Trong những ngày diễn ra World Cup 2018 vừa qua, cộng đồng thế giới vẫn không ngừng quan tâm đến cuộc giải cứu ở hang Tham Luang, Chiang Rai, Bắc Thái Lan. Đây là cuộc giải cứu có quy mô rất lớn, kéo dài 18 ngày, với hơn 1.000 người trực tiếp tham gia cứu hộ, và khoảng 10.000 người liên quan đến chiến dịch.
Nghi thức tưởng niệm “người hùng” Saman Kunan
Cuộc giải cứu thành công là kết quả của sự chung tay và tấm lòng nhân ái, xóa nhòa ranh giới của tôn giáo, sắc tộc; với Chính phủ Thái Lan, đó là việc gạt bỏ sự kiêu hãnh và chia rẽ để cứu người.
Một người đã hy sinh tánh mạng của mình, thầm lặng. Đó là Saman Kunan, cựu đặc nhiệm Hải quân Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan thương tiếc nói, di sản Saman để lại “sẽ luôn ở trong tim chúng ta”. Đội bóng nhí, vài ngày sau cuộc giải cứu mới biết tin buồn này, các em bật khóc, cùng hứa sẽ xuất gia một thời gian để cầu nguyện cho Saman.
Saman là một người hùng. Anh đã tình nguyện tham gia cứu hộ. Theo lời vợ anh thì “anh ấy thích giúp đỡ người khác, làm công việc từ thiện và hoàn thành tốt công việc”. Bằng tấm lòng nhân ái, cô cũng không quên nhắn nhủ thành viên đội bóng “đừng đổ lỗi cho bản thân mình”.
Không chỉ Saman, những người tham gia chiến dịch, đều được cộng đồng tôn vinh anh hùng. Họ đã vượt qua bản thân, vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất, bất chấp có thể hy sinh đến tính mạng vì người khác.
John Volanthen, 47 tuổi – cùng với Rick Stanton, là một trong hai thợ lặn đầu tiên tìm thấy các cầu thủ nhí – khi hay tin cộng đồng kêu gọi tôn vinh các anh là anh hùng, đã khẳng khái nói: “Chúng tôi không phải những người hùng. Những gì chúng tôi làm đều có sự tính toán tỉ mỉ và rất bình tĩnh. Hoàn toàn ngược lại với anh hùng”.
Theo Volanthen, “anh hùng” có vẻ như chỉ là một sự bột phát, mang nhiều cảm tính khi ai đó làm một việc gì hơn người. Nhất là trong thời đại ngày nay, rất nhiều người có thể trở thành “anh hùng” chỉ sau một đêm, và nghĩa của từ “anh hùng” ít nhiều cũng bị biến tướng. Các anh là tình nguyện viên, mang một trái tim từ bi, nhân ái, dù không toan tính vụ lợi nhưng lại cân nhắc rất kỹ, rất “chánh niệm” – bình tĩnh với những việc mình làm. Điều đó cứ như thể anh đang thực hành tinh thần Bồ-tát hạnh, hy sinh tất cả, miễn đem lại sự bình an, hạnh phúc đến cho người.
Rick Stanton cũng vậy, anh đã 57 tuổi. Khi anh chuẩn bị lên đường sang Thái Lan hỗ trợ chiến dịch giải cứu, người thân của anh đã ra sức can ngăn, cho rằng anh đã quá già để có thể thực hiện công việc mạo hiểm như thế. Stanton nói với mẹ anh rằng: “Mẹ, con yêu công việc đó. Nếu con chết ở đó, con sẽ chết trong hạnh phúc”.
Các anh không thích được tôn vinh anh hùng sau những gì mình làm. Bởi việc cứu người cứ như thể là sự thôi thúc tự sâu thẳm trong trái tim các anh. Tất cả những người tham gia chiến dịch có lẽ cũng cùng chung ý nghĩ như thế. Họ có thể bất chấp hiểm nguy vì biết 13 con người, trong đó có 12 đứa trẻ gặp nạn đang cần họ.
Đáng nói, những nông dân bị lượng nước hút ra từ trong hang làm ngập hoa màu cũng đã từ chối sự đền bù của chính phủ.
Nếu vì lý do nào đó, những người tình nguyện tham gia công tác cứu hộ và những người hy sinh vật chất lẫn tinh thần vì an nguy của người khác không nhận họ là anh hùng, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể nhận thấy ở họ tâm hạnh Bồ-tát – bởi, sống vì người luôn là một hạnh nguyện to lớn.
Quảng Kiến