.
.

Cambodia: Các Nhà Sư Chống Lại Nạn Phá Rừng


Không khí trong lành và thiên nhiên cung cấp cho những người dân địa phương mọi thứ họ cần. Những cánh rừng gần ngôi làng nơi Buntenh lớn lên có rất nhiều lợn rừng.


“Họ đã săn bắt chúng. Khi tôi còn nhỏ, chẳng có gì ngon bằng thịt lợn rừng cả”, nhà 36 tuổi cười và nói.

August-18-B24-H01

Các nhà sư hoạt động vì môi trường ở Cambodia phải đối diện với rất nhiều thách thức và nguy hiểm.

Nhưng khu rừng trong kí ức niên thiếu của Buntenh, cùng với chim chóc, cuộc sống hoang dã của nó, đã không còn nữa. Việc chúng biến mất đã khiến nhà sư Buntenh đau lòng và anh nói mình sẽ phải làm điều gì đó để chấm dứt nạn phá rừng ở Cambodia nơi vẫn đang còn một số cánh rừng già còn sót lại.

Đây quả là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi Buntenh và các nhà sư đồng hành của mình, những người đã liên kết lại với nhau trong Mạng lưới Tăng sĩ Độc lập vì Công bằng Xã hội, thường xuyên phải đặt mạng sống của mình trong hiểm nguy.

Trong một buổi sáng gần đây, Buntenh – chân đi dép tông, đôi kính nhỏ trên mặt và một bộ áo choàng màu vàng – đi dọc theo Prey Lang, một trong những rừng cây xanh lớn nhất và cổ nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Mặt trời chiếu rọi qua tán rừng và ở xa xa vọng tới tiếng gào thét của một chiếc xe máy ngỡ như cắt toạc bầu trời.

Nhà sư Buntenh đang trên đường đến buổi thuyết trình của anh, nơi anh và các nhà sư khác dạy người dân địa phương cách sử dụng phương tiện truyền thông đa phương tiện để bảo vệ rừng và chính họ.

Thật đáng buồn biết bao khi sự tồn tại của Prey Lang – nghĩa là “đại lâm” trong tiếng Kuy, tiếng dân tộc thiểu số ở vùng này – đang bị đe dọa nghiêm trọng. Rất nhiều khu vực của khu rừng này đã biến mất nhường chỗ cho trồng trọt. Ở những khu vực được được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của con người như vậy thì lâm tặc đã đốn hết cây này đến cây khác.

“Những kẻ chặt phá cây rừng cứ nghĩ họ là những người mạnh hơn nhưng thực tế thì đó là những người ngu ngốc. Chỉ có rừng mới mạnh hơn mà thôi”, nhà sư Buntenh chia sẻ.

Mười sáu năm trước, Buntenh quyết định quy y cửa Phật. Hiện giờ anh đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng thế giới không thể tồn tại nếu thiếu cây xanh.

“Không ai nói với tôi rằng tôi cần phải ra đó và bảo vệ rừng nhưng với tôi thì đó là điều hợp lý phải làm. Tôi làm tất cả để có thể cứu rừng. Tôi trồng thêm nhiều cây mới, tôi giúp đỡ mọi người sống nhờ vào rừng, tôi nhắc nhở chính phủ về những lời hứa mà họ đã đưa ra”.

Ngay sau cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2013 thì thông điệp của Buntenh đã truyền cảm hứng cho Horn Sophanny. Vì nhiều ngôi chùa Phật giáo ở Cambodia là nơi dành cho mọi người học tập nên Sophanny đã đến một ngôi chùa như vậy để theo học.

“Tôi biết về sư Buntenh qua Facebook. Nhưng khi sư bắt đầu các hoạt động môi trường của mình sau cuộc bầu cử thì tôi mới nhận ra mình có thể làm điều gì đó với tư cách một nhà tu hành”, Sophanny chia sẻ.

Anh đã tham gia vào mạng lưới hoạt động môi trường của nhà sư Buntenh – tổ chức hiện nay có khoảng 5.000 nhà tu hành. Kể từ đó, Sophanny đã luôn là những người tiên phong trong các cuộc biểu tình cũng như chia sẻ bất cứ hành động sai trái nào trên Facebook.

Tựa lưng vào một ngôi nhà bằng gỗ bên rìa rừng Prey Lang, Sophanny cho biết, đây là nhiệm vụ của các nhà tu hành để bảo vệ đất nước và người dân nước mình cũng giống như trong những năm 50 của thế kỉ XX, các nhà sư đã giữ vai trò đầu tàu trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Cambodia từ tay thực dân Pháp, Sophanny chia sẻ thêm.

“Chúng tôi mong muốn các nhà tu hành hiện nay nhận lấy trọng trách tương tự. Đây là công việc của chúng tôi để đưa xã hội đến một cảnh giới tốt đẹp hơn. Các nhà tu hành là biểu tượng của từ bi bác ái. Các ngôi chùa là cội nguồn của tri thức”.

