Du lịch sinh thái tâm linh kết hợp thiền định Phật giáo có nghĩa là ngoài lịch trình du lịch, tham quan thì du khách có thể dành thời gian từ 5-7 ngày tham gia một khóa tu tập thiền định, giúp tâm trí thư giãn và cân bằng trong cuộc sống.
Đầu tháng 03/2018, Viện Gallup, Cơ quan chuyên thăm dò ý kiến dư luận Hàn Quốc công bố kết quả thăm dò ý kiến dư luận về việc giảm giờ làm 68h/tuần xuống còn 52h/tuần. Cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành từ ngày 06-08/03/2018 với số lượng đối tượng khảo sát là 1.005 người Hàn Quốc trưởng thành sinh sống trên toàn quốc, với độ tin cậy đạt 95% và sai số trong khoảng 3,1%.
Theo đó, có 59% số người được hỏi ủng hộ việc giảm thời gian làm việc, 28% phản đối và 13% không đưa ra ý kiến. 35% trong số những người ủng hộ với lý do rằng việc giảm bớt giờ làm sẽ giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và dành cho các hoạt động sở thích cá nhân, 14% cho rằng thời gian làm việc tại Hàn Quốc quá dài so với nhiều quốc gia khác, 13% cho rằng việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội, 8% ủng hộ vì việc giảm giờ làm việc sẽ giúp phân bổ công việc hợp lý hơn, tăng hiệu quả công việc lên.
Ngược lại, 36% những người phản đối cho rằng việc giảm giờ làm đồng nghĩa với giảm lương, giảm thu nhập; 16% cho rằng việc này không mang lại lợi ích thực tế về tăng giờ làm việc; 13% cho rằng giờ làm như hiện nay vẫn là quá ít, cần phải giảm thêm. Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến này, có 44% người được phỏng vấn cho rằng việc giảm giờ làm sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế quốc gia, trong khi 30% đưa ra ý kiến trái ngược.
Rõ ràng đa số nhận thức rằng công việc quá bận rộn sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, tăng thêm sự áp lực, căng thẳng trong đời sống thường nhật.
Đáp ứng nhu cầu thực tế, Phật giáo Hàn Quốc hình thành nhiều trung tâm tu tập thiền định, thu hút người dân địa phương, du khách thập phương hành hương trong nước và người nước ngoài. Các khóa tu tập thiền định nhằm mục đích giúp các học viên giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, cân bằng cảm xúc, tìm thấy sự an lạc hạnh phúc trong cuộc sống.
Một khóa tu tập thiền định thường kéo dài từ 5-7 ngày, tuy nhiên tùy vào nhu cầu và quỹ thời gian lưu lại Hàn Quốc, du khách nước ngoài có thể đăng ký một khóa ngắn hạn hơn, hoặc dài hạn hơn.
Một số địa chỉ trung tâm thiền định Phật giáo nổi tiếng tại Hàn Quốc, kính mời các bạn có thể tham khảo:
1. Trung tâm Thiền Liên Đăng Quốc tế (Lotuslantern International Meditation Center)
Trung tâm Thiền Liên Đăng Quốc tế (Lotuslantern International Meditation Center) đã cung cấp một cái nhìn độc đáo về văn hóa Phật giáo Hàn Quốc, thông qua ống kính toàn cầu. Chư tôn thiền đức tăng già và phật tử các quốc gia khác nhau cùng chung sống trong sự thanh tịnh hòa hợp, để công phu tu tập thiền định (Seon). Đây là một ngôi thiền viện yên tĩnh thích hợp cho việc tu tập độc lập.
Trung tâm Thiền Liên Đăng Quốc tế tiếp tục cung cấp kinh nghiệm chất lượng cho cộng đồng quốc tế, thông qua chương trình trải nghiệm cuộc sống chốn thiền môn thanh tịnh (Temple Stay), do các vị tăng sĩ Phật giáo nhiều quốc gia hướng dẫn, sử dụng các ngôn ngữ tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Anh, thỉnh thoảng có sử dụng tiếng Việt khi có sư Việt Nam.
