.
.

1,4 triệu USD thắp sáng Tháp Đại Giác


 Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ – một trong những thánh tích Phật giáo thiêng liêng nhất của thế giới sẽ được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED công nghệ cao vào cuối năm nay.

Công trình này được tài trợ bởi Quỹ Khyentse và Quỹ Vana. Hệ thống đèn được thiết kế để chiếu sáng mọi vị trí của Tháp Đại Giác với độ an toàn tuyệt đối và chất lượng cao nhất, đảm bảo chiếu sáng ổn định và lâu dài.

Dự án này có tên là “Thắp sáng Đại Giác Tháp”, một trong những dự án lớn nhất trong lịch sử Phật giáo. Theo tờ Kuensel của Bhutan, ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche – người sáng lập quỹ này đã có ý tưởng cho dự án từ năm 2015 và vào năm 2017, đề xuất của ngài được Ủy ban Quản lý Tháp Đại Giác và chính quyền quận Gaya tán thành.

Tổng chi phí của dự án vào khoảng 1,4 triệu USD với hơn 30% nguồn kinh phí đã được phân bổ từ khi dự án được triển khai.


Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng

“Nếu có điều gì đó trên thế giới này tương đồng với tâm của chúng ta thì đó chính là ánh sáng. Là Phật tử, mục tiêu của chúng ta là thắp sáng tâm mình, khỏi bị u tối bởi sự phán xét, định kiến và sự cao ngạo.

Để biểu tượng hóa nhận thức này, bày tỏ sự tôn kính với lòng từ bi vô hạn và các phương tiện thiện xảo của Đức Phật để đạt được sự nhận thức đó, ngay lúc này đây chúng ta hãy thắp sáng khắp cùng nơi giác ngộ của Đức Phật” – chia sẻ của ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche.

Tháp Đại Giác là một trong những điểm đến thiêng liêng nhất của các đoàn hành hương Phật giáo khắp thế giới và là di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đánh dấu nơi Đức Phật đạt được sự Giác ngộ.

“Ngoài tháp, còn có bảy thắng tích khác ở Bồ Đề Đạo Tràng, trong đó có cây bồ-đề từ thời Đức Phật. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy Kim cương tòa – nơi mà sau nhiều năm tìm kiếm chân lý và 6 năm tu khổ hạnh gần dòng sông Ni Liên Thiền, thái tử Tất Đạt Đa cuối cùng đã khám phá ra Con đường Trung đạo và chứng đắc sự Giác ngộ dưới gốc bồ-đề”.

Hệ thống đèn B-Lit, thiết kế chiếu sáng của một công ty Bangkok, Thái Lan cúng dường cho dự án. Toàn bộ hệ thống chiếu sáng sẽ bao gồm công nghệ đèn LED cao cấp và phần mềm kiểm soát và tự động hiệu quả cao, tỏa nhiệt thấp.

Theo đó, dự án sẽ tích hợp các đèn tự động với các ưu điểm như: bền, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường (ít ô nhiễm nhất), có thể thay đổi đặc tính theo điều kiện thời tiết, phục vụ chiếu sáng cho các hoạt động Phật giáo tại đây, an toàn, dễ vận hành và bảo dưỡng.

“Chúng tôi hy vọng giai đoạn 1 của dự án, hệ thống chiếu sáng trung tâm sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động vào cuối năm nay và các hạng mục khác của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2010”.

Trần Trọng Hiếu
(theo Buddhist Door)