.
.

Góc nhìn: Khi người dân khóc vua…


Đức vua Phật tử Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà. Thông tin cụ thể từ Hoàng gia Thái Lan cho biết, Đức vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej (Rama IX) đã băng hà lúc 15g52 hôm qua, 13-10, sau thời gian bệnh nặng phải điều trị ở Bệnh viện Sirijai (Bangkok).

Ngay sau đó, câu chuyện về vị vua – Phật tử vĩ đại, mà tên ngài trong tiếng Thái có nghĩa là “Sức mạnh của miền đất với quyền lực vô song” đã được truyền thông nhắc lại đầy kính trọng.

Theo đó, Đức vua Bhumibol Adulyadej sinh ra tại Hoa Kỳ và là người trị vì lâu nhất của Vương quốc Thái Lan (70 năm) kể từ khi lên ngôi năm 1946, lúc ngài mới 18 tuổi.

Thông tin về Đức vua vừa băng hà còn được nhắc đến với hình ảnh: trong suốt 70 năm tại vị, ngài đã đi khắp đất nước, đặc biệt quan tâm những vùng nghèo xa xôi nơi người dân sống trong đói khổ.

Ngài đồng thời chủ trương hơn 2.000 dự án về lương thực, dinh dưỡng đã làm thay đổi chất lượng sống của nông dân nghèo. Ở Thái Lan, đi đâu cũng thấy hình ảnh của ngài, nhà nào hầu như cũng treo hình ngài như một biểu tượng của đạo đức và lòng nhân ái, từ bi rộng lớn của một vị thánh.

Chính vì ngài đã tận hiến cuộc đời mình, bằng khả năng mình có, Đức vua đã đến với dân không chỉ bằng hình ảnh thân thương, gần gũi mà còn bằng suy nghĩ, hành động thiết thực, giúp thay đổi đất nước từ chính những chén cơm, manh áo của mỗi người dân nên khi hay tin ngài băng hà, dân Thái đã khóc, đã nguyện cầu với cả trái tim.

nguoidankhoc.jpg
Người dân Thái Lan chia sẻ nỗi mất mát vị vua mà họ tôn kính – Ảnh: Rueters

Bangkok phủ một màu đen trong sáng nay, khi tang lễ được thông báo sẽ tổ chức trong thời gian dài và để tang vua trong một năm. Đó là thời gian theo thông báo của chính phủ Thái Lan, nhưng chắc chắn, lòng dân sẽ còn để tang Đức vua lâu hơn thế, bởi họ đã tôn kính dành cho ngài một vị trí trang trọng, biểu tượng của lòng từ bi.

Có lẽ, lòng nhân hậu, thương dân của Đức vua được vun đắp nhiều đời, trong đó, có việc đời này ngài đã từng học Phật, xuất gia, từng thọ giới Cụ túc (Đại giới, trở thành vị Tỳ-kheo) trong một đất nước lấy triết lý của Đức Phật làm nền tảng đạo đức trong mọi ứng xử, lời nói, suy nghĩ của người dân hàng ngày.

Nước mắt nhân dân khóc vì thương tiếc một con người vĩ đại sẽ làm cho họ mạnh mẽ thêm lên, không phải chỉ để đau thương mà quan trọng hơn là tiếp tục tâm huyết và sự nghiệp thiện lành mà vị vua trong lòng họ đã làm. Người dân rất công bằng, không gì có thể qua mắt được nhân dân, nên ai đi, ai ở, lòng dân đo lường được tất thảy những việc của người ấy làm, của thể chế ấy trị vì.

Có những giọt nước mắt nhân dân mang tên nỗi đau mất nước, mang tên nỗi nhục nội xâm – khi những kẻ cầm quyền xâu xé đồng tiền bát gạo của dân, mưu lợi riêng. Và có những giọt nước mắt được tả bằng nỗi oan khuất bởi người thực thi pháp luật đi ngược lại luật pháp, đưa dân vào tù bằng dùi cui, nắm đấm. Cũng có những giọt nước mắt là nỗi đau mất mát chen lẫn niềm tự hào về một lãnh tụ của quốc gia vĩ đại, đã làm nên sự vĩ đại cho dân tộc mà họ là một thần dân!

Lưu Đình Long