Tháng Bảy là mùa báo hiếu, đa số các chùa đều tổ chức lễ Vu lan, mời chư tôn đức Tăng Ni về chứng minh và cúng dường. Đó cũng là dịp để thầy trò huynh đệ gặp nhau, hàn huyên tâm sự cũng như chia sẻ Phật pháp, có những câu chuyện thật vui, những bài học thật lắng đọng và vô cùng ý nghĩa.
Ảnh minh họa
Có lần được hầu chuyện một vị Hòa thượng, ngài kể rằng ngày xưa các pháp sư đi thuyết pháp không được chọn đề tài trước mà thuyết theo yêu cầu của ban tổ chức, chỉ khi lên pháp tòa rồi mới biết đề tài là gì. Đề tài thuyết pháp được đựng trong một cái khay đậy một miếng vải màu đỏ do đại diện ban tổ chức cúi đầu kính cẩn dâng lên. Khi pháp sư thăng tòa rồi, mọi người đọc bài kệ Khai kinh, đến câu cuối “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” thì vị pháp sư mới mở đề tài ra, lúc đó mới biết đề tài thuyết pháp là gì.
Có một vị Hòa thượng được tín đồ của một tôn giáo bạn thỉnh thuyết pháp. Khi mở đề tài ra thì thấy đó là cuốn lịch coi ngày. Biết là ban tổ chức muốn làm khó pháp sư, Hòa thượng liền nhìn mọi người ở đó mà nói rằng “Ở đây toàn là súc vật”. Mọi người nghe Hòa thượng nói vậy vô cùng phẫn nộ, đòi chém Hòa thượng. Hòa thượng vẫn bình tĩnh trả lời, “Theo cuốn lịch này thì tất cả chúng ta đều nằm trong 12 con giáp. Nếu vị nào ở đây nằm ngoài 12 con giáp thì chém tôi”. Mọi người nghe nói vậy mới thôi và để cho Hòa thượng thuyết pháp.
Ngài lấy 12 con giáp ra để giải thích Thập nhị nhân duyên. Ví dụ như con chuột là biểu hiện của Vô minh. Bởi vì con chuột tính nó hay sợ. Tất cả chúng sinh do vô minh nên không hiểu biết các pháp, không hiểu nhân quả, làm việc sai trái cho nên mới sợ sệt, lo lắng. Nếu có trí huệ thì sẽ hiểu biết các pháp một cách đúng đắn thì sẽ không sợ. Như trong kinh Đức Phật dạy rằng “Cái khổ chỉ đến với người ngu chứ cái khổ không thể đến với người trí”… Cứ như thế, Hòa thượng giải thích hết 12 con giáp và 12 nhân duyên. Cả hội chúng nghe rồi tâm phục khẩu phục, xin quy y Tam bảo hết.
Hòa thượng còn giải thích một số nghi thức tụng niệm mà ngài cho là không đúng. Ví dụ như đọc thần chú Biến thực biến thủy chơn ngôn trong lễ cúng ngọ chẳng hạn. Chú đó là dùng để tụng khi cúng thức ăn cho quỷ thần, vậy mà mình đem ra đọc khi cúng Phật, cúng quá đường. Chẳng lẽ mình coi Phật như cô hồn?
Thần chú tráng bát cũng vậy (Dĩ thử tẩy bát thủy, như thiên cam lộ vị, thí dữ chư quỷ thần, tất giai hoạch bảo mãn. Nghĩa: Nước rửa bình bát, như nước cam lộ, đem cho quỷ thần, được no đủ cả), vốn là dùng để cúng thí cho quỷ thần. Do cái nghiệp nên quỷ thần họ chỉ ăn những thức ăn cặn bã, đàm dãi mà thấy ngon như là ăn vị cam lồ của chư thiên vậy. Chư Tăng sau khi ăn, thức ăn cặn còn dính trên bát, nếu bỏ thì phí của đàn-na thí chủ nên tận dụng bố thí cho quỷ thần. Cho nên nước tráng bát đúng ra phải đổ ra đất. Chứ mình đọc bài chú đó rồi mình lại uống nước đó là giành ăn với quỷ thần, hoặc uống chung với họ rồi.
Thích Trung Hữu