Có người trẻ, người tuổi xưa nay hiếm đã cùng đến học Phật ở khoa Đào tạo từ xa (Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM). Ở họ, toát lên niềm khao khát được học để chuyển hóa mình mỗi ngày từ thân, khẩu, ý qua việc thực tập năm giới của người Phật tử…
Một buổi học của Khoa đào tạo từ xa
Niềm khát khao được học Phật
Với ánh mắt đầy hoan hỷ khi nói về sự học của mình tại Học viện, Phật tử Thiện Toàn – Võ Văn Minh (Phan Rang, Ninh Thuận) cho biết, hàng tháng đều sắp xếp vào học, không bỏ buổi nào, mặc dù năm nay trên 80 tuổi.
Bác Minh đã tốt nghiệp khóa I nhưng vẫn xin dự thính các khóa sau, bày tỏ: “Do kém phước nên lớn tuổi mới được đi học Phật”. Rồi bác cho biết, tiếp xúc với Phật học từ chương trình Phật học hàm thụ do Báo Giác Ngộ tổ chức, sau đó được thân hữu giới thiệu đăng ký theo học khoa Đào tạo từ xa do Học viện tổ chức.
“Trước khi tham gia các khóa học, tưởng đã biết nhiều, biết đúng, giờ thấy mình sai quá chừng: cái biết đúng thì ít, biết sai thì nhiều nên học để loại bỏ bớt cái sai”, bác Minh bộc bạch.
Theo bác, do lớn tuổi, tai nghe không rõ, tiếp thu chậm hơn mọi người, nên “tiêu hóa” không được bao nhiêu. Do vậy, “khi học xong bài nào tôi xào bài nấy, ghi tiêu đề rồi tìm sách liên quan để học, từ đó nhớ căn bản”.
Một học viên khác, cô Diệu Thanh – Nguyễn Thị Kim Hương nhờ thường xuyên nghe thuyết pháp đã phát hiện có những điều mỗi thầy chia sẻ mỗi khác nên đã quyết tâm đăng ký vào học Học viện để tìm hiểu cặn kẽ.
“Học ở Học viện giúp đầu óc mở mang, hình thành thói quen tư duy, quán chiếu mọi sự rõ ràng, giảm bớt cái tôi”, cô Hương nhận ra sau khi học xong cử nhân Đào tạo từ xa khóa I và đang tiếp tục theo học chương trình Cao học Phật học tại Học viện.
Cô cho biết, lúc mới học khá khó khăn, nhưng sau đó được quý thầy, bạn học chia sẻ phương pháp học, viết bài, cách đọc tìm tài liệu tham khảo nên từ từ hòa nhập, tự rút kinh nghiệm cho bản thân trong suốt 4 năm. Cô Hương hồi tưởng: “Lần đầu tiên làm tiểu luận hơi ngán nhưng ham lắm. Nhưng cũng nhờ viết tiểu luận, đọc sách tôi bật ra nhiều vấn đề, hiểu lời Phật dạy sâu hơn”.
Phật tử Tịnh Long – Nguyễn Văn Long đang là Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Datapost TP.HCM, buổi tối còn dạy học tại Trường Nhất Nghệ (Q.3) và lo cho gia đình nhưng anh vẫn đeo đuổi học chương trình Cao học Đào tạo từ xa.
Anh Long cho biết, nhờ biết sắp xếp nên không thiếu thời gian để học. “Tôi thường tận dụng thời gian buổi sáng trước giờ làm để học, trước khi ngủ để suy nghĩ về nội dung nghiên cứu, bỏ những hàn huyên giao lưu không quá cần thiết để ưu tiên việc học”.
Trong cặp lúc nào cũng có sẵn sách, tài liệu để lúc rảnh bất chợt như ngồi trên xe đò, taxi, đợi khám bệnh… đều học. Có lẽ nhờ vậy, bốn năm học khóa II tại Học viện, anh Long đã tiếp nhận lượng kiến thức Phật học khả dĩ qua nhiều môn học từ cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền.
“Bởi vậy, tôi rất trân trọng và biết ơn chư tôn đức Hội đồng Điều hành và quý giáo thọ sư tại Học viện – đã giúp mình cùng các huynh đệ “lớn” hơn; nhờ thọ lãnh pháp Phật mà bớt sợ hãi, thêm niềm tin nơi con đường tâm linh của mình”, học viên Tịnh Long bày tỏ.
Thủ khoa khóa III – Phật tử Hoa Tâm – Phạm Thị Ngọc Thủy kể, từ năm 2011 chị được điều chuyển từ Khánh Hòa vào công ty chính ở TP.HCM. Bấy giờ, chị đến học lớp giáo lý căn bản tại chùa Hưng Phước (Q.3), tiếp đến là đăng ký vào Học viện. Hai năm đầu học đại cương (7 môn/ học kỳ), dù có hơi “đuối” bởi công việc nhiều, nhưng chị đã chu toàn bằng cách… xin từ chức Phó phòng Kế toán (Trung tâm Thương mại SASCO Tân Sơn Nhất) – xuống làm nhân viên để có thời gian cho việc học nhiều hơn.
