.
.

Cà phê có tác động ra sao tới sức khỏe?


Cà phê là thức uống mỗi ngày của nhiều người trong chúng ta nhưng bạn có biết một cách chính xác cà phê tác động thế nào đến sức khỏe?

Theo các chuyên gia, cà phê đóng vai trò quan trọng với sức khỏe như có thể giúp giảm cân, ngăn chặn một số bệnh tật…

cafe.jpg
Cà phê là thức uống quen thuộc của nhiều người 

1 – Cà phê có giúp giảm cân?

Caffeine, thành phần quan trọng của cà phê thường được sử dụng trong các thuốc giảm cân. Một tách cà phê mỗi ngày trong thời gian ngắn sẽ làm tăng mức trao đổi chất của cơ thể bạn.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khẳng định cà phê có thể giúp giảm cân vì chúng ta thường uống cà phê kèm theo đường, sữa đặc hoặc kem.

Các chuyên gia khuyên để tránh tăng cân thì nên hạn chế đường, kem và sữa cho thêm vào cà phê.

2 – Cà phê có giúp điều trị ung thư?

Nhiều bệnh nhân ung thư khi đến gặp bác sĩ đều nói rằng họ đã cắt giảm cà phê vì cho rằng cà phê không có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cà phê lại là thực phẩm nằm trong danh sách các loại thực phẩm chống ung thư vì có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ.

Ung thư bắt đầu từ sự phá hủy DNA. Các chất chống oxy hóa trong cà phê bảo vệ các tế bào và giữ cho các tế bào được khỏe mạnh. Nếu bạn bị bất kỳ sự phá hủy nào của DNA từ việc hút thuốc lá thụ động, các tác nhân ô nhiễm môi trường, các chất chống oxy hóa trong cà phê có thể giúp “sửa chữa” sự phá hủy tế bào.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy sự liên hệ giữa cà phê và việc giảm được nguy cơ mắc các loại ung thư như: ung thư gan, ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư da tế bào hắc tố.

3 – Cà phê có gây hại cho tim?

Với đa số người khỏe mạnh thì về ngắn hạn caffeine có thể làm tăng huyết áp nhưng điều này về lâu dài cũng không gây hại gì. Thật ra, cà phê là một trong các thực phẩm tốt nhất để giúp ngăn ngừa tắc nghẽn các động mạch.

Người bị huyết áp cao cần tham vấn bác sĩ xem có cần giới hạn hấp thu caffeine hay không vì cà phê có thể làm cho nhịp tim nhanh hơn hay tim đập nhanh.

Thậm chí nếu bạn không bị huyết áp cao, vẫn cảm thấy tim đập nhanh hơn sau khi uống cà phê sáng thì đây cũng là dấu hiệu bạn đang uống quá nhiều cà phê.

4 – Cà phê có làm tăng cholesterol?

Làm thay đổi mức cholesterol chỉ là một trong những cách mà tách cà phê hàng ngày tác động đến cơ thể bạn. Cafestol, một hợp chất có trong cà phê là nhân tố kích thích tiềm năng làm tăng mức cholesterol xấu LDL. Chất này nằm trong phần dầu trong cà phê.

Tuy nhiên, nếu không có mức cholesterol LDL hay dao động thì bạn không cần quá quan ngại điều này.

5 – Cà phê có ảnh hưởng sự phát triển của trẻ?

Các bậc cha mẹ thường cho rằng cà phê không tốt cho trẻ và không cho trẻ uống cà phê cho đến khi lớn hơn nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy cà phê ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Một số nghiên cứu cho rằng cà phê có thể làm mất calcium trong xương nhưng điều này dường như tác động nhiều đến người trưởng thành chứ không vấn đề gì đối với trẻ. Một ít sữa cho thêm vào cà phê có thể giúp bù đắp cho sự mất mát calcium đó, khoảng 2 muỗng sữa với một tách cà phê.

Đức Hòa
(theo Reader’s Digest)