Nhiều vị tu sĩ khi học xong không muốn trở về chùa cũ, trong đó có lý do là chùa ở nông thôn hẻo lánh, khó thực hiện được bản nguyện hoằng dương Chánh pháp. Cho nên người ta thấy, vị nào có học hành đàng hoàng đều đổ xô đến thành phố, tỉnh lỵ, trong khi chốn nông thôn người dân đói pháp vô cùng. Thật ra, cũng khó san bằng sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, ngay cả những lĩnh vực ngoài đời như giáo dục, y tế, giao thông, văn hoá v.v…
Bởi cái nghiệp của mỗi chúng sinh nếu phải thọ vào nơi xa xôi hẻo lánh thì phải chịu mà thôi. Tuy nhiên, với lòng từ bi của đạo Phật, chúng ta không thể không gieo căn lành cho họ. Giả dụ trường hợp bất đắc dĩ, người tu phải ở lại trông coi chùa tổ, hoặc được Giáo hội điều đến trụ trì ngôi chùa ở nông thôn, không thể từ chối, thì chẳng lẽ đành bó tay bỏ luôn ước mơ hoằng pháp?
Trong hoàn cảnh đó, phải cố gắng tìm ra con đường thực hiện cho bằng được. Nếu có ý chí và lòng từ bi, kiên nhẫn, thì dù ít dù nhiều công cuộc hoằng pháp cũng gặt hái được đôi chút kết quả, còn hơn hoàn toàn bỏ trống trận địa.
Trước hết, chúng ta cần đánh giá những khó khăn lẫn thuận lợi ở nông thôn để có một sự chuẩn bị chu đáo hơn.
Khó khăn
Khách quan mà nói, hoằng pháp ở nông thôn có những khó khăn nhất định. Nếu không, thì nhiều người đã hăng hái tìm về chứ đâu đến nỗi rời bỏ mà đi. Nói khó khăn không phải để chúng ta nản chí, mà để lo liệu cẩn thận, vì chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ, còn phải trang bị nhiều yếu tố khác.
1. Trình độ dân trí thấp, ảnh hưởng đến sự tiếp thu giáo lý Phật Đà
Đa số người dân chưa có lòng ham học, ham nghiên cứu như người thành thị. Học tập phải trở thành một thói quen như đọc báo, xem ti vi… thì mới thúc đẩy mọi người tìm về với Phật pháp. Người nông thôn thường mang nặng sắc thái tín ngưỡng, cho rằng đến chùa chỉ để lạy Phật, cầu xin, cúng sao, giải hạn, tụng kinh, làm công quả…
Và khi mở cuốn sách ra, thấy đầy thuật ngữ rối rắm, họ lại càng… hoảng sợ. Do đó, càng đem giới thiệu sự đồ sộ, vĩ đại của giáo lý nhà Phật, họ lại càng rời xa, vì cảm thấy mình quá thấp thỏi, không với tới được, thôi né luôn cho rồi. Chữ “học” được đề cập một cách trang trọng thì càng bị đóng khung tách biệt.
2. Chính quyền địa phương chưa thông hiểu
Có địa phương thoải mái, cởi mở, cho thuyết pháp, mở lớp giáo lý, phát hành kinh sách v.v… Nhưng có địa phương vẫn xem những hoạt động đó như là những hình thức “tuyên truyền” đáng e ngại. Bản thân những cán bộ địa phương cũng chưa có hiểu biết đúng đắn về Phật giáo, vẫn nhìn Phật giáo qua lăng kính của sự mê tín, thụ động, yếm thế, bi quan.
Thẳng thắn mà nói, nhiều địa phương khá dị ứng với hai chữ “tôn giáo”, tuy phải cư xử cho “đúng chính sách” nhưng trong lòng chưa cảm thông, gần gũi. Không thể trách họ, vì thực tế họ cũng chưa từng được học qua giáo lý nhà Phật, làm sao họ hiểu được nội dung sâu sắc, tốt đẹp, thì họ e ngại cũng có phần đúng.
