.
.

Xâm thực “văn hóa vật thể” và “văn hóa phi vật thể” cái nào nguy hại hơn?


Tình trạng xâm thực văn hóa phi vật thể qua các ngày lễ Noel, Halloween đang âm ỉ trong tiềm thức của một bộ phận không hề nhỏ ở Việt Nam. 


Ngày 20/12, báo Vnexpress.net đăng tin thời sự “Chuyên gia: Đặt linh vật ngoại lai ở cơ quan là ‘nhầm lẫn văn hóa’”, với nội dung: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sơ kết 3 năm thực hiện công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Đồng thời báo Vietnamplus.vn, vtv.vn, thanhnien.vn v.v… cũng đăng bài với nội dung tương tự. Các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đều cho rằng những linh vật ngoại lai không phù hợp với văn hóa Việt Nam cần được loại bỏ.

Chuyện đưa các linh vật ngoại lai ra khỏi lãnh thổ Việt Nam chỉ là chuyện sớm chiều, một khi các cơ quan chức năng vào cuộc nhấc đi là xong. Trong khi những ngày gần đây, trên khắp phố phường Hà Nội, Sài Gòn, trên các phương tiện truyền thông thì hình ảnh, màu sắc của ngày lễ Giáng sinh, đi kèm cây thông Noel, ông già Noel và câu khẩu hiệu “Merry Christmas” rất đặc trưng, mang đậm tính chất tôn giáo lại chưa được Cơ quan chức năng lên tiếng, “ngó đến”?

Như chúng ta biết, những việc này lại không thể diễn ra ở những nước vốn có sự tự do tôn giáo rất cao. Vì sao lại như vậy? Vì các tôn giáo đều bình đẳng, không thể tôn giáo này được khuyến khích mà tôn giáo khác lại bị cấm, do vậy để tôn trọng tất cả mọi thành phần trong xã hội. Hầu hết các nước trên thế giới đều cấm quảng bá, giới thiệu các biểu tượng, các câu hiệu mang tính tôn giáo tại nơi công cộng như trường học, bệnh viện, công sở, công viên..vv…

Chúng ta dễ thấy sự hưởng ứng a dua của một bộ phận giới trẻ Viêt, đặc biệt là giới truyền thông, luôn chạy theo đám đông mà không hiểu rõ tính chất của ngày lễ Giáng sinh và câu “Merry Christmas” là gì?; Hình ảnh ông già Noel đang ngày càng đi vào trường học, các nơi công cộng với câu Chúc mừng Chúa Giáng sinh trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ trong tương lai.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang tự tay hủy diệt nét đẹp văn hóa dân tộc, thay vào đó là một nét văn hóa của người phương Tây đang âm thầm xâm nhập vào tâm hồn Việt thông qua ngày lễ Giáng sinh. Một ngày lễ của tôn giáo và có ý đồ truyền đạo, nhìn xa hơn là “cải cách” nền văn hóa của dân tộc Việt Nam theo định hướng của ngoại bang.

Theo báo Vnexpress.net, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế nói: “Người Việt có nhiều hình ảnh đẹp, tại sao phải vay mượn hình ảnh từ nước ngoài. Bản sắc của cơ quan, doanh nghiệp là do chính mình chứ lại lấy của công ty nước ngoài là sự xúc phạm và nhầm lẫn văn hoá.”

Trong Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định rõ “Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.”

Trên thực tế, lễ Giáng sinh đang nở rộ khắp nơi như: trường học, bệnh viện, khu chung cư, nhà hàng, khách sạn v.v…và tại các quán cafe ở tận ngõ ngách phố phường.

Để thấy rằng, trong tình trạng này, khoảng 10-20 năm sau, khi con cháu chúng ta lớn lên, chúng sẽ không hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của các ngày lễ của dân tộc. Trong khi chúng lại thông thuộc các ngày lễ có nguồn gốc phương Tây và của Thiên Chúa giáo như: Noel, Halloween, Valentine, ngày cá tháng tư v.v…và cho rằng đó là ngày lễ văn hóa dân tộc Việt Nam?

Việc di dời linh vật ngoại lai ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và việc xóa bỏ văn hóa phi vật thể trong tâm trí người Việt, việc nào dễ hơn?

Tình trạng xâm thực văn hóa phi vật thể qua các ngày lễ Noel, Halloween đang âm ỉ trong tiềm thức của một bộ phận không hề nhỏ ở Việt Nam. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền không sớm vào cuộc thì nay mai làm sao có thể dễ dàng nhấc hình ảnh văn hóa ngoại lai đó ra khỏi tâm hồn người Việt?