Thiền viện thành lập vào năm 1996 do Thượng tọa Viên Minh (Weon-myeong Sunim) sáng lập. Ngài xuất thân từ Tổ đình Pháp Bảo Hải Ấn tự (Haeinsa) và là một trong những thiền sinh đệ tử ưu tú của Thiền sư Tính Triệt (Song-cheol Seonsa). Thiền viện nằm gần khu di tích mộ của Danh tướng Lý Du Báo (Ikyobo) và là nhà văn hóa có tên gọi là Lý Tướng Quốc (người có công trong việc khắc mộc bản Đại Tạng Kinh hiện tàng ở Tổ đình Hải Ấn (Haeinsa) và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới).
Thượng tọa Viên Minh (Weon-myeong Sunim) đã trải qua hơn thập niên công phu tu tập thiền định ở Hàn Quốc. Sau đó, ngài vân du khắp hải ngoại để tiếp tục nghiên cứu Phật học và thực hành thiền định tại các quốc gia Phật giáo như: Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka và Thái Lan.
Ngài học Anh văn tại Vương quốc Anh. Thời gian ở hải ngoại, ngài nhận thấy nhiều người nước ngoài muốn tìm hiểu về Phật giáo Hàn Quốc. Vì vậy, ngài rất quan tâm đến việc đưa các vị tăng sĩ Phật giáo châu Âu và châu Mỹ vào Thiền phái Tào Khê Phật giáo Hàn Quốc. Để đáp ứng nhu cầu đó, Trung tâm Thiền Liên Đăng Quốc tế sớm thành lập vào thập niên 1996, nhằm giúp cho các vị tăng sĩ của nhiều quốc gia thích nghi với cuộc sống tu hành ở Hàn Quốc. Trung tâm tiếp tục thu hút những người tìm kiếm sự thật của “Bản lai diện mục” từ các quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Nga, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ấn Độ, Sri Lanka, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Thượng tọa Ilcho (Nhật Chiếu) tiền nhiệm trụ trì, sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ, trở về cố quốc nước Nga để hoằng dương Chính pháp Phật đà. Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Ilta (Nhật Đạt) người Ấn Độ. Mỗi khi du khách đến đây tu tập thiền định, các vị tăng sĩ thường giới thiệu lời khai thị của Lão Thiền sư Tính Triệt (Sư tổ trụ trì Tổ đình Hải Ấn) như sau:
“Một khi bạn mở mắt và nhìn thấy mọi thứ như nó có, thì bạn sẽ nhận ra rằng: “Núi là núi và các vùng nước có vùng biển. Trong truyền thống Phật giáo, thiền định là sự tập trung cao độ để tạo sức tự chủ, đạt mục đích tối thượng.
Thiền là một cách để khám phá chân tâm Phật tính. Thấy sự vật với trí tuệ như thật là tâm Phật. Truyền thống Phật giáo rất nhiều phương pháp thiền định, phong phú đa dạng hóa để đạt mục tiêu chuyển hóa mọi khổ đau, đạt đến an lạc hạnh phúc. Thiền (Seon) truyền thống Phật giáo Hàn Quốc là một trong những phương pháp để đạt đến sự giác ngộ tối thượng như đức Phật.
Tuy nhiên tâm trí của chúng ta nếu còn ô nhiễm mà không cần loại bỏ lòng tham lam, sân hận và si mê?
Chúng ta có thể áp dụng những phương pháp thiền định để chuyển hóa tham, sân, si thành Tam vô lậu giới, định, huệ để tịnh hóa tam nghiệp thân, khẩu, ý? Đây là những phương pháp để các bạn có thể áp dụng và thành tựu ý nguyện…”
Chư tôn thiền đức tăng già Hàn Quốc và nước ngoài hướng dẫn tu tập thiền định tại:
– Địa chỉ: 349-60, Ganghwadong-ro, Gilsang-myeon, Ganghwa-gun, Incheon, Hàn Quốc.
– Điện thoại: 82-32-937-7033 (ở nước ngoài), 032-937-7033 (Korea).
– Fax: 82-32-937-7034 (ở nước ngoài), 032-937-7034 (Korea).
Ngay trung tâm thành phố Seoul, Tổ đình Phụng Ân, ngôi đại già lam cổ kính vẫn giữ sự thanh tịnh, hài hòa với thiên nhiên vạn vật. Ngôi cổ tự có bề dày lịch sử 1223, do Duyên Hội Quốc sư (연회국사 – 緣會國師) khai sơn thế kỷ thứ 8 (794), vào thời Tân La Nguyên Thánh vương (원성왕 – 元聖王) năm thứ 10, tọa lạc tại quận Gangnam, Seoul, ngay cạnh trung tâm mua sắm và trung tâm Triển lãm COEX, nơi tĩnh tâm lý tưởng tu tập thiền định Phật giáo đối với người dân Hàn Quốc cũng như du khách nước ngoài.
