.
.

Xuân miên viễn từ góc nhìn đạo Phật


Xuân đến rồi, đâu đó trong mênh mông của mùa xuân vọng về tiếng chuông từ bi, rót vào tâm hồn thanh thản của ta, để ta nhận ra sức xuân miên viễn nằm ngoài vòng sinh diệt. Mùa xuân đang khai hội mới, như Pháp luân thường chuyển giục bước chân ta “Xuất hành đầu năm”. Xuân đã đến, nào chúng ta cùng nhau thượng lộ bình an trên con đường tìm kiếm nếp sống tâm linh trong mùa xuân trí tuệ này.


Xuân khứ xuân lai, câu thơ cổ đức như một thành ngữ, chỉ sự dời đổi của sự vật, hiện tượng vạn hữu trong cõi thế sinh diệt. Còn câu thơ của Mãn Giác Thiền sư trong bài “Cáo tật thị chúng” lại mang ý nghĩa triết lý của đạo:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Công việc nối nhau qua trước mắt
Tuổi già hiện ra trên mái đầu. 

Nhưng:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước “nảy” nhành mai.

Thế mới hay, cuộc thế và đạo mầu có những khác biệt, nhưng có chung một nét xuân. Xuân trong cuộc thế là xuân đoạn trường thay đổi. Xuân trong đạo lý là xuân miên viễn. Cổ đức uẩn áo thâm sâu, nhưng cổ đức cũng “cởi mở” đối với ai đã dày vò và chạm vào vòng xoáy luân hồi (âm dương) của túi càn khôn để rồi biết hồi đầu thị ngạn, thì xuân miên viễn đâu chỉ riêng có một ai!

Xuân Mậu Tuất cổ truyền đã đến. Sắc xuân như òa vào lòng người, òa vào lòng đời và òa vào lòng dân tộc. Cửa thiền sớm nay, cũng hé mở đón xuân sang. Xuân khứ xuân lai, hòa vào sắc xuân rộn ràng ta bỗng nhớ (kệ) thơ của Lục Tổ:

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác”. 

Tổ như nói với mọi người cùng đạo hữu chúng ta hãy cùng nhau vui hòa xuân mới trong niềm hỷ lạc. Bởi Phật pháp trên thế gian này, không thể tách khỏi thế gian mà có giác ngộ.

Xuân Di Lặc

Chưa là phật tử, nói đến xuân Di Lặc chắc nhiều người còn ngỡ ngàng. Vậy đức Phật Di Lặc có liên quan gì tới mùa xuân, mà xuân nào nhà Phật cũng gọi là xuân Di Lặc?

Xin thưa, ngày Mùng 1 Tết là ngày vía của đức Di Lặc, đồng thời cũng là ngày Khánh hỷ của ngài. Ngài còn được gọi là Người hạnh phúc của hiện tại. Với dáng người mập mạp vui tươi – biểu hiện cho trí tuệ không bị phiền não che khuất, mặc cho “sáu đứa” trẻ ngoáy tai, ngoáy rốn, chọc mũi (lục căn). Ngài vẫn nở nụ cười từ ái.

Ngày mở đầu một năm mới, bạn và tôi và cả những ai nữa nếu có duyên lành được gần gũi chiêm bái ngài, được chắp hai tay cung kính đỉnh lễ ngài, thì hẳn nhiên chúng ta sẽ được ngài ban tặng một nụ cười hoan hỷ. Và nụ cười ấy, sẽ lan tỏa trong ta, khiến ta có ngay niềm an vui và ngập tràn hạnh phúc chân thật tươi mới như mùa xuân đang ùa về đầy linh nghiệm. Và sự linh nghiệm ấy chỉ có đi sâu vào thế giới nội tâm mới hòng khám phá được.

Và bây giờ chúng ta hãy chiêm ngưỡng hình tượng của đức Di Lặc. Hình tượng ngài được thể hiện ở tranh, ở tượng với khá nhiều hình mẫu. Nhưng mẫu tranh tượng nào cũng thể hiện một lý tưởng nào đó căn cứ theo giáo lý đạo Phật. Như tượng ngài hai tay nâng đĩnh bạc. Tượng ngài quàng vai một cái túi vải rất to gọi là Bố đại Hòa thượng.

