.
.

”Đạo Phật” diệt Đạo Phật:”Thánh nhơn” đến chùa (?)


Tôi được giải thích rằng khi tu có “huệ nhãn”, thì sẽ thấy nhiều “thánh nhơn” đến chùa như trong bài thơ đã nêu. Nào là chư thiên trên các cõi trời, bát bộ thiên long, long thần hộ pháp, càn thát bà, a tu la, dạ xoa, khẩn na la, ma hầu la già… Tóm lại, là đông lắm, phần nhiều là thánh nhơn. Vì vậy, không có chuyện đạo Phật sút giảm tín đồ, chùa không có người đến.


MINH THẠNH: Tôi cảm ơn bạn đọc đã gửi đến tôi xem bốn câu thơ:

“Siêng năng quét sạch đất chùa

Để cho trí huệ bốn mùa phát sanh

Tuy ngày không có khách lành

Thánh nhơn thường đến kinh hành nơi đây”

Bốn câu thơ này là minh họa rất rõ ràng điều mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, trong chuyên đề ““Đạo Phật” diệt đạo Phật”. Điều đó là số lượng người đến chùa ảo, mà tôi nghĩ rằng là một vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bốn câu thơ sâu sắc, nhiều ý nghĩa, thâm thúy như vậy, mà ông nói có vấn đề? Xin hỏi vấn đề gì?

MINH THẠNH: Vấn đề ở chỗ cho rằng quét chùa thì sinh trí huệ, thừa nhận chùa không có khách, nhưng có “thánh nhơn” đến.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh người phàm mắt thịt, tu được bao nhiêu, mà nói chuyện có thánh nhơn hay không có “thánh nhơn” đến chùa?

MINH THẠNH: Nhiều vị tu sĩ cũng nói với tôi như ông, khi tôi nêu vấn đề Phật giáo đang mất dần tín đồ, ít tín đồ, không có tín đồ, người đến chùa thưa vắng.

Khi đó, tôi bị nói là không có “huệ nhãn” nên không thấy gì hết, mà bình luận linh tinh, chỉ thấy bằng “mắt trần” số lượng người đi chùa thưa vắng.

Tôi được giải thích rằng khi tu có “huệ nhãn”, thì sẽ thấy nhiều “thánh nhơn” đến chùa như trong bài thơ đã nêu. Nào là chư thiên trên các cõi trời, bát bộ thiên long, long thần hộ pháp, càn thát bà, a tu la, dạ xoa, khẩn na la, ma hầu la già… Tóm lại, là đông lắm, phần nhiều là thánh nhơn. Vì vậy, không có chuyện đạo Phật sút giảm tín đồ, chùa không có người đến.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Thế ông trả lời ra sao? Đồng ý hay không đồng ý?

MINH THẠNH: Tôi không đồng ý, vì có thấy gì đâu? Nhưng tôi cũng không bác bỏ.

Niềm tin tư duy kiểu như vậy rất thường thấy trong đạo Phật. Trong các buổi lễ cầu siêu, trai đàn, cảm nhận chung của các vị tu sĩ và hầu hết tín đồ Phật giáo là chư hương linh vân tập về đông lắm. Còn tôi, không thấy gì thì chánh ngữ là không thấy, còn như nếu làm lễ thì vẫn làm lễ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông không tin, thì để người ta tin. Có gì mà phê bình? Có gì mà cho là “Đạo Phật” diệt đạo Phật?

MINH THẠNH: Không phải tôi chỉ không tin. Tôi không tin nhưng không hẳn là không không tin, tức là vẫn tôn trọng niềm tin và việc thấy bằng “huệ nhãn” từ người tu cao, của tăng ni Phật tử.

Tôi chỉ phê phán ở chỗ đem niềm tin và cái thấy siêu hình đó để giải thích và giải quyết tình trạng suy thoái, thiểu số hóa của Phật giáo Việt Nam.

Tức là, thấy có đông thánh nhơn, chư thiên ngự đến chùa thì vẫn cứ việc thấy. Nhưng cũng phải nhìn thấy thực trạng Phật giáo hiện nay ở trần gian, trong thế giới thực này, không được làm lẫn lộn.

