.
.

Không bờ không bến


Nên lưu ý, đường đời không đơn giản hai chiều như ta tưởng. Cho nên, lúc khởi tâm tu hành đừng mong mọi sự như ý mà cầu cho những gì đến với ta dù sướng hay khổ, đến mau và qua mau. Cái điều mà tôi muốn trình bày ở trên, nó đồng với ý tâm kinh dưới đây nhưng căn tánh thì trái ngược.


Như nhiều thiện tri thức đã y tâm kinh giải nghĩa, các Ngài dù có thể hiểu nhưng khó giải cho thấu đáo cho nên càng cố giảng càng thêm tối nghĩa, thiết tưởng tôi không cần phải làm cho nó thêm tối thui như mực nữa?

Theo tôi cái phương trình linear mantra này của tâm kinh còn thiếu nhiều ẩn số. Cái công thức hình học phẳng này chỉ đúng trong không gian 2 chiều.  Nó cần phải bổ khuyết cho phù hợp với trí tuệ của thế hệ bây giờ.

“Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”.

Đại khái, theo tôi hiểu, câu thần chú này được tin là sẽ giúp ta được vô úy trong lúc phải đương đầu với những khổ đau dồn dập nhất là khi đạt tới nhất niệm bất loạn. Niệm cho đến lúc mà tinh khí thần hợp nhất, lư hỏa thuần thanh thì sẽ giác ngộ, vượt qua bờ mê biển khổ, vượt tới bến Niết bàn, giải thoát.

Tuy nhiên, đạo Phật là đạo bất nhị thì làm gì có lằng nhằng nhị nguyên, bờ này để bắt đầu vượt biên và bến nọ để tới? Khi đã là “vô bờ vô bến” thì cái biển khổ ở chính giữa (trung đạo) hai bờ bất nhị nguyên làm gì có thật để mà dài dòng tư nghị?

Cho nên câu tâm kinh bất hủ: “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”, có thể đã hơi hủ?

Mong các thiện tri thức Việt Nam viết ra thần chú mới thay vì qua mau bờ bên kia thì đổi lại, chẳng hạn như trôi theo dòng đời, cuốn theo chiều gió (gone with the wind), ai đem con sáo sang sông, thuyền ra cửa biển, qua mau qua mau những cơn mê, đời này còn nhiều đổi thay,…

Nhưng làm thế nào đi nữa, và không biết tại sao khi chúng ta cần đến lá bùa hộ thân đó, đem ra xài, càng niệm, càng đa tâm bấn loạn, cứu khổ cứu nạn đâu không thấy mà vẫn quái ngại, tai họa nó còn tới nhiều mà mau hơn trước khi niệm nữa? Thế rồi chúng ta oán trời trách Phật không linh thiêng phù hộ cho mình? Rồi đổ thừa “Tâm an chú” là mê tín dị đoan. Có thể vì chúng ta ngây thơ nghe họ y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan, nên chấp bờ bến từ đó mới sinh ra biển khổ để vượt biên?

Chúng sinh có mắt cũng như đui, không chịu mở mắt để thấy rõ thực tại.  Đó là chúng ta đang bị lôi cuốn, trôi nổi, chạy theo nhau, quay quanh trên vòng tròn (đường tà hành, đường cong) mà cứ nhầm tưởng là đang ở trên con đường thẳng (trực hành) từ điểm A tới điểm B, từ B tới C, … ở trên cái vòng tròn càn khôn luân hồi.bNhững vòng càn khôn luân hồi vệ tinh này quay tròn quanh trái tâm cầu như những hạt nhân nguyên tử với một tốc độ cao, không có điểm bắt đầu lẫn không điểm cuối để dừng lại. Vậy thì cái điểm ở giữa (cái điểm trung đạo) đó ở đâu để mà điểm?

Đây là ý nghĩa rốt ráo của thấu rõ pháp tính không. Vô tự tánh của tổng tướng, và biệt tướng. Ngay chính cả cái trung tướng cũng thấu là không tánh.

Lê Huy Trứ