Nhưng đáng nói hơn cả là hình ảnh ngài ngồi bệt đất, mặc áo hoa đỏ mở phanh cả ngực bụng béo phệ cùng sáu đứa trẻ tinh nghịch bu quanh bên ngài. Đứa thì ngoáy tai, đứa thì chọc mũi, đứa móc rốn…Mặc dù vậy ta vẫn thấy Phật Di Lặc nở nụ cười thật tươi, không tỏ vẻ phiền giận gì hết. Sáu đứa trẻ ấy ẩn dụ chính là “Lục tặc”. Chúng đang quấy rầy ngài đó.

Vậy “Lục tặc” là gì? Chữ “tặc” theo Hán ngữ là giặc, là kẻ cướp. Đã gọi là giặc và kẻ cướp thì coi bộ phải hung dữ, bặm trợn hoặc lạnh lùng… mới đáng mặt kẻ “anh hùng”. Đằng này, sáu giặc – Lục tặc – ấy, chỉ là sáu đứa bé con bụ bẫm, xinh xắn đáng yêu là khác! Ấy thế mới đáng gờm. Nào, chúng ta hãy nhìn bàn tay béo mẫm của chúng: Đứa thì chọc mắt, đứa thì ngoáy mũi, đứa móc rốn… ngài. Và ngay cả hành vi xem ra thiếu thiện chí ấy của chúng đối với đức Di Lặc thì coi đó vẫn là sự ngộ nghĩnh và… rất khó ghét.

Vậy hình tượng ấy nói lên điều gì?

Trong kinh Phật nói: Mỗi con người đều có đủ sáu căn (lục căn) là: Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý. Ta vẫn gọi là các giác quan. Thí dụ mắt là cơ quan thị giác, tai là cơ quan thính giác… Sáu căn nơi thể xác con người luôn tương ứng với sáu trần (lục trần) là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; còn được gọi là (trần cảnh) tức ngoại cảnh bên ngoài con người. Thế nhưng sáu ngoại cảnh ấy luôn tác động đến sáu căn của con người theo một trật tự tương ứng rất là lôgic như sau: Mắt ứng với Sắc, Tai ứng với Thanh, Mũi ứng với Hương, Lưỡi ứng với Vị, Thân ứng với Xúc (chạm), Ý ứng với Pháp (sự vật – hiện tượng).

Thị giác là mắt để nhìn mà phân biệt màu sắc, sự xấu đẹp. Thính giác là tai để nghe âm thanh, tiếng động từ đó mà phân biệt được cái hay, cái dở… Cứ thế: Sáu căn tương ứng với 6 trần. Sáu trần tức là sáu ngoại cảnh tồn tại khách quan, chúng không có “tội tình” gì cả. Chúng không phải là lục tặc. Lục tặc chính là sáu căn luôn luôn gắn bó nơi thể xác mỗi con người chúng ta. Bởi giáo lý nhà Phật là giáo lý hướng nội đi sâu vào thế giới nội tâm mà chuyển hóa (nó khác với khoa học khám phá bên ngoài).

Sự hướng nội là tự xét mình để rồi làm chủ mình dần dần sẽ cho ta thấy minh triết để cảm niệm về sự bình an. Và một khi đã không làm chủ được mình là tự chuốc vạ vào thân, ví như mắt thấy cảnh đẹp, người đẹp là nảy ra cái ước muốn chiếm đoạt. Lưỡi thèm của ngon, tai nghe lời xiểm nịnh êm ái. Hoặc như ma túy hay các chất gây nghiện tự nó đâu có tội gì. Nhưng do lối sống buông thả, không biết làm chủ các hành vi của chính mình nên mới đem nó “rước” vào thân để nó tàn phá cơ thể của mình. Và thực tế không những gây họa cho mình mà còn gây họa cho cả cộng đồng xã hội.

Đương nhiên, pháp luật sẽ ngăn chặn và xử lý những hành vi phi pháp đối với người đã gây ra tội lỗi. Nhưng chúng ta thấy hiệu quả đem lại không nhiều. Bởi ý nghĩ bất chính tiềm ẩn và khởi phát từ trong tâm thức con người. Cho nên tinh thần giới luật của đạo Phật là những nguyên tắc sống lành mạnh của nếp sống cộng đồng, trong đó bao gồm những quy định về đạo đức văn hóa và xã hôi.