Việc di dời, gỡ bỏ các biểu tượng, các linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là việc làm cần thiết để bảo tồn văn hóa thuần Việt. Nhưng đó chỉ là những biểu tượng “văn hóa vật thể”, so với “văn hóa phi vật thể” đang “xâm thực” vào Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt trong thời đại Internet và truyền thông đại chúng còn nguy hiểm hơn nhiều. Các hình ảnh, biểu tượng tôn giáo dần dần đi vào ký ức, chữ viết và được lưu truyền bằng miệng thì làm sao loại bỏ được trong tiềm thức, khi nó đã ăn quá sâu, bám quá chắc vào tâm hồn Việt, đặc biệt là với trẻ em.

Theo báo Vietnamplus.vn trong bài viết “Cưỡng chế di dời linh vật ngoại lai khỏi các di tích đã xếp hạng” nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay “…tôi cho rằng, cần đặt trọng tâm công tác giáo dục di sản, văn hóa truyền thống trước hết đối với thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên…).

Theo báo Thanhnien.vn trong bài “Lúng túng phân biệt linh vật ngoại lai”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.Hà Nội, cho biết: “Những năm trước, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, đã có một phong trào cung tiến ồ ạt các hiện vật lạ vào các chùa chiền, đền miếu… ở nước ta. Tuy vậy, những người quản lý ở các đền, miếu lại thiếu kiến thức để phân biệt được đâu là linh vật ngoại lai, đâu là linh vật thuần Việt. Nó làm dấy lên quan ngại về xâm lăng văn hóa”, ông Tiến nói.

Nhờ sự bùng nổ của mạng xã hội và phương tiện truyền thông, giới trẻ Việt Nam đang ồ ạt hưởng ứng văn hóa đậm chất tôn giáo của Thiên Chúa giáo và các nước Phương Tây như Noel, Halloween, Valentine, ngày cá tháng tư v.v…đang có nguy cơ xâm lăng văn hóa trên diện rộng của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt ngày Noel – ngày của riêng các tín hữu Công giáo.

Trong thời đại ngày nay, một dân tộc tự hào có truyền thống lịch sử hàng ngàn năm mà a dua và thiếu thông tin, sự hiểu biết đến nỗi không phân biệt được đâu là văn hóa, đâu là tính chất riêng biệt của tôn giáo hay sao?

Mong rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện chỉ đạo để đưa ngày lễ Giáng sinh trở về đúng tính chất của ngày lễ tôn giáo.

Với ngày lễ Vu Lan hàng năm là ngày truyền thống của dân tộc Việt Nam, khi phát tài liệu Vu Lan ở một số trường học thì nhận được câu trả lời đây là tài liệu tôn giáo, không được phát vào trường học? Trong khi nội dung nói về những tấm gương hiếu thảo, đạo hiếu, đạo làm người. Còn ngày lễ Giáng sinh mang đặc trưng của ngày lễ tôn giáo đang tràn lan khắp nơi, lại chưa thấy cơ quan chức năng nào lên tiếng phản đối?

Dịp lễ Noel, với các cửa hàng, nhà hàng, doanh nghiệp thì đây được xem là thời điểm “nóng” để giảm giá, xả hàng nhằm tăng doanh số bán hàng trong dịp cuối năm là điều dễ hiểu. Không ai phản đối điều đó kể cả việc trang trí cảnh quan mùa Đông, hay treo các câu hiệu như Happy New Year; Season Greetings, Happy Holiday như ở các nước Phương Tây thì đó là giao lưu văn hóa, cũng là dịp để các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, không được treo các biểu tượng tôn giáo như: quả chuông, Merry Christmas, hang đá, bài hát giáng sinh, thiệp giáng sinh v.v….như vậy là “vô tình” đang truyền bá tôn giáo của Giáo hội Công giáo Rôma. Vi phạm quy định trong Điều 6 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo của nước CHXHCN Việt Nam.

Và trên thế giới cũng không có mấy nước lại thả nổi cho các trường học, đặc biệt là học sinh mầm non và tiểu học tổ chức Mừng Chúa Giáng Sinh như ở Việt Nam. Vì Merry Chirtmas là MỪNG CHÚA GIÁNG SINH.

Ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trong cả nước, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Công văn này chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng. – Theo vietnamplus.vn ghi!