.
.

Hiện tượng tu sĩ phạm pháp – những lời cảnh báo


Đối với người Phật tử, đời sống của Tăng đoàn luôn được xem là hình thức mẫu mực để tiếp cận các giá trị giải thoát, làm mô phạm cho sự chuyển hóa của cộng đồng. Vì lẽ đó, khi thành lập Tăng đoàn, Đức Phật đã yêu cầu hàng xuất gia phải tuân thủ giới luật và các quy tắc ứng xử chung của xã hội.

Dù đã 2.500 năm trôi qua, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị khi mà truyền thông xã hội phát triển và đời sống Tăng đoàn trở thành tâm điểm của sự tò mò, suy xét. Và từ đó có nhiều câu chuyện, hình ảnh người xuất gia vi phạm cả giới luật, pháp luật trở thành “bão” của dư luận, làm giảm đi uy tín Tăng-già mà Giáo hội cần có biện pháp chấn chỉnh, quản lý khả thi.

tu si pham phap.jpg
Công an đọc lệnh bắt tạm giam Hồ Sĩ Quỳnh – Ảnh: Báo Thanh Niên

Những chuyện đau lòng

Cách đây hơn một năm, Tăng Ni và Phật tử TP. Đà Nẵng nói riêng cả nước nói chung một phen dậy sóng khi Công an TP.Đà Nẵng quyết định khởi tố vụ án và sau đó cơ quan tòa án quyết định đưa ra xét xử các đối tượng là tu sĩ Phật giáo được cho là đã tham gia đánh bạc bị bắt quả tang.

Theo đó vào giữa tháng 3-2015, một nhóm tu sĩ trẻ sau khi đi tụng kinh về thì ghé vào chùa Hải Vân Sơn (TP.Đà Nẵng) có việc riêng nhưng sau đó đã tụ họp để đánh bạc ngay trong chùa. Tham gia lúc đó có đến 4 tu sĩ đến từ các cơ sở tự viện khác nhau của TP. Đà Nẵng.

Phật tử địa phương đi chùa phát hiện đã báo công an bắt quả tang 4 tu sĩ tục danh Phan Văn Trung (30 tuổi), Trương Ngọc Hậu (31 tuổi), Hồ Sĩ Quỳnh (27 tuổi) và Phạm Phú Hòa (52 tuổi) phạm pháp với đầy đủ tang chứng, vật chứng.

Đáng lưu ý hơn, theo điều tra của cơ quan công an, trong danh sách này, tu sĩ Hồ Sĩ Quỳnh đã có tiền án, tiền sự. Năm 2005, khi 17 tuổi, Sĩ Quỳnh xuất gia tại chùa Tân Thái với pháp danh Nguyên Như. Sau quá trình tu tập được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo. Nhưng đến năm 2011, Sĩ Quỳnh bị TAND Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng tuyên phạt 3 năm tù liên quan về tội mua bán trái phép chất ma túy. Năm 2013, mãn hạn tù tại trại giam An Điềm, Sĩ Quỳnh đã về chùa Tân Thái và được nhận xuất gia trở lại nhưng vẫn không tâm thành hướng Phật, chuyển hóa bản thân mà phạm pháp trở lại.

Kết thúc vụ án, bị cáo Hồ Sĩ Quỳnh bị tuyên phạt 12 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại cũng phải nhận án với 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng cũng ra quyết định tẩn xuất vĩnh viễn tu sĩ Hồ Sĩ Quỳnh ra khỏi Tăng đoàn và kỷ luật nặng các tu sĩ còn lại nhưng vẫn không thể xoa dịu được dư luận về hiện tượng lối sống của một bộ phận tu sĩ sa sút về đạo đức, phẩm hạnh.

Vụ việc sau đó đã xuất hiện đồng loạt trên các mặt báo và nhanh chóng nhận những bình luận, phản hồi khá tiêu cực về hình ảnh tu sĩ Phật giáo. Trong đó không ít độc giả khẩn thiết đề nghị và yêu cầu Giáo hội cần thể hiện sự kiên quyết đối với các sai phạm, đừng để bất cứ đối tượng nào thuộc trường hợp này hiện diện trong Tăng đoàn để rồi sống buông thả, trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Và mới đây không lâu, vào tháng 6-2016, trên một tờ báo điện tử, xuất hiện thông tin công an một địa phương của tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành xử phạt một vị tu sĩ trẻ thế danh Phạm Hồng Thức (37 tuổi) số tiền 750.000 đồng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo thông tin, cơ quan này phát hiện Hồng Thức trong trang phục người xuất gia, điều khiển xe gắn máy với biểu hiện đáng ngờ và mời về trụ sở làm việc. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện đối tượng sử dụng chất ma túy nên đã tiến hành các biện pháp xử phạt nêu trên. Bài báo kể nhiều chi tiết làm cho người đọc nhầm tưởng Thức là một tu sĩ lâu Phật giáo lâu năm nhưng qua tìm hiểu, trước khi bị bắt, Hồng Thức có xuất gia và thọ Sa-di tại một ngôi chùa ở Long An và cũng từng được gởi đi học trung cấp Phật học Long An nhưng bị nhà trường mời bổn sư lên trả lại vì lười biếng, không hòa vào đời sống của học Tăng.