Sáu căn “Lục tặc” sẽ luôn rình rập để lôi tuột những ai không biết tự chủ vào mê hồn trận của nó và diệt họ bằng mọi thứ vũ khí rất lợi hại có tên là Dục Vọng (tức những ham muốn xấu xa) khiến họ không nan từ làm bất cứ điều gì miễn là có lợi riêng cho mình. Cho nên giáo lý nhà Phật thường nhắc nhở người tu phải tỉnh thức để làm chủ được sáu căn, tự mình dẹp bỏ những ham muốn xấu xa là tham, sân, si (tam độc) tức Dục Vọng, thì tức khắc sáu căn nơi ta không còn là Lục tặc (tức sáu giặc) nữa, mà trở thành Lục Thông.

Lục Thông là sáu điều sáng tỏ chân thật. Đó là, phát triển vật chất (sự giàu có) mà không quên phát triển đời sống tâm linh để duy trì sự sống trí tuệ và khi có được trí tuệ đích thực, thì chúng ta biết hài lòng với cái mình đang có. Đó là kho báu trong tay, là người hạnh phúc như lời đức Phật dạy: “thiểu dục tri túc” đây là pháp an lạc đầu tiên.

Đức Phật Di Lặc là Phật sẽ thành (Đương lai). Hình tượng ngài với sáu đứa bé “lục tặc” trói buộc ngài, để rồi ngài sẽ hiểu rõ và tự giải thoát để chúng trở thành Lục Thông như sáu đứa trẻ: ngây thơ, xinh đẹp và ngộ nghĩnh. Bức tranh tượng như là một câu hay sâu thẳm, bởi ý tại ngôn ngoại.

Xuân Di Lặc xuất hiện trong ngày đầu năm mới như nhắc nhở chúng ta nhớ tới một giáo lý ẩn áo thâm sâu của nhà Phật, đó là giáo lý về nhân quả: Con người không phải chuốc lấy sự trừng phạt thần trị hay ân điển nào cả và cũng không mang gánh nặng tội lỗi nguyên thủy nào ngoài tội nỗi mình đã tự tạo ra. Theo lý nhân quả nhà Phật, gieo nhân gì gặt quả ấy. Vì thế, mỗi người phải biết sử dụng có hiệu quả những khoảnh khắc thời gian trong đời mình để thắng Lục tặc.

Nếu mỗi chúng ta ngay từ những ngày đầu tiên của một năm mới, hiểu rõ sự thật xấu ác của “lục tặc” sẽ gây ra phương hại để chuyển nó thành Lục Thông, thì ta sẽ hưởng trọn vẹn sự an nhiên mà Mùa xuân Di Lặc đem lại. Những điều nói trên là mùa xuân nhìn từ đạo pháp. Đón Xuân Mậu Tuất, chúng ta là phật tử hãy cùng khái lược nhìn về hai kỳ Đại hội Phật giáo với tinh thần Phật giáo phát triển hội nhập.

Quốc giáo đạo Phật Lý – Trần

Đứng trước thềm xuân cổ truyền dân tộc, chiêu cảm hương xuân của đất trời, của lòng người cùng hương trầm lan tỏa bình an trong mỗi nếp nhà khi tết đến xuân về. Trong sâu thẳm hồn dân tộc, khí thiêng sông núi dường như chuyển mình, khiến ta có được chút cảm nhận chân thật phước duyên của mình đã được sinh ra ở một đất nước quê hương có chiều dày lịch sử Phật giáo hai nghìn năm tuổi. Một chiều dài không dễ gì các quốc gia trong khu vực có được.

Thắp nén tâm nhang lễ Phật trên ban thờ tại gia, một phút lắng lòng, bỗng người viết bài này nhớ thuở ấu thơ đêm giao thừa cùng mẹ sắm sanh hương hoa lễ Phật và bận rộn đến sáng làm cơm cúng gia tiên để sáng mùng Một Tết theo mẹ lên chùa lễ Phật đầu năm. Bây giờ thì mẹ đã quá vãng đi xa. Nhưng lời mẹ dạy ngày nào về ý nghĩa lễ Phật sám hối và cầu xin phước lành đầu năm mới thì chẳng thể nào phai mờ.

Chỉ một chút kỷ niệm nhỏ bé ấy thôi mà trong tâm khảm về một mái chùa thì không bao giờ phai nhạt trong ký ức. Cám ơn cổ đức đã để lại câu thơ: “Mái chùa chở che hồn dân tộc…”. Một câu thơ dung dị mà ôm chứa rất nhiều, bởi trong mỗi tâm hồn người Việt dù ở đâu cũng thấp thoáng bóng hình mái chùa quê.