Trên trần thế, số người theo đạo Phật, số người được hóa độ bởi đạo Phật, đặc biệt là ở Việt Nam đang giảm sút, đang cải đạo theo những tôn giáo khác. Không thể không nhìn thấy điều đó hay phủ nhận điều đó bằng một cảm nhận nào khác của riêng từng cá nhân.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Phần lớn người theo đạo Phật, nếu tu cao, đều có cái nhìn như vậy. Sao ông nói chỉ là “cá nhân”?

MINH THẠNH: Nếu yêu cầu mỗi người được cho là nhìn thấy “thánh nhơn” đến chùa đó đồng thời miêu tả “thánh nhơn” thì xem có giống nhau không, để nói cả chung tập thể đều nhìn thấy “thánh nhơn” như nhau?

Người theo tôn giáo đều phải có những cảm nhận siêu hình, tâm linh, nhưng đem cái đó ra để lý giải và giải quyết những vấn đề thực trạng của tôn giáo, thì sẽ là điều hết sức nguy hiểm. Đối với đạo Phật, đó là “Đạo Phật” diệt đạo Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Cho rằng đó chỉ là cảm nhận, niềm tin riêng cho mỗi cá nhân đi, thì có gì đến nỗi “Đạo Phật” diệt Đạo Phật?

MINH THẠNH: Nếu ai đó muốn cải đạo tín đồ Phật giáo, thì người ta sẽ hoan nghênh và thúc đẩy cảm nhận và niềm tin đó. Rằng người Phật tử cứ đại hoan hỷ vì tuy số người đến chùa có vài bà lão, nhưng có rất đông thánh nhơn đó. Cũng như nói “Tuy ngày không có khách lành/Thánh nhơn thường đến kinh hành nơi đây”.

Chùa “không có khách”, vâng, không quan trọng. “Thánh nhơn thường đến” mới là quan trọng. Vấn đề ở chỗ này.

Còn khách, nhất là người trẻ, lẽ ra đến chùa, thì xin mời đến các cơ sở tôn giáo khác.

Nói “Đạo Phật” diệt đạo Phật là như vậy đó.

Người theo đạo Phật tự giải quyết vấn đề thực trạng của mình bằng niềm tin, bằng cảm nhận rất thiêng liêng và dễ thương. Không có khách trần. Không cần! Đã có khách “thánh”.

Tức là sẽ không thấy vấn đề gì hết. Chùa lúc nào cũng có “thánh nhơn” bay liệng, tỏa hào quang.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi thấy Minh Thạnh có thái độ hơi tiêu cực, đã có mỉa mai?

MINH THẠNH: Nhưng nhiều tăng ni Phật tử tôi gặp đã có cái nhìn và cảm nhận như thế, mà tôi đã nói cụ thể.

Tôi nghĩ, không tin “thánh nhơn” thì không phải là có tôn giáo.

Nhưng tin “thánh nhơn” mà không thấy kết quả gia hộ của “thánh nhơn” thì cũng là niềm tin không có cơ sở.

Thú thật, tôi không tin “thánh nhơn” kiểu bay trên những đám mây ngự xuống chùa, tỏa hào quang, như một số tăng ni Phật tử nhìn thấy.

Tôi nhìn thấy thực trạng người đi chùa thưa vắng, hầu hết là bà già, người có niềm tin Phật giáo bị cải đạo.

Điều đó diễn ra trước mắt, có ý nghĩa tồn vong đối với đạo Phật, mà sao không thấy? Mà có thấy thì cũng cho không có việc gì, để chỉ thấy “thánh nhơn”?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông bác câu thơ trên?

MINH THẠNH: Tôi xin sửa như sau:

“Siêng năng quét sạch đất chùa

Mong cho bá tánh bốn mùa viếng thăm

Mong chùa luôn đón thánh nhân

Thiện nam tín nữ tu hành siêng năng”.

Có nghĩa là không có “tuy” gì hết. Tức là không để niềm tin thiêng liêng và thực tại loại trừ nhau. Tin điều gì đó thiêng liêng thì cứ tin, nhưng không đưa điều đó vào thay thế hiện thực.

Còn nếu loại trừ nhau, như chúng ta đã phân tích, chính là “Đạo Phật” diệt đạo Phật”.

Minh Thạnh