Ngược lại, trong đội ngũ trụ trì của chúng ta hiện nay, một số vị không hiểu biết Phật pháp vì không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn, hoặc có vị được học nhưng lại không biết cách ăn nói, diễn đạt, giao tế sao cho chính quyền hiểu biết về đạo, thành ra đôi bên không “gặp” được nhau.
Cho nên, khi cần làm phật sự thì cứ thấy bên này gây trở ngại cho bên kia. Bản thân chúng tôi khi đi công tác, có dịp tiếp xúc với những cán bộ địa phương, nghe họ thắc mắc rất nhiều về đạo Phật, và khi chúng tôi nhiệt tình giải thích cho họ, thì họ rất vui vẻ, có thiện cảm với đạo.
Họ nói: “Phải chi ông thầy ở đây nói được như vậy thì chúng tôi hiểu và thông cảm hơn”. Thật ra không có chuyện gì lớn lao cả, chỉ vì một bên thắc mắc mà không chịu hỏi, còn một bên không biết giải đáp thắc mắc.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều nơi chúng tôi từng đến, nơi nào vị trụ trì dù không ăn học nhưng vẫn gieo được cảm tình với địa phương thì công cuộc hoằng pháp thuận lợi được phân nửa. “Cảm tình” đây xuất phát từ phẩm hạnh, từ sự hoà đồng với công tác của địa phương, có những buổi gặp gỡ, tiếp xúc gần gũi, dễ chịu, không mang nặng khoảng cách “đạo-đời”
Thông thường, tu sĩ và cán bộ chính quyền nhìn nhau qua hai đầu của hai hệ thống triết học Phật giáo và triết học Mác-Lênin, tại sao không bắc cây cầu để đi đến với nhau, đó là đặt quyền lợi chúng sinh, quyền lợi nhân dân ở giữa, tất sẽ gặp nhau ở cùng lý tưởng tốt đẹp. Nơi nào vị trụ trì hoạt động xã hội nhiều thì nơi đó rất dễ hoằng pháp.
Chẳng hạn, ĐĐ.Thích Thiện Xuân ở Cao Lãnh, ĐĐ.Thích Thiện Hương ở Tam Nông, Sư Minh Lý ở Định Yên (Đồng Tháp), Sư cô Như Tâm (Mỏ Cày-Bến Tre), Sư cô Diệu Liên (Đồng Nai)… đều có những ngôi chùa trong miền quê rất xa xôi, nhưng lại hoằng pháp rất tốt. Bởi quý thầy cô thường xuyên cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt, làm đường, bắc cầu, xây nhà tình thương,… chính quyền địa phương cứ trao bằng khen hàng năm.
Một nhân tố nữa, là khi hoằng pháp biết chọn đề tài, chọn cách nói như thế nào để khế lý, khế cơ. Thường thì các vị nên giảng những điều thiết thực nhất, làm sao cho người ta áp dụng ngay vào cuộc sống hiện tại. Và chính quyền thấy tôn giáo cũng góp phần tích cực vào xã hội, thêm thiện bớt ác, chứ không mê tín, bi quan, không “tu hành” chung chung.
ĐĐ.Thích Thiện Xuân kể một kinh nghiệm khi thầy thuyết pháp ở một xã vùng sâu Đồng Tháp Mười, nhân mùa cứu trợ lũ lụt. Nơi này chưa bao giờ được nghe một thời pháp, nên chính quyền cũng rất ngại.
Ai ngờ, khi xong buổi thuyết pháp, cả nhân dân lẫn cán bộ đều tay bắt mặt mừng, mong thầy mỗi tháng ghé qua một lần “nói chuyện” như thế. Thầy chỉ nói về ngũ giới, và liên hệ với thực tế xã hội một cách cụ thể.