Tự hào thay hàng ngàn năm nay, vì gian khó mà cha ông ta chân cứng đá mềm, rèn nên ý chí kiên cường, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, đem lại hòa bình an lạc cho dân tộc. Nhìn về lịch sử Lý – Trần, dẫu không phải là phật tử thì ai cũng biết (Quốc giáo của nước ta thời đó là đạo Phật). Có nhà nghiên cứu đạo Phật qua tìm hiểu tôn giáo này phải thốt lên: Đạo Phật tiềm ẩn năng lực nào… mà thời Lý – Trần dân tộc ta có được những con người hào kiệt như thế.

Thời nhỏ học sử chểnh mảng, lớn lên có được chút thiện duyên với Phật giáo. Trầm tĩnh đọc lại lịch sử hai thời nói trên, qua các sử gia trong nước và nước ngoài đánh giá mới hay: không có một ông vua nào vì (quyền lực) mà vượt được tham, sân, si. Thế mà hai thời kỳ Lý- Trần có được những ông vua: vừa đánh giặc tài giỏi, vừa là triết gia, vừa là thi sĩ và cao hơn cả là Thiền sư, cư sĩ thâm áo việc đời việc đạo. Đánh giặc mà vẫn thúc liễm thân tâm nghiên tầm đạo Pháp để có được những tác phẩm quý giá để đời cho con cháu. Đó là các bậc quân vương, cư sĩ: Lý Nhân Tông, Lý Thánh Tông (đời Lý); Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ (thời Trần). Đây là những tấm gương chói sáng viên dung cả đời và đạo, trong đó điển hình là Phật hoàng Trần Nhân Tông, một ông vua hóa Phật do quân dân Đại Việt tôn xưng và kính ngưỡng tôn thờ. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)

Tìm hiểu lịch sử nhân loại nói chung ta thấy, không có nước nào là không có nội chiến và ngoại xâm. Ở nước ta trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4 ngàn năm, xác suất chiến tranh so với các nước trong khu vực là không nhỏ. Song qua chiến tranh giữ nước lại làm sáng lên vẻ đẹp dân tộc nói chung và trang sử Phật giáo nước nhà. Nhìn lại lịch sử thời Lý – Trần, ta thấy các cuộc chiến tranh chống giặc phương Bắc diễn ra liên miên, trong đó có nhiều cuộc chiến tranh lớn lao, nhưng từ những cuộc chiến tranh này đã khẳng định vai trò và phẩm chất to lớn của các quân vương (ông vua).

Dưới thời Lý – Trần, đạo Phật là quốc giáo. Với tinh thần “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng cùng cát bụi), đạo Phật đã sản sinh ra những chân nhân (trí thức) có tinh thần phóng nhiệm, dấn thân, nhập thế, coi sinh tử là lẽ thường. Văn hóa Phật giáo trở thành những ứng xử chủ đạo trong đời sống xã hội. Từ những tư tưởng tích cực của đạo Phật, người Việt đã biết vun bồi, sáng tạo, điều chỉnh và tự hoàn thiện nền văn hóa dân tộc mình. Lối sống thuần thiện hòa hiếu của cộng đồng được ghi lại trong lịch sử đã phản ánh rất rõ điều đó ở thời Lý – Trần.

Đặc biệt là đời Trần chúng ta thấy đức vua Trần Nhân Tông lên ngôi 21 tuổi, ở ngôi 15 năm (1278-1293), trong thời gian này đã diễn ra hai hội nghị quan trọng của đất nước: Hội nghị Bình Than (năm 1285), triệu tập quân dân bàn phương hướng kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông và Hội nghị Diên Hồng năm (1284), triệu tập họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu ý dân về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông chuẩn bị xâm chiếm nước ta lần thứ hai.

