Sau khi nấu nướng xong, đem cúng Phật, tụng kinh thì bữa ăn được dọn ra ngay sau đó. Tôi cảm nhận được dường như ai cũng hiểu chốn linh thiêng nơi chùa chiền nên rất trật tự. Đâu đó rơi rớt những giọt mồ hôi hạnh phúc, ấm lòng. Tôi gắp từng món ăn bỏ vào bát mọi người rồi đến bát mình. Phải công nhận các món chay ở chùa làm rất ngon.
Khéo léo chế biến, món chay trông khá hấp dẫn – Ảnh minh họa
Đồ chay luôn mặc định là ngán, bởi chỉ có thực phẩm làm từ rau, củ, quả. Nhưng qua bàn tay của các Phật tử, các sư (Ni) khéo léo đã làm nên nhiều món chay rẻ mà ngon miệng, một bữa cơm thanh đạm, đơn giản. Riêng với Phật tử chùa quê tôi, việc phục vụ mâm chay cho những vị khách phương xa đến lễ Phật như là niềm hoan hỷ, thiện lành.
Ăn cơm chay tại chùa là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của người Việt ta, cần được gìn giữ. Câu “cửa chùa luôn luôn rộng mở” đã in sâu trong tâm trí người Việt từ xưa đến nay, dù nghèo khó đến mức nào, nếu đã đến chùa ăn cơm họ đều luôn có ý thức thực hiện việc cúng dường hay làm công quả.
Qua những lần đi lễ chùa và ăn chay ở chùa, tôi nghiệm ra rằng người ta ăn chay ở chùa không phải chú trọng đến miếng ăn, mà là cái cớ để tìm về sự thảnh thơi, không gian thanh tịnh, tĩnh tại, bình yên của chùa chiền; cảm nhận và học hỏi thêm nhiều điều may mắn, hạnh phúc, đáng yêu trong cuộc sống này.
Dù không ăn chay trường nhưng hàng tháng tôi dành hai ngày để ăn chay, đó là ngày mồng một và ngày rằm. Bữa ăn chay của tôi cũng rất đạm bạc đơn giản như món canh rau khoai nấu nấm, khuôn đậu chấm xì dầu, gỏi mít trộn đậu phộng và rau thơm. Thế nhưng cả chồng và các con tôi ăn đều khen ngon và cảm thấy đỡ ngán thay cho món thịt. Qua đó, thấy mình tịnh tâm hơn, thanh thản, nhẹ nhàng hơn, vứt bỏ mọi lo âu, phiền muộn.
Lê Thị Thu Thanh
(Triệu Phong, Quảng Trị)