Chẳng hạn, “nếu người ta không sát sinh thì trong tù làm gì có giam kẻ giết người; nếu chúng ta không trộm cắp thì làm gì có nạn cướp giật, chôm chỉa, tham ô, hối lộ, đỡ cho mấy anh công an, cảnh sát phải vất vả truy lùng, rượt bắt; tiền xây nhà tù để xây trường học, bệnh viện; lương trả cho giám thị coi tù thêm cho giáo viên, y tá. Và nếu không có tà dâm thì khỏi mệt với nạn bia ôm, karaoke ôm đang làm mọi người đau đầu… Đất nước có phải thái bình thịnh trị”.
Giảng pháp như thế rất gần gũi và thiết thực, chính quyền không cảm thấy đạo và đời xa nhau.
3. Điều kiện hạn chế
Ở nông thôn, từ thị xã xuống tới huyện còn đỡ; nhưng xuống tới xã, ấp đa số chùa nghèo, phật tử nghèo, công tác hoằng pháp khó khăn hơn. Trước hết là không có phòng ốc, bàn ghế, phấn bảng tử tế, đừng nói đến một pháp toà đúng nghĩa. Nhưng đợi có đầy đủ thì chẳng biết bao giờ mới hoằng pháp được. Cứ tận dụng tối đa những điều kiện sẵn có, rồi Chư Phật gia hộ thêm. Sau nữa là không có tiền cúng dường giảng sư. Nhưng với tâm huyết chia sẻ kho tàng Pháp bảo cho mọi người, thiết nghĩ dù có cúng dường hay không thì giảng sư vẫn không bận tâm. Chưa bao giờ hộ pháp để cho giảng sư thiếu thốn cả.
Thêm nữa, không phải lúc nào cũng có thể tổ chức lớp học hoặc buổi giảng một cách chính quy, bài bản. Có những điều kiện hạn hẹp hơn, thì vị giảng sư không lẽ bó tay, bỏ luôn chí nguyện? Thiết nghĩ, một khe nước nhỏ mà róc rách chảy hoài, lâu ngày cũng dồn thành một dòng suối lớn. Pháp bảo nếu không có điều kiện tưới rộng khắp cho chúng sinh, thì cũng có thể chia sẻ cho từng người, từng nhóm nhỏ, miễn sao đem được lợi lạc cho ai đó trên cõi đời này.
Vị giảng sư có thể hoằng pháp ngay trong những cuộc trò chuyện bình thường bên tách trà, đôi khi những cuộc trò chuyện này lại hiệu quả gấp nhiều lần những buổi học bài bản.
Bản thân chúng tôi cũng từng được hưởng pháp trong những lần đàm đạo như thế, và thấy rằng ấn tượng rất mạnh, cảm xúc rất tốt, nhờ không khí gần gũi, thân tình. Từ ấn tượng và cảm xúc đó, những bài học đạo đức không trở nên lý thuyết khô khan, mà tươi tắn sinh động, dễ bắt chước, dễ làm.
Ở nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp không quá căng thẳng như nhịp sống công nghiệp ở thành phố, nên các buổi trò chuyện có thể thường xuyên hơn tuỳ vào sự khéo léo của vị giảng sư. Hoặc một ngày bất chợt nào đó, có một chị đến chùa khóc lóc, than thở về chuyện gia đình, thì đây cũng là dịp cho người thầy thể hiện lòng từ bi cảm thông với nỗi khỗ của chúng sinh. Từ đó, hoá giải cho họ bằng sự an ủi động viên, bằng giáo lý đức Phật, cũng là một cách hoằng pháp cụ thể và thiết thực.
Người bệnh tâm, vị thầy kê toa thuốc bằng Chánh pháp, điều trị cho họ qua cơn vật vã, không phải là lợi ích hay sao? Và gieo những nhân duyên nhỏ như thế này, đến một lúc nào đó tích luỹ thành cơ duyên lớn, hoằng pháp trên quy mô lớn.