Hội nghị Diên Hồng mang ý nghĩa thời đại vì không chỉ minh chứng cho tư tưởng độc lập dân tộc mà còn phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ bằng việc đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một nhà nước quân chủ đã trưng cầu dân ý trước sự tồn vong của đất nước. Hội nghị đó đã thật sự bình đẳng xóa đi được những khuyết điểm nội thù cố hữu của dân tộc, đó là sự chia rẽ, mất đoàn kết với hành động cầu cứu ngoại bang đem quân dày xéo quê hương.  Đất nước có được một “ông vua hóa Phật”, như trong sử ký Đại Việt đã ghi về Phật hoàng Trần Nhân Tông, ở đây, cũng cần phải nhắc đến vai trò to lớn của vua Trần Thái Tông, một vị vua mở đầu triều đại nhà Trần (tức là ông của Trần Nhân Tông). Với Trần Thái Tông vì nặng lòng tu Phật đã có lần bỏ ngôi vua trốn vào Yên Tử, nhưng đã được Trúc Lâm Quốc sư nhắc nhở về vai trò của quân vương rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”. 

Từ lời nhắc nhủ của Trúc Lâm quốc sư, nhận được trách nhiệm không nhỏ của bậc quân vương, Trần Thái Tông trở lại triều đình tiếp tục lãnh đạo đất nước và chống giặc bảo vệ giang sơn. Thao thức khôn nguôi giữa đời và đạo, vua Trần Thái Tông sau này được các học giả và các nhà sử học đánh giá là một vị quân vương đời – đạo lưỡng toàn tức (thế – đạo) vẹn toàn cả hai. Những tác phẩm Phật giáo mà Trần Thái Tông để lại cho hậu thế đó là: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam và nhiều tác phấm nội ngoại điển có giá trị  khác.

Xuất phát từ những tư tưởng lớn viên dung cả đời và đạo, những bậc quân vương thời Trần đã “Lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”, nên các sử gia từ cổ chí kim đều tán thán với nhận định: “Khi triều đại đã sản sinh ra những con người biết lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình thì lẽ nào thiên hạ lại phụ lòng của họ”. Đó là lý giải vì sao trước sức mạnh của giặc phương mà lịch sử ghi lại đó là: thời Trần có 3 cuộc chống Nguyên Mông (đây là đội quân được mệnh danh bách chiến bách thắng, đã từng dầy xéo giẫm đạp hầu hết các vương quốc hùng mạnh từ Á sang Âu, chúng di chuyển quân rất nhanh, có thể ăn cơm trên mình ngựa)thế mà cả ba lần xâm lược Đại Việt đều thất bại thảm hại.

Nối tiếp phẩm cách của cha ông, Trần Nhân Tông tiếp tục khai mở được nội lực và tinh thần dân tộc bằng đời sống của mình trên cả hai mặt quân vương và Thiền sĩ. Trong thời gian trị vì đất nước, ông luôn luôn là người “đứng mũi chịu sào lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, coi trọng việc định quốc an dân giữ gìn tâm ý của thiên hạ, không bao giờ cho phép mình giẫm đạp lên tâm ý thiên hạ. Khi rời bỏ ngai vàng, Trần Nhân Tông chống gậy trúc đi khắp nơi trong thôn ngoài làng khuyên dân giữ gìn mười điều thiện”.

Với tinh thần trên, theo các nhà nghiên cứu lịch sử và Phật giáo đều cho rằng: “Niềm tin của đời Trần là niềm tin được phát khởi bởi lòng chân thành vì dân vì nước và lời sám hối tha thiết cho những giới hạn của bản thân trước nghịch cảnh tranh danh, đoạt lợi. Nhiều vị vua đời Trần đã tỏ rõ sự hơn người về tuệ giác khi mang niềm tin và hành động ấy đến với nhân dân”.

Vì mục đích dân cường nước thịnh, triều Trần dấn thân dựng nghiệp như bao khởi sự khó khăn của các triều đại khác, nhưng trước sức ép của ngoại xâm, họ sẵn sàng bỏ đi mọi tị hiềm, mọi chấp nhặt nhỏ nhen, không phải để khẳng định bản ngã vương triều, mà chính trong tuyệt đích của ước muốn triều Trần và cụ thể là Trần Nhân Tông đã không ngừng triển khai tư tưởng cư trần lạc đạo để bồi dưỡng tinh thần và đạo lý dân tộc.

Người cầm quân nảy mực quốc gia mà nhận biết được những khuyết điểm và giới hạn của mình thì dân tộc đó nhất định sẽ lớn mạnh, những sửa chữa khuyết điểm của họ, mang giá trị và tầm ảnh hưởng lịch sử. Bởi khuyết điểm lớn nhất mà lịch sử của hầu hết các dân tộc phải trải qua đó là sự thanh trừng tư tưởng và phát động chiến tranh tương tàn để duy trì quyền lực (quyền lực đó thời quân chủ tập trung ở vai trò Thiên tử và bộ máy quan lại).

