.
.

Vai trò của người tu sĩ Phật giáo


Vai trò của người tu sĩ Phật giáo là gì? Đó là câu hỏi mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải đặt ra, cả đối với người xuất gia lẫn cư sĩ tại gia.

Người xuất gia cần nhận thức đúng vai trò của mình, để tránh những ngộ nhận, hay quá đà trong việc dấn thân – thường được mệnh danh với ngôn từ rất cao đẹp: “phụng sự”. Người cư sĩ tại gia cũng cần nhận thức đúng để hộ trì các vị xuất gia một cách đúng pháp.

Co Phat khat thuc (20).JPGGiới hạnh là dấu hiệu bất biến để nhận diện người tu trong dòng đời vạn biến – Ảnh: Bảo Toàn

Với lịch sử của dân tộc, tùy hoàn cảnh, người tu sĩ đã từng có nhiều vai trò xã hội khác nhau. Chẳng hạn trong thời kỳ đầu của lịch sử dựng nước và xây dựng nền độc lập giai đoạn mười thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch, nhiều vị thiền sư ngoài là vị thầy hướng dẫn tâm linh, còn là nhà giáo dục, thầy thuốc, cố vấn của các vị lãnh đạo các phong trào yêu nước. Đỉnh cao của giai đoạn lịch sử đặc thù này là vào thời nhà Trần, với tấm gương của chính vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia được tôn vinh là Phật hoàng.

Chính ngài Trần Nhân Tông đã đúc kết trong một văn bản sâu sắc về vai trò của người tu sau khi Phật giáo hòa nhập vào nền văn hóa dân tộc hơn một ngàn năm, đó là bài phú chữ Nôm “Cư trần lạc đạo”, để nhập thế mà không bị dòng đời cuốn đi hay nhấn chìm.

“Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác; Ăn rau trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay” (Hội thứ hai), đó là luôn lấy sự trọn vẹn về giới hạnh đã thọ để làm chỗ nương tựa vững chãi trong mọi hoàn cảnh thay đổi, không vì mưu cầu danh lợi, vướng vào tranh chấp, sự hơn thua, giữ nếp đơn giản không chạy theo tiện ích của đời sống…

Giới hạnh là cốt tủy của nếp sống người tu. Đó là điều bất biến để nhận diện người tu trong dòng đời vạn biến. Nói cách khác, như cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu, một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, người tu cần đủ ba yếu tố, đó là chánh kiến, tịnh giới và oai nghi.

Cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu, suy tư và thực hành Phật pháp, từ đó có được nhận thức căn bản, nhận biết đâu là Chánh pháp, đâu là sự tiếp biến của các yếu tố ngoài Phật giáo; giữ gìn giới đã tự nguyện tiếp nhận một cách trọn vẹn; và đương nhiên phải có những ứng xử phù hợp với vai trò của người tu sĩ, người hướng dẫn Phật pháp cho số đông.

Qua nhiều giai đoạn, và khi du nhập vào mỗi quốc gia, vùng văn hóa khác nhau, cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo có sự thay đổi, và có cả xu hướng thế tục hóa, khác với hình thức ban đầu.

Tuy nhiên, xu hướng thế tục hóa, làm cho Phật giáo đi vào cuộc đời nhưng nếu đánh mất cả những yếu tố cốt lõi trên là con đường dẫn tới sự tự suy thoái; và như thế, việc dấn thân của Phật giáo không còn ý nghĩa phụng sự mà chỉ là lạm xưng.

Trong kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Kimbila, Đức Phật đã dạy rằng, sau khi Ngài nhập diệt, người xuất gia và cư sĩ tại gia nếu “sống không tôn trọng, không vâng lời bậc Ðạo sư; sống không tôn trọng, không vâng lời Pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời chúng Tăng; sống không tôn trọng, không vâng lời học pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời lẫn nhau”, thì chắc chắn Chánh pháp sẽ không được duy trì dài lâu. Thiết nghĩ đó là những yếu tố cốt lõi của người Phật tử, đặc biệt là giới xuất gia cần ý thức để tránh những ngộ nhận về vai trò của mình khi tham dự đời sống xã hội.

Diệu Nghiêm