Rõ ràng, hoằng pháp ở nông thôn có những khó khăn, tuy nhiên vẫn có thể giải quyết được như chúng tôi đã trình bày. Bên cạnh đó, nông thôn cũng có những thuận lợi riêng, chúng ta phải biết tận dụng.
Thuận lợi
1. Tâm tánh người nông thôn thuần hậu, chất phác, một khi đã tin thì tin rất mãnh liệt, bền chắc
Đặc biệt, chúng ta cần chú ý đến đội ngũ “trí thức nông thôn” như các thầy cô giáo, một số công chức, những nông dân trẻ có trình độ, những chủ trang trại tiên tiến… Bộ phận này tuy không nhiều lắm nhưng họ lại có uy tín trong địa phương, hoằng pháp được cho họ là hiệu quả đã trên 50%. Bởi họ sẽ có những tiếng nói hỗ trợ chúng ta sau này.
Trí thức nông thôn vừa mang chất nông dân hồn hậu, lại vừa mang tính tiến bộ của thời đại, tiếp xúc với họ khá thú vị và dễ dàng.
Tăng ni trẻ chúng ta nếu tốt nghiệp các trường Phật học sẽ đủ kiến thức và linh hoạt để thu hút giới trí thức nông thôn, từ đó hoằng pháp cho các đối tượng khác không khó. Chúng ta về nông thôn, cứ hay chăm chú vào nông dân, ông già, bà cả, mà bỏ quên giới trí thức này. Trong khi thực tế, kéo họ đến chùa dễ hơn kéo người trí thức thành thị.
2. Sinh hoạt văn hoá dễ thu hút người dân
Nếu ở thành thị có quá nhiều phương tiện giải trí như sách báo, phim ảnh, sân khấu, ca nhạc, công viên, lễ hội… diễn ra hằng ngày, hằng tuần, thì đời sống nông thôn lại thiếu thốn hơn.
Hiện nay, dù nhiều nhà đã có tivi, đầu máy, nhưng món ăn tinh thần cũng chưa gọi là đầy đủ. Quanh đi quẩn lại, chỉ thấy xem truyền hình dài tập, hát karaoke, rồi nhậu nhẹt, nơi nào giỏi lắm là tổ chức được những buổi đờn ca tài tử. Cho nên đời sống văn hoá vẫn cần những hoạt động trực tiếp để người dân cùng tham gia.
Chính vì vậy, tăng ni trẻ khi về hoằng pháp nên chú trọng tổ chức những sinh hoạt, lễ hội, đánh thức nông thôn, cũng là đánh thức ngôi chùa.
Chúng tôi mơ ước mỗi ngôi chùa trở thành một trung tâm văn hoá của làng xã, tương tự ngôi chùa của các sư Nam tông Kh’Mer. Không phải chúng ta phá bỏ nếp sống tu hành yên tĩnh của người xuất gia, mà khi nào cần tĩnh thì tĩnh, khi nào cần động thì động, miễn tĩnh và động phải đúng lúc, với mục đích hoằng pháp.
Làng quê không có trung tâm văn hoá cho người dân, nên chùa chiền cần được tận dụng. Ngay bây giờ, nhiều lần tổ Phụ nữ, Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ… cũng đã mượn chùa làm nơi hội họp, nhờ thế ngôi chùa trở nên gần gũi. Và có gần gũi thì chúng ta mới dễ dàng hoằng pháp. Chỉ cần tăng ni trẻ chịu khó thêm chút nữa, sáng tạo ra những hoạt động văn hoá cho cộng đồng, thì chùa sẽ thu hút mọi người.
Tóm lại, hoằng pháp ở nông thôn không dễ, nhưng cũng không quá khó. Vấn đề là biết tổ chức ra sao, và đừng vội mơ những gì quá to tát vượt khỏi khả năng của mình, của địa phương, cứ kiên nhẫn đi từ nấc thang thấp nhất mà lên cao dần. Thà hoá độ được một người còn hơn xuôi tay đổ thừa cho hoàn cảnh.
Thiện Hòa