Thời gian lưu trú có thể từ vài giờ cho đến nhiều ngày, tùy thuộc vào thời gian người muốn tu học Phật pháp. Tổ đình Phụng Ân có rất nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo, đáp ứng nhu cầu đa văn hóa cho nhiều cộng đồng quốc gia trên thế giới, trong đó có Hội Phật tử Phật giáo Việt Nam do Sư cô Thích nữ Giới Tánh làm Hội trưởng. Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc thường sinh hoạt tại đây.
Điều thú vị là quanh khu vực ngôi tổ đình có rất nhiều quán ẩm thực chay. Trong thời gian lưu trú tham gia các khóa công phu tu tập thiền định, du khách sẽ nhận được sự hướng dẫn của Chư tôn thiền đức tăng già bản tự.
Địa chỉ: 531 Bongeunsa-ro, Samseong 1 (il)-dong, Gangnam-gu, Seoul, Hàn Quốc
3. Tổ đình Tào Khê Tự (조계사)
Tổ đình Tào Khê, Văn phòng Trung ương Thiền phái Tào Khê
Năm 1395, ngôi già lam tự viện này được biết đến với tên Giác Hoàng tự. Trong cuộc xâm lược thuộc địa của đế quốc Nhật Bản, ngôi già lam đã trở thành một trong những pháo đài hùng mạnh nhất của Phật giáo Hàn Quốc trong những thập niên 1910-1945 của thế kỷ 20.
Năm 1937, phong trào thành lập trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê thành công trong việc xây dựng Tổ đình Tào Khê ở Seoul vào năm 1938.
Từ năm 1938, danh hiệu Thái Cổ tự đổi thành Tào Khê tự vào năm 1954. Danh hiệu Tào Khê tự đã được lựa chọn nhằm nhấn mạnh đây là hệ thống hành chính của Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.
Ngôi chính điện nay đã được công nhận là di sản số 127 của thành phố Seoul. Tổ đình Tào Khê là một trong những cơ sở tự viện Phật giáo quan trọng nhất ở Seoul. Một chương trình văn hóa tâm linh, nơi bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm cuộc sống thanh tịnh, hòa hợp trong chốn thiền môn, tìm hiểu về kiến thức văn hóa truyền thống Hàn Quốc và truyền thống lịch sử Phật giáo Hàn Quốc.
Tổ đình Tào Khê bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống và Phật giáo Hàn Quốc. Người dân địa phương và du khách nước ngoài đến đây để tìm hiểu về Phật giáo và công phu tu tập thiền định. Chương trình Temple Stay ở đây bao gồm cả các nghi lễ thiền trà đạo truyền thống Hàn Quốc, chế độ ăn chay (barongong) và chép kinh Phật. Các khóa tu tập thiền định được tổ chức quanh năm.
Địa chỉ: 55 Ujeongguk-ro, Gyeonji-dong, Jongno-gu, Seoul, Hàn Quốc
4. Trung tâm Thiền Quốc tế Seoul
Thiền viện Phật giáo Quốc tế tại Tam Giác sơn Hoa Khê Tự do Thiền sư Sùng Sơn (1927-2004) sáng lập khi còn tại thế, nơi đây dành cho người nước ngoài tu tập thiền định và tham gia chương trình trải nghiệm cuộc sống chốn thiền môn thanh tịnh (Temple Stay) vào mỗi dịp cuối tuần; là điểm dừng chân lý tưởng cho mọi người để tận hưởng không khí trong lành và thư giãn, nghỉ ngơi sau những tháng ngày bôn ba, lo toan bởi cuộc sống thường nhật.
Tam Giác sơn Hoa Khê và Thiền viện Phật giáo Quốc tế là nơi lưu giữ tinh thần của Thiền sư Sùng Sơn khi còn tại thế và sẽ tiếp tục mở rộng cửa đón tiếp phật tử, kế thừa và phát huy theo di nguyện của Thiền sư Sùng Sơn. Có khoảng 120 thành viên từ khắp nơi trên thế giới và các vị hành giả, cư sĩ cũng như tăng sĩ Phật giáo nước ngoài đến đây tu học Phật giáo Hàn Quốc.
