.
.

Giáo hội ở đâu khi để cho “giả sư” vào chùa?


Từ trước đến nay, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo luôn là một hình ảnh rất đẹp; văn hóa truyền thống đã truyền dạy cho người Việt phải luôn biết kính trọng người tu hành, đặc biệt là tu hành trong Phật giáo vì những bậc tu hành là những người đã chọn con đường thoát trần, từ bỏ giàu sang danh vọng phú quý để tìm con đường tu thân, dưỡng tâm từ đó dẫn dắt người đời đến một cuộc sống chân thiện mỹ.

Nhưng thời gian qua, xuất hiện hiện tượng một số kẻ xấu lợi dụng lòng tin, sự thật thà và tính hướng thiện của những phật tử để lừa đảo, trục lợi cho bản thân bằng nhiều chiêu thức khác nhau, không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo, làm hoen mờ hình ảnh người tu sĩ Phật giáo mà còn gây mất an ninh, trật tự, gây xáo trộn trong đời sống của người dân.

Vấn nạn giả sư đi khắp nơi khất thực, bán nhang, quyên góp xây chùa, thậm chí lừa đảo… rất bức xúc. Không hiếm kẻ giả sư sáng đi ăn xin, tối tới nhà hàng, quán bar sang trọng. Một số người còn ngang nhiên chiếm cứ ngôi chùa để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của phật tử như trường hợp của giả sư Đỗ Văn Cường ở chùa Hồi Long (thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là một ví dụ.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Những kẻ giả sư đi trục lợi từ sự hiến cúng của người dân
Các trường hợp giả sư đều là những con người lười lao động nhưng lại thích cuộc sống hưởng thụ, lười lao động nhưng vẫn muốn được ăn ngon, có nhiều tiền và thích được tôn sùng, được phục dịch.

Họ cho rằng, đi tu là một nghề dễ dàng kiếm được nhiều tiền và đáp ứng được nhu cầu của bản thân mà không phải lao động nhiều, không cần vốn kiến thức, không cần đầu tư tài chính, chỉ cần thuộc dăm ba bài kinh là có thể ngồi mát ăn bát vàng!

Người Việt chúng ta có tâm lý sùng đạo, tôn kính bậc tu hành nhưng một bộ phận không nhỏ phật tử có tư tưởng kính thầy một cách quá đáng, thậm chí là lố bịch làm cho hình ảnh người thầy tu không còn vẻ đơn sơ, mộc mạc mà trở nên thần thánh hóa, có quyền linh thiêng và có thể ban phát ân điển.

Xuất phát từ tâm lý đó, một số kẻ đã giả sư để trục lợi, họ chỉ cần cạo đầu, khoác áo thầy tu là có thể dễ dàng kiếm tiền, dễ dàng được phật tử cung phụng.

Qua các sự việc đã xảy ra thời gian qua, nhất là vụ sư giả Đỗ Văn Cường ở Hải Dương, cho thấy một số vấn đề nổi lên sau đây:

Một là, công tác quản lý tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém, tạo điều kiện để số người xấu lợi dụng. Trường hợp của Đỗ Văn Cường, mặc dù về ở chùa Hồi Long từ năm 1997, không có giấy tờ chứng minh thân phận tu sĩ nhưng do giỏi lừa đảo nên đã được Ban Hộ tự chùa Hồi Long mời về sống tại chùa.

Trong thời gian đó, Đỗ Văn Cường thường xuyên có hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phật tử địa phương, gây bức xúc và bị phật tử viết đơn kiện nhưng chưa thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ý kiến?.

Ngay cả khi Cường bị các cơ quan chức năng cưỡng chế, trục xuất khỏi chùa vẫn chưa thấy Giáo hội lên tiếng chính thức?

Hai là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thể hiện sự thụ động, yếu kém trong nhiều hoạt động. Thậm chí, khi biết có vụ việc xảy ra nhưng việc tham gia giải quyết của Giáo hội nhằm bảo vệ uy tín, danh dự của Phật giáo cũng chưa thấy được đề cập đến.

Ba là, hiện tượng sư giả cùng với sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức của một bộ phận tu sĩ đã, đang và sẽ làm mất uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thời gian qua, bên cạnh hiện tượng giả danh người tu hành Phật giáo, một bộ phận tu sĩ Phật giáo có hiện tượng suy thoái về đạo đức, không chuyên tâm tu tập, chỉ chăm lo vào cuộc sống hưởng thụ. Trong cuộc sống hàng ngày, họ tự cho mình là quan trọng, là bề trên để phật tử phải cung phụng, đi một bước là phải có xe đưa đón mà phải là xe sang mới đi; các lễ lạt hầu không được làm miễn phí mà phải tuân theo từng bậc giá cả khác nhau (tiền nhiều thì lễ lớn và có thầy làm lễ; tiền nhiều thì được tổ chức lễ riêng, ít tiền thì tổ chức chung và vào những thời gian không thích hợp cho gia chủ…).

Do không lo tu tập nên đã xảy ra một số tu sĩ biến thái, như tự tử vì sử dụng ma túy, vi phạm giới luật nghiêm trọng, như uống rượu, vay nợ,….

Thực trạng trên đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải khẩn trương giải quyết, đòi hỏi công tác quản lý tăng sự của Giáo hội không thể thờ ơ, vô can.

Vì sao giả sư vào chùa đến 20 năm mà Giáo hội, BTS Phật giáo Hải Dương không biết? Chức năng của BTS Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện là để quản lý việc gì? Nếu không quản được chùa, không quản được tăng, ni.

Nếu chuyện đó là có thật, tại sao đã 35 năm xây dựng và phát triển nhưng không thấy Giáo hội phản ánh với các cơ quan quản lý và Nhà nước về thực trạng đó?

Giáo hội quản lý ai? Nếu sự việc ngoài tầm với của Giáo hội thì hơn ai hết cũng phải chính Phật giáo phải kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, và phải có trách nhiệm đại diện tương xứng như trong Hiến chương của Giáo hội đã minh định.

Sao còn đợi ai?

Qua vụ việc đó cho thấy vai trò hết sức thụ động của Tổ chức Giáo hội trong trách nhiệm trước tiền đồ phát triển của Phật giáo.

Thành Toàn

Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả.