.
.

Vì sao phải nghĩ đến sự khổ sinh tử?


Ta với chúng sinh từ nhiều kiếp đến giờ thường ở trong vòng sinh tử chưa được giải thoát. Khi ở trong loài người, khi ở trong cõi trời, khi ở cõi này, khi ở phương khác ra vào muôn mối, chìm nổi không chừng. Thoạt được làm trời, thoạt sinh làm người, thoạt đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.


Trong cửa ngục tối tăm, buổi mai ra, buổi chiều trở lại, trong hang ngục Sắt, tạm ra khỏi liền lại bắt vào, phải lên ngục Đao sơn thì thân không còn một mảnh da lành. Phải leo ngục Kiếm thọ thì thương tật ruột gan rách nát. Viên sắt nóng sao khỏi đói, nuốt vào thì can trường cháy tận, nước đồng sôi không làm cho hết khát, uống vào thì xương thịt chín nhừ, cưa bén xẻ thân, đứt rồi liền nối lại, gió nghiệp thổi đến, chết rồi liền sống lại.

Trong thành lửa cháy, toàn là kêu la thảm thiết. Trong chảo dầu ram toàn tiếng rên khóc đau thương. Bị giá lạnh vừa đọng lại thì thân hình như nhụy sen xanh mới kết, máu thịt đã tan ra thì thể xác như hoa sen đỏ nở tung. Một đêm sinh tử ở nhân gian bằng trải qua muôn lần ở dưới địa ngục. Làm phiền kẻ ngục tốt phải nhọc nhằn, không tin lời Diêm vương dạy bảo. Lúc chịu quả báo mới biết khổ, khi ấy tuy có ăn năn sự đã muộn rồi, khi thoát khỏi liền quên, cứ tạo nghiệp nhân như trước. Đánh lừa chảy máu, ai hay là mẹ ta thương xót, dắt lợn làm thịt, biết đâu chính là cha mình đau đớn. Ông Văn Vương là Thánh, ăn thịt con còn không biết huống ta là kẻ phàm ăn thịt cha mẹ làm sao hay?

Ân ái năm xưa mà nay là oan gia, giặc thì ngày trước mà giờ trở thành cốt nhục, người có túc mạng thông biết được tiền kiếp, thật đáng hổ thẹn. Người có thiên nhãn thông thấy tỏ tường, thật đáng cười thương trong chỗ phân nhơ mười tháng đùm bọc khó thở, trong mủ máu một giờ đảo ngược sinh hạ đáng thương. Khi bé nhỏ ngủ mê, Đông, Tây mờ mịt, lớn lên có trí khôn thì liền sinh tham dục. Nào bệnh, nào già, nào chết phút chốc tìm đến. Thần thức bị tan vỡ bên trong bởi gió lửa xen nhau thổi đốt, da thịt bị héo khô bên ngoài bởi máu đã kiệt tận. Không một mảy lông nào mà không như kim châm, không một chỗ da nào mà không như dao cắt. Rùa khi đem mổ, còn dễ lột mai, người khi hơi tàn, thần thức rời bỏ xác thân rất khó.

Tâm không chủ định, như khách buôn bán chạy dong mọi nơi, thân không có một hình thù nhất định như phòng nhà thay đổi, hết chốn này đến chốn khác không ngừng. Nghiền cõi Đại thiên làm bụi nhỏ cũng không nhiều bằng số thân ta ra vào sinh tử. Dòng nước trong bốn bể lớn, cũng không nhiều bằng nước mắt ta đã khóc khi ly biệt. Thịt xương chồng chất hơn núi cao, xác chết ngổn ngang nhiều hơn quả đất, giả sử không nghe lời Phật, sự đó ai thấy ai nghe, chưa xem đến kinh Phật, lẽ ấy làm sao hay biết?

Giá hoặc có người vẫn giữ thói tham luyến ngày trước, tham ái say mê như xưa thì chỉ e muôn kiếp nghìn đời, một lầm trăm lỡ, thân người khó được, dễ mất, thời cơ tốt trôi qua khó tìm lại được. Đường lối mù mịt, biệt ly dằng dặc, ác báo trong ba đường lại phải tự mình chịu lấy, đau đớn không thể nào nói được, ai là người sẽ chịu thế cho; kể đến nỗi niềm này làm sao khỏi ghê lòng rởn ốc!

Thế nên, phải ngăn dứt lòng sinh tử, ra khỏi biển ái dục, độ mình độ người đồng lên bờ giác thì dầu bao kiếp công huân, cũng cốt tại một chuyện này.

Trích trong bài văn “Khuyến phát tâm Bồ đề”
Đại sư Tỉnh Am