạm lỗi lầm trong cuộc sống bình nhật:

“Thế nào là niềm vui có của? Ở đây gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, gom góp được nhờ sức của bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp và tích luỹ đúng pháp, có suy nghĩ như sau: Của cải này của tôi có được nhờ phấn đấu tích cực, tích luỹ đúng pháp, cho nên niềm vui và thoả mãn đến với tôi. Đó là niềm vui có của cải”.

“Thế nào là niềm vui được giàu có? Ở đây vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ, nhờ giàu có mà làm được nhiều việc lành . Vì vị ấy có suy nghĩ, nhờ giàu có và làm các việc lành cho nên niềm vui và sự thoả mãn đến với vị ấy. Đó là niềm vui được giàu có”.

“Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây vị gia chủ không có nợ nần nhiều hay ít bất cứ một ai. Vì vị ấy có ý nghĩ không có mắc nợ dù nhiều hay ít đối với bất cứ một ai, cho nên niềm vui và thoả mãn đến với vị ấy. Đó là niềm vui không có nợ nần”.

“Và thế nào là niềm vui không bị chê trách, không có lỗi lầm? Ở đây, vị gia chủ Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động ở nơi thân, lời nói và ý nghĩ của mình đều không có gì đáng chê trách , đáng lỗi lầm. Với ý nghĩ: Tôi không có gì đáng chê trách ở nơi thân miệng và ý niềm và thoả mãn đến với tôi, đó là niềm vui không bị chê trách, không có lỗi lầm”.

Nếu bạn là người từ bỏ gia đình, sống một đời sống phạm hạnh, an trú trong thế giới thiền định, bạn đạt được niềm vui chân thật của bậc giải thoát qua nhiều cấp độ thăng chứng đi từ cấp độ sơ thiền cho đến tứ thiền:

“Vị tỳ kheo ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sinh ấy thấm nhuần. Như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm nơi thau bằng đồng, liền nhồi bột với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần với nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước nhưng cũng không chảy thành giọt”.

“Vị tỳ kheo diệt tầm tứ chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị tỳ kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sinh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sinh ấy thấm nhuần. Ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Đông không có chỗ nước chảy, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không mát lạnh, không thấm nhuần”.

“Vị tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ, không có hỷ ấy thấm nhuần. Ví như trong hồ sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sinh trong nước, lớn lên trong nước không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát ấy thấm nhuần”.

“Vị tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh, vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh, trong sáng ấy thấm nhuần”.

“Vị tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh, trong sáng ấy thấm nhuần. Ví như một người ngồi dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được tấm vải trắng ấy che dấu. Và ở đây các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn”.

Và như thế chẳng có gì để nói nữa, ngay cả lời kinh tiếng kệ được ẩn dấu trong từng trang sách, chỉ có giai điệu mùa xuân cất lên từ trong cõi lòng bạn. “Đức Phật đi giữa mùa xuân” bằng cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh của một đời sống tỉnh thức từng giờ, từng phút, từng giây. Mùa xuân là mùa hạnh phúc không chỉ đơn giản mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc theo thời tiết, mà còn là mùa xuân thường tại vĩnh cửu cho những ai nỗ lực tu tập theo Chánh pháp.

Dĩ nhiên, ít nhất bạn có được bốn niềm vui đầy đủ của người phật tử tại gia. Hơn thế nữa, bạn sẽ đạt bốn niềm vui tối hậu của bậc giải thoát khi bạn chứng sâu vào thế giới thiền định của một đời sống phạm hạnh. Đây chính là niềm hạnh phúc chân thật mà xưa kia, Ngài Ca Diếp mỉm cười thâm ý nhìn đoá hoa sen nở trong bàn tay đức Phật ở hội Linh Sơn, thì ngày nay bạn cũng thật sự mỉm cười với chính mình khi dụng tâm hành trì Chánh pháp trong cõi xuân an lành và tràn đầy hạnh phúc trước thềm xuân mới:

“Pháp thí thắng mọi thí,
Pháp vị thắng mọi vị,
Pháp hỷ thắng mọi hỷ,
Ái diệt, thắng mọi khổ”.

(Pháp Cú 354)

Thích Phước Đạt