Dù vậy, vụ việc xảy ra cũng tạo nên dư luận không hay trong xã hội và đặc biệt là cộng đồng mạng. Trong đó, có nhiều bình luận khá ác ý khi tấm hình chụp Hồng Thức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lúc bị bắt với trang phục tu sĩ Phật giáo. Nhưng ở một phương diện khác, theo thông tin mà người viết tiếp cận, đến nay cấp Giáo hội có thẩm quyền quản lý vẫn chưa có những phản ứng phù hợp và biện pháp xử lý thỏa đáng, tạo niềm tin nơi quần chúng Phật tử.

Cơm đã sôi và cần nhỏ lửa

Hai câu chuyện diễn ra ở hai thời điểm khác nhau và mức độ cũng khác nhau nhưng có một điểm chung là hình ảnh người tu sĩ không những vi phạm giới luật mà còn phá đi các quy tắc xử sự chung được Nhà nước và pháp luật bảo hộ. Không những thế, sự vụ liên quan đến tu sĩ xảy ra ở Đà Nẵng đã vượt lên trên mức răn đe trong các biện pháp giảm nhẹ của Luật Hình sự, buộc các cơ quan tố tụng phải y theo các khung hình phạt để tiến hành các biện pháp cách ly khỏi xã hội, giúp cho các đối tượng có thời gian chuyên tâm tu sửa, cải tạo ở một môi trường khắc nghiệt hơn, đó là nhà tù.

Sự việc cũng đã xảy ra, báo chí cũng đã đăng và xã hội cũng đã dậy sóng, nhưng điều đáng nói ở đây vẫn là việc quản lý Tăng Ni, đặc biệt là Tăng Ni trẻ và các phản ứng của các cấp Giáo hội trước các sự việc nhạy cảm, bất ổn, tiêu cực liên quan.

Về quản lý tu sĩ, công tác này rõ ràng đang bộc lộ một lỗ hổng lớn trong quá trình nhận người xuất gia, cho đi thọ giới, hướng dẫn việc hành trì, theo dõi đời sống cá nhân và cả việc người xuất gia trở lại sau khi đã hoàn tục. Theo cách nhìn của nhiều vị có tâm huyết với sinh hoạt Tăng đoàn, dường như chư vị trụ trì các cấp Giáo hội hiện khá dễ dãi đối với việc nhận đệ tử và xét duyệt hồ sơ. Chính vì lẽ đó mới có hiện tượng, một người đã từng xuất gia, có tiền án tiền sự, bị phạt tù cải tạo sau đó vẫn có thể nhanh chóng xuất gia trở lại để rồi tiếp tục phạm pháp như trường hợp của Sĩ Quỳnh.

Riêng ở khía cạnh xử lý sai phạm, điều dễ dàng nhận thấy nhất trong trong thời gian qua là các cấp Giáo hội thường có phản ứng trước những vi phạm trong phạm trù giới luật; còn các sai phạm liên quan đến pháp luật, Giáo hội luôn để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào cuộc và kết luận. Cách thức xử lý vi phạm pháp luật như trình bày là hợp lý và sẽ không có gì đáng nói nếu Giáo hội luôn quan tâm, theo sát và đồng hành cùng các bước đi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngược lại nhiều trường hợp, khi tu sĩ vi phạm pháp luật, cấp Giáo hội quản lý trực tiếp lại phó mặc, đôi lúc tránh né hoặc nếu có phản ứng thì cũng trong tâm thế bị động, sự việc đã rồi.

Trong xã hội hiện đại, khi mà truyền thông đại chúng lên ngôi và có giá trị định hướng quan điểm cuộc sống thì bất cứ tổ chức nào cũng có thể trở thành nạn nhân của những con chữ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức và cũng không ngoại lệ trước xu hướng đó. Chính vì lẽ đó, dù trách nhiệm của cơ quan nào đi chăng nữa, một khi đã liên quan đến tu sĩ Phật giáo phạm pháp thì cách tốt nhất là cấp Giáo hội có trách nhiệm cần có những động thái nhanh chóng, kịp lúc, tránh trường hợp như đối tượng Hồng Thức như đã nêu và cũng đừng để cơm đã quá sôi mà ta không thể làm lửa nhỏ lại được.

Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của chư tôn đức đứng đầu ngành Tăng sự T.Ư cũng như chư vị giáo phẩm am tường giới luật về hiện tượng này, cũng như các vấn đề liên quan tới việc quản lý Tăng Ni, nhân hội thảo của ngành Tăng sự năm 2016 sắp diễn ra vào ngày 24, 25-9 tại Học viện Phật giáo VN – Hà Nội. Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi.

 Sơn Thoại (GNO)