“Tôi ý thức cuộc đời vô thường nên thường tâm niệm “tu mau kẻo trễ”, sửa thân, khẩu, ý mình mỗi ngày, phải làm tốt bổn phận của một người Phật tử, không để dòng đời trôi chảy mà uổng phí”, Phật tử Hoa Tâm tâm niệm.
Học Phật để sửa mình mỗi ngày
Trong trao đổi với PV Giác Ngộ, chị Hoa Tâm khẳng định, học Phật giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho tự thân, do vậy với bạn bè, đồng nghiệp hữu duyên, chị cũng thường khuyên họ đăng ký học Phật.
“Ở công ty, khi có buổi chuyên đề, tôi cũng đề xuất lồng ghép các nội dung liên quan giáo lý đạo Phật để thay đổi nhận thức của đồng nghiệp. Đối với gia đình, bà con – tôi khuyên ăn chay để giảm bớt nghiệp sát, bố thí cúng dường trong khả năng, bằng cả thân, khẩu, ý. Và thường khuyến khích họ nghe pháp, đọc kinh sách Phật để mở mang trí tuệ”, chị Hoa Tâm chia sẻ.
Bản thân chị cũng thay đổi nhiều từ khi biết đạo: không chấp vào lời nói khó nghe của đồng nghiệp trong công ty, trái lại còn thấy thương họ vì chưa biết nhân quả. “Tôi tự nhủ mình phải trang nghiêm bản thân thì lúc đó mình trở thành một bài pháp không lời, người khác nhìn vào sẽ sinh tâm thiện”.
Không ngại ngần thú nhận bản thân rất nóng tánh, Phật tử Diệu Thanh cho biết cố gắng học chữ nhẫn. Cô chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi nghĩ muốn nhẫn phải nhìn ra vấn đề, vượt qua nỗi sợ thua kém và chuyển hóa chính mình”. Và khi thực tập lời Phật, “nhìn thấy xung quanh đều là Phật, một hành động không tốt của người, cũng là bài học cho mình tu sửa”.
Với lỗi của người, cô Diệu Thanh nói, thường thông cảm trước, vì trong cuộc sống nhiều người họ nói mà không biết nói gì, mình lắng nghe để họ giải tỏa được cho họ. Theo cô, mọi sự đều cần có thời gian, học Phật phải dựa trên nhân quả và biết tùy duyên nơi mỗi người.
Phật tử Đồng Kim thì hoan hỷ kể, ngày trước hai vợ chồng cùng làm ở bệnh viện nhưng sau đó ra ngoài làm, những khó khăn gặp phải khiến cô hay buồn. Nhưng sau khi học Phật nhận thấy, “nếu mình không vui vẻ trả nợ thì người kia họ bực và mình tạo thêm nghiệp mới”.
Vì vậy, khi gặp vấn đề, cô Đồng Kim không còn nóng nảy mà bình tĩnh suy xét đến nguyên nhân, rồi tự sửa mình trước. Nhờ học Phật, cô còn chuyển hóa cả sự khó tính của bản thân, kiến tạo cuộc sống mới – không còn nặng nề mà mỗi ngày đều hạnh phúc.
Riêng anh Tịnh Long, sống với hình ảnh một cư sĩ biết sống theo triết lý nhà Phật, trách nhiệm, không mê tín, biết nhân quả, làm chủ công nghệ, hòa nhập trong nhịp hoạt động của xã hội. Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ – chuyển hóa thân tâm trở thành người biết lắng nghe là mục tiêu học Phật của Phật tử Thiện Toàn.
HT.Thích Trí Quảng – Viện trưởng đương nhiệm đã nhìn thấy nhu cầu học Phật của những Phật tử và Tăng Ni nhiều Phật sự không thể theo học các khóa chính quy từ chương trình đào tạo Phật học hàm thụ do Báo Giác Ngộ khởi xướng, nên đã chỉ đạo thành lập khoa Đào tạo từ xa từ năm 2009; hiện đã có 3 khóa ra trường, đang đào tạo khóa IV và V. Học viên học các môn đại cương như cử nhân chính quy, song song vẫn phải học xen các môn tư tưởng để người học dễ tiếp cận, dễ nghiên cứu hơn. Khi vào chuyên ngành sẽ dạy như giáo trình của khoa Triết học Phật giáo, có thêm bớt một chút để phù hợp với nhu cầu sinh viên. Nhìn chung, chương trình tương đối vất vả, học viên theo học cần phải chuẩn bị tâm thế để trải qua các kỳ thi nhằm đánh giá chất lượng đào tạo. Tất nhiên, không nên áp lực về điểm số, chỉ cần cố gắng, nỗ lực trong tinh thần tự tại. Theo đó, hãy đặt mục tiêu và quan điểm học Phật rõ ràng: “Một giờ học Phật là một giờ đẩy lùi các bất thiện pháp trong tâm; một giờ học Phật là hướng đến thành Phật trong tương lai”. ĐĐ.Thích Giác Hoàng, Trưởng khoa Đào tạo từ xa |
Quảng Hậu – Như Danh