.
.

Cách hiểu Vì sao đức Phật chưa hề nói một câu, một chữ, một lời nào?


Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào”. Vậy sao những đệ tử lớn của đức Phật lại kết tập được những lời của đức Phật dạy, rồi viết ra thành những bộ kinh điển đồ sộ như hiện nay?


Đây là câu hỏi, hay là những lời tự vấn của không ít người, trong đó có cả những phật tử vẫn thường thắc mắc về câu nói trên của đức Thế Tôn.

Người viết bài này trước đây, thật sự cũng chưa hiểu đươc sự ẩn áo sâu mầu về câu nói trên của đức Phật. Nhưng nhờ các thiện tri thức chỉ bày mới hiểu được câu nói phủ nhận sâu mầu này của đức Thế Tôn. Xin trao đổi cùng đạo hữu và những ai quan tâm đến giáo lý đạo Phật.

Theo các Tổ thầy, câu nói: “Trong 49 năm Ta chưa hề nói 1 câu, 1 chữ, 1 lời nào” của đức Phật được ghi trong kinh Hoa Nghiêm, người học kinh nhà Phật phải hiểu căn bản có 2 ý là “Tính” và “Tướng”:

1- Về “Tính”: Đức Phật nói là trong 49 năm Ta chưa hề nói một câu nào: Đây là đức Phật nói chỗ Tính chân thật của mỗi người. Vì sao? Vì tính chân thật của mỗi người (trí vô sư) nằm ngoài sự hiểu biết của trí thức thế gian này. Bởi không thể dùng ngôn ngữ của Thế giới này mà nói đến được. Do đó, đức Phật phủ nhận lời của Ngài, để mọi người nhận ra cái chân thật của chính mình, ai nhận ra được lời dạy này: người đó hiểu lời đức Phật dạy, tức ngộ đạo. Bởi đây chính là đức Phật chỉ cái “Tính” chân thật của mỗi người, tức không dùng ngôn ngữ của trần gian này để nói.

2- Về “Tướng”: Trong các kinh điển hiện giờ chúng ta được đọc: các Ngài dùng những ngôn từ và hình ảnh của trần gian này, để cho ai muốn tu theo lời của đức Phật dạy, nương theo đó mà tu để được giác ngộ và giải thoát. Những quyển kinh giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy. Ở đây chúng ta lưu ý và cần phải hiểu: các kinh nhà Phật hiện nay được xếp vào loại “Tướng” thế gian. Vì đây là “tướng thế gian” nên là phương tiện để cho chúng sinh thời đó, cũng như hiện nay nương theo lời dạy của đức Phật mà tu tập. Chính vì điều này mà các Tổ thầy thường có lời dụ: “qua sông bè để lại” (bè được hiểu là kinh điển) hay nói sâu xa hơn đó là chúng ta mượn cái xác thân giả tạm này, tức thuyền pháp thân của mình để tu hành mà đạt đạo.

Vậy chúng ta đừng cho kinh điển của đức Phật dạy là chân lý tuyệt đối; mà chân lý là thứ không dùng ngôn ngữ của trần gian này nói đến được. Người tu đạt được chân lý rồi, chỉ cần chút mái động niệm nhỏ nhoi khởi lên thôi, là chân lý liền bị che khuất ngay!

Nếu câu nói trên của đức Phật, được hiểu ở bình diện “tướng” và “tính”, thì cũng câu nói này, chúng ta suy ngẫm ở bình diện “bản ngã” ta lại thấy câu nói này càng trở sâu sắc hơn.

Như chúng ta đã biết, thời đức Phật còn tại thế, phân tầng giai cấp ở Ấn Độ cực kỳ phức tạp. Mỗi giáo phái đều có quan điểm riêng của mình. Tựu chung hầu hết các tôn giáo thời bấy giờ chúng ta thấy đều khải thị Thần quyền. Đạo Bà La Môn được coi là giai cấp cao nhất và cho rằng, Phạm Thiên sinh ra loài người (tức là Đấng sáng tạo).

Với trí tuệ Chính biến tri, đức Thế Tôn thấu tỏ tam thiên đại thiên thế giới, và hơn ai hết Ngài không muốn nói về sự trực ngộ tâm linh vi diệu của mình (bởi kiến thức ngoài tam giới vượt tầm mức nhận thức của con người). Nên Ngài phủ định câu nói của mình giúp cho các đệ tử trực ngộ tính không vô ngã và cũng nhân đó, để nói với các trường phái ngoại đạo khải thị thần quyền biết được sự giáo điều trong giáo lý của họ. Bởi chân lý đức Thế Tôn thấy được là Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo cùng pháp giới Duyên sinh là chân lý cao tột không thể nghĩ bàn. Chính đức Thế Tôn thực chứng Chính đẳng – Chính giác, nên Ngài đã khẳng định trí tuệ nơi con người và giải phóng tự do cho con người thoát khỏi bóng ma thần quyền, hướng tới lộ trình tu giác ngộ – giải thoát để trở về Vô sinh Niết bàn.
Câu nói “Trong 49 năm Ta chưa hề nói một câu nào”, đây là đức Phật nói chỗ Tính chân thật của mỗi người. Vì tính chân thật của mỗi người được hiểu là “Trí vô sư”, nên không thể dùng ngôn ngữ thế gian mà nói được. Do đó, đức Phật phủ nhận câu nói của Ngài, để mọi người nhận ra cái bản lai diện mục của mình, bởi bấy nay do (tam độc) vô minh che khuất cái chân trí này.

Nguyễn Đức Sinh 

————————

Tài liệu tham khảo:

– Kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa và một số kinh khác.

– Khai thị Thiền tông – Tác giả Nguyễn Nhân- (Nxb-TG-năm 2015)