Ở Cambodia, với hơn 90 phần trăm dân số là Phật tử, các nhà tu hành nhận được sự kính trọng rất lớn. Những chiếc áo choàng màu vàng, màu đỏ mang lại cho họ một sự bảo vệ cần thiết mà nhiều nhà hoạt động xã hội khác không có. Chính quyền cũng khó dùng vũ lực để chống lại các nhà sư và họ đã tận dụng sự tự do này để thu thập hình ảnh, video chặt phá rừng trái phép… Những tài liệu này sau đó được đăng tải trên các mạng xã hội. Ở Prey Lang, Bentenh kêu gọi mọi người làm điều tương tự. Đàn ông và đàn bà, cả già lẫn trẻ lắng nghe một cách chăm chú khi các nhà sư giải thích vì sao họ không nên để bị dọa dẫm. Lời nói của Buntenh vang lên qua một cặp loa phóng thanh.

“Chúng ta phải nói khi ai đó đụng chạm đến quyền lợi của chúng ta”, nhà sư nói với đám đông. “Chính quyền nghĩ xấu về chúng ta nhưng chúng ta chính là những người giúp họ bảo vệ rừng. Mọi người có biết cách sử dụng Facebook không? Chúng ta phải sử dụng nó để nói cho mọi người biết chuyện gì đang xảy ra ở đây”.

San Reth, một người Cambodia 63 tuổi, sống gần Prey Lang cả đời mình, rất vui với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà sư. “Từ lâu rồi, chúng tôi mong chờ một người tốt sẽ đứng lên cứu những khu rừng của chúng tôi”, ông nói. Đã từ nhiều năm rồi, khu rừng này là tất cả đối với ông và gia đình mình, Reth giải thích thêm.

“Cuộc sống ở đây rất đẹp. Có hưu, nai, có voi, hổ và rắn rết sống trong rừng. Rất nhiều cây cỏ là thuốc quý đối với chúng tôi. Rừng chỉ cách một vài phút đi bộ từ nhà của tôi và tôi có thể tìm thấy mọi thứ mình cần. Ba năm trước đây, đi khoảng nửa tiếng thì đến khu rừng là nơi có nhiều cây to, thân rất lớn, bốn người ôm mới vừa”, ông Reth nói.

Nhưng giờ thì những khu rừng như vậy đã chết. Cây to bị chặt hạ, những cây nhỏ hơn đang bị đốt phá, đất đầy tàn tro. Chẳng mấy chốc sẽ có một khu trồng gỗ hồng sắc ở đây, người đàn ông Cambodia cho biết với một gương mặt buồn bã.

Gỗ rừng được xuất khẩu đến Trung Quốc. Không chỉ gỗ trong rừng Prey Lang mà nhiều khu rừng khác cũng đang biến mất một cách nhanh chóng. Để phục vụ cho khai hoang trồng trọt, 14.4 phần trăm rừng rậm của Cambodia đã biến mất trong khoảng từ năm 2000-2013, con số này được tổ chức nhân quyền Licadho đưa ra sau khi điều tra hình ảnh vệ tinh tại Đại học Maryland.

Trong khi đó, 12.2% cây cối bị đốn hạ trong các khu vực được bảo vệ. Nó sẽ còn vẫn tiếp tục với những hậu quả khôn lường đối với con người, động vật và khí hậu.

Reth, người đã cố sinh sống bằng công việc đồng áng trong bối cảnh rừng đang dần dần biến mất, đã biểu tình chống lại nạn phá rừng. Chính quyền đã đáp lại bằng cách cảnh và buộc tội ông tội kích động bất ổn. Ông lo sợ rằng mình sẽ bị bắt.

“Chính phủ nói việc cắt hạ các khu rừng là cần thiết đối với sự phát triển của đất nước, nhưng nếu đó là phát triển thì tại sao nó lại khiến chúng tôi đau khổ đến vậy?”, Reth tự hỏi.

Các nhà sư hoạt động vì môi trường cũng đang bị ngăn trở. Họ bị theo dõi, bị đe dọa và bị kiện. Năm ngoái, một ngôi chùa của các nhà sư đã bị cảnh sát kiểm tra.

Giáo trưởng tối cao của Phật giáo Cambodia, lãnh đạo quốc gia của các nhà tu hành, cũng quay lưng lại với các nhà sư và nói rằng các nhà sư không nên tham gia vào biểu tình và kêu gọi các ngôi chùa đóng cửa nếu làm vậy. Nghĩa là các nhà sư bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Ở Prey Lang, các buổi thuyết giảng gặp rắc rối với các trưởng làng và một số cảnh sát, họ bắt các nhà sư không được gặp người dân.

Tuy nhiên, nhà sư Buntenh đã đấu tranh chống lại. “Các anh đến để đuổi những người đang cố gắng để bảo vệ rừng ư? Các anh nên đuổi những kẻ đang tàn phá rừng thì hơn”.

Ở một đất nước mà một số nhà hoạt động xã hội và phóng viên đã bị sát hại sau khi đưa những tin tức liên quan đến chặt phá rừng trái phép trong nhiều năm qua thì dường như đây sẽ là một cuộc chiến không bao giờ ngơi nghỉ để một ngày nào đó thắng lợi sẽ đến.

Sư Buntenh nói anh đã chấp nhận mối hiểm nguy ấy từ lâu rồi. “Tôi không nghĩ mình là một nhà sư tốt nhưng tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả vì người dân và những khu rừng. Nếu tôi phải từ bỏ mạng sống của mình, hôm nay hay ngày mai, thì tôi cũng rất sẵn lòng tận hiến”.

Dân Nguyễn (Dịch từ The Star Online)