.
.

Thiên thần của sự sống – Tản văn mới của tác giả Cái Sân vuông và nơi thờ Phật


“Buổi sáng là để cho chúng ta mỉm cười. Anh nhớ nhé. Hạnh phúc là để nuôi dưỡng chúng ta, cho chúng ta niềm vui trong một ngày thật mới. Hạnh phúc quý lắm. Không khéo, chúng ta lại đánh rơi mất hạnh phúc”- đó là những lời mở đầu trong tản văn Thiên thần của sự sống của tác giả Lữ.

Với những câu chuyện kể, những câu hỏi, được tác giả xen kẻ trong tản văn, cùng cách xưng hô như đang trò chuyện làm cho người đọc cảm nhận như đang nói với mình.

Xuyên suốt 36 tản văn là những câu chuyện rất thiền vị từ kinh nghiệm thực tế, từ sự thực tập và góc nhìn của một người hoạt động trong lĩnh vực xã hội học đã làm cho tản văn thật sự sống động và đầy sức sống. Tác giả cho người đọc nhận ra: có những lúc ở những nơi tưởng chừng đau khổ nhưng lại là nơi nảy mầm hạnh phúc khi nhận diện được niềm vui, hạnh phúc.

Ở đó, đọc kỹ sẽ thấm triết lý sống: “Sống là một niềm vui. Khi nào không còn là một niềm vui nữa thì có nghĩa là ta đang chết. Cái gì chết? Niềm vui của ta chết. Sống như một con người chết. Hoặc niền tin của ta về niềm vui đã chết. Sống như một con người chết là một nếp sống kéo dài vô nghĩa – đó là cái sống không thật sự sống. Chỉ có buồng phổi đang thở và trái tim đang đập mà thôi”.

Theo tác giả “Ta đánh mất niềm vui sống không phải vì nó không còn có mặt. Ta đánh mất nó tại vì ta đồng hóa nó với một cái gì đó rất nhỏ…”.

Do đó, “Hạnh phúc quan trọng lắm. Không có hạnh phúc ta héo hon. Phải có hạnh phúc trong đời sống hằng ngày. Mà hạnh phúc nó có đấy. Không bao giờ hạnh phúc không có mặt cả. Ngay cả khi khổ đau biểu hiện thì hạnh phúc vẫn có mặt. Cái sai là ta không chấp nhận khổ đau ở trong hạnh phúc”.

Nếu trong tình thương khổ đau được nhận diện và được công nhận: “Người kia khó thương là vì người kia có nhiều khó khăn trong lòng. Nhưng chính vì vậy mà người kia cần đến tình thương. Người kia đang không có khả năng cho ta cái gì cả. Không có sự ngọt ngào hay hiểu biết gì đến từ người kia cả. Nhưng ta thương được. Người kia chỉ cho ta sự cay đắng thôi. Mà ta thương được người kia. Điều này thật thú vị. Còn nếu người kia dễ thương với ta thì mọi chuyện dễ dàng quá”.

Và tác giả khẳng định: “Tình thương chân thật. Chỉ có nó mới là nền tảng thâm sâu của mọi truyền thống tâm linh. Mà trong tình thương chân thật, ta không có sự kỳ thị và ghét bỏ. Người kia khác ta thật đấy, nhưng không phải vì vậy mà ta không chấp nhận được người kia.

Các truyền thống tâm linh cần phải trở về với những gì giản dị và chân thật. Càng giản dị, ta càng dễ gần gũi với cái khác ta hơn. Càng chân thật, ta càng dễ thông cảm nhau hơn. Giản dị và chân thật là hai chiếc cầu giúp ta nối kết những khác biệt lại với nhau, để rồi chúng ta cùng nhau thừa hưởng vị mật ngọt của tình thương chân thật”.

———————–

Tác giả Lữ tên thật là Lữ Thế Cường, sinh năm 1968. Từ năm 11 tuổi đã rời Việt Nam đến sinh sống, học tập tại Hà Lan. Được đào tạo chuyên ngành tin học, hiện đang làm trong lĩnh vực công tác xã hội tại Hà Lan. Đối với Lữ: “Khi viết tôi không suy nghĩ. Tôi viết những gì tôi đã sống qua. Và thường tôi chỉ viết khi nào thấy mình có hạnh phúc. Tôi viết và sống rất hết mình. Chính cái sống đó mới là nền tảng thật sự của những gì tôi viết ra. Tôi quan niệm hễ sống đẹp thì sẽ viết hay”.

Tác phẩm đã xuất bản Tôi ươm ánh mặt trời, Cái sân vuông và nơi thờ Phật, Chàng tóc đẹp,… Tác giả từng viết trong Cái Sân vuông và nơi thờ Phật: “Tôi có cơ hội để sống với rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Mỗi nền văn hóa đều có những vẻ đẹp đáng để cho ta noi theo và học hỏi. Nhưng tôi chưa bao giờ quên rằng mình có một gốc rễ. Chính ý thức rõ ràng về gốc rễ của mình, mà sống xa quê hơn 30 năm, tôi vẫn thấy tâm mình gắn liền với quê cha, đất tổ. Nhờ vậy mà tôi có hạnh phúc. Hạnh phúc là sống được với gốc rễ thật thâm sâu ở ngay trong lòng mình”.

Hồng An