Truyền thống cho phật tử đến chùa ở, tu tập bắt đầu thịnh hành từ năm 2002. Chương trình trải nghiệm cuộc sống chốn thiền môn thanh tịnh (Temple Stay) không những giúp mọi người được thoải mái tinh thần mà còn tổ chức nhiều trò chơi truyền thống giải trí lành mạnh như dạy làm lồng đèn, xâu tràng hạt, học võ thuật… Các chùa lớn còn tổ chức thêm các khóa đào tạo để huấn luyện cho nhân viên, cán bộ có thêm nhiều kỹ năng chuyên môn cao.
Trung tâm nằm trong khuôn viên Hoa Khê Tự, có khung cảnh tuyệt vời và giúp học viên hoàn toàn thoát khỏi nhịp sống hối hả của thành phố. Khóa học ở đây gồm cả buổi thiền định thực hành mỗi sáng và tối. Thời gian giữa ngày mọi người được tự do làm các công việc riêng.
Địa chỉ: 487 Su Yu 1 Đồng, Kang Buk Gu, 142-071 Seoul, Hàn Quốc
5. Cát Tường tự (Gilsang-sa)
Cát Tường Tự (Gil Sang-sa) thuộc Seoul, Hàn Quốc. Trước đây là Dae Weon Gak (Đại Viện Các), được xây dựng giống như cung điện, nơi dành cho giới thượng lưu, quan chức đến đây trà tửu, yến ẩm linh đình, đêm ngày tấp nập, phút chốc bỗng biến thành chốn Lan Nhã thiền môn, cho bá tính lui tới tìm những phút giây thanh thản tâm hồn, mong rửa sạch lòng trần, thoát cảnh tục lụy.
Năm Đinh Mão (1987), thí chủ Phật tử Kim Yeong Han, pháp danh Kil Sang Wha (Kiết Tường Hoa) khi sang Mỹ đã cúng dường cơ sở mang tên là Dae Weon Gak (Đại Viện Các) cho Beop Jeong Sunim (Sư Pháp Đảnh).
Năm Đinh Sửu vào ngày Rằm tháng 11 (14/12/1997) nơi đây chính thức là một trong những trụ cột của Tông phái Tào Khê, Đại Hàn Phật giáo, từ đó trở thành Kiết Tường tự (Kil Sang-sa) cho đến nay. Nơi đây cũng là cũng là chi nhánh thứ 21 của Tổ đình Tòng Quảng tự (Song Wang-sa).
Chùa tựa lưng núi Tam Giác (Sam Gak-san) ngay trung tâm thành phố Seoul, gần cung vua và Dinh Tổng thống, nhưng lúc nào cũng giữ trạng thái yên tĩnh, khiến du khách đến đây cũng phải thanh tịnh tâm và khi dùng chung trà thiền thật thú vị. Chùa thường mời pháp sư các nơi về để luân phiên giảng dạy Phật pháp trong những ngày cuối tuần chủ nhật và tiếp đãi khách quốc tế tăng lẫn tục lui tới tu tập thiền định.
Địa chỉ: số 323 Seong Buk 2-Dong, Seong Buk-Gu, Seoul, Hàn Quốc.
6. Thư viện Phật giáo Hàn Quốc
Đối với những người không muốn tham gia các khóa học thiền ở đền, địa chỉ nên tìm đến là Thư viện Phật giáo ở Seoul. Ở đây, các lớp về thiền định được truyền đạt bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Học viên cũng có thể mượn nhiều cuốn sách tiếng Anh về tâm linh, thiền và Phật giáo tại thư viện để tham khảo, nghiên cứu trong thời gian tham gia khóa học.
Địa chỉ: 58 Susong-dong, Jongno-gu, Seoul, Hàn Quốc
7. Thiền viện Phật giáo Seoul Shambhala
Các hướng dẫn viên tại Thiền viện Phật giáo Seoul Shambhala không chỉ tổ chức những các buổi thiền định mà còn tổ chức một số buổi thảo luận thú vị về sách Phật giáo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên để tham gia vào chương trình ở đây, bạn sẽ cần ở lại Hàn Quốc trong một thời gian khá dài, vì vậy những khóa học thiền định giới thiệu ở trên sẽ hợp lý hơn cho chuyến du lịch ngắn ngày.
Th11 26, 2023adminChức năng bình luận bị tắt ở ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN VÀ CÔNG BỐ, TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ CHÙA TRUNG ( TP SÔNG CÔNG)