Tuy nhiên, việc hoàn chỉnh nhân cách để người đứng đầu quốc gia thay trời hành đạo, nối dòng trị dân luôn phải xuất phát từ những hành vi đạo đức chuẩn – trên tinh thần phù hợp với thiên ý và nhân luân của người dân.

Đạo Phật đã bổ sung nhiều những hành vi ứng xử có chuẩn mực vào phong thái sống của các bậc quân vương. Vì vậy, ý nghĩa cai trị và giá trị giải thoát không những không mâu thuẫn và đối lập nhau mà còn xác lập một mẫu hình Hoàng đế – Hiền triết đầy đủ (Bi – trí – dũng) trong lịch sử dân tộc.

Như trên đã đề cập, thời Lý – Trần lấy Phật giáo là quốc đạo. Vậy tinh thần của Phật giáo trong lòng dân tộc ra sao? Nhân đầu xuân mới chúng ta cùng đến với bài minh của Lê Quát được ghi ở văn bia chùa Thiên Phúc sẽ thấy rõ điều này:

“Cái thuyết họa phúc của nhà Phật sao mà cảm động tha thiết đến lòng người sâu đến thế? Trên từ Vương Công, dưới đến thứ dân, hễ nói đến bố thí cúng dường Phật sự thì dù hết của, hết tiền cũng không tiếc. Ngày hôm nay được cúng dường vào việc xây chùa, dựng tháp thì lấy làm hân hoan như là ngày mai sẽ được báo ứng tốt đẹp. Thế nên từ trong kinh thành đến ngoài châu phủ, khắp nơi thôn cùng ngõ hẻm, không cần ra lệnh cũng tuân theo, không bắt phải thề mà cũng giữ đúng. Hễ chỗ nào có nhà dân ở thì ở đó có chùa Phật. Chùa hư nát thì sửa lại; lâu đài chuông trông chiếm đến phần nửa dân cư. Sự hưng thịnh của đạo Phật quá dễ dàng mà sự tôn sùng thì rất mực” (Việt Nam Phật giáo sử luận I – Nguyễn Lang). 

Không chỉ có bài minh này mà nhiều bài minh của các chùa thời Lý – Trần cũng có nội dung nói về cái tích cực của đạo Phật. Bởi giáo lý đạo Phật đã thấm đẫm hồn dân tộc từ bao đời.

Đứng trước mùa xuân biết bao điều muốn nói, đến đây chắc không ít bạn đọc sẽ thắc mắc: Đạo Phật đã ăn sâu bén rễ ở đất nước ta rồi sao phải kiến giải dài dòng. Xin thưa: “Đạo Phật trí tuệ đã bay cả rồi qua trời Tây? Chẳng lẽ Tây phương thừa hưởng hết tinh túy của Phật giáo? May thay chúng ta rất giàu niềm tin, nhưng lắm khi, lắm nơi đó là tin thiếu chánh pháp, đó là mê tín, đó không phải là đạo Phật. Không, nhất quyết ta không để gãy đôi cánh trí tuệ của con đại bàng Lý – Trần. Nhất quyết ta củng cố lòng tin chân chính”. Lời nói trên là nguyên văn của Giáo sư Cao Huy Thuần trong bài thuyết trình “Tại sao Phật giáo ảnh hưởng ở phương Tây” được trình bày tại nhà Văn hóa Lao Động, tỉnh Nghệ An, Nhân tuần văn hóa Phật giáo năm 2012).

Đạo Phật trí tuệ vi diệu, nhưng cũng rất thực tiễn với tất cả mọi người. Song để thấy được sự lấp lánh nhiệm mầu của giáo lý đạo Phật thì chúng ta cần phải có trí tuệ mới tiếp cận được sự tế vi của giáo lý này, nếu không dễ nhầm lẫn với tín ngưỡng dân gian thần quyền.

Nhìn lại lịch sử cha ông một thời, khiến chúng ta không khỏi kinh ngạc khi mà cách đây trên 700 năm (thời kỳ quân chủ phong kién) mà cha ông ta đã nghiên tầm giáo lý đạo Phật và coi đây là quốc giáo chủ đạo cho mọi hành xử. Phải chăng đây cũng là sức mạnh bất khả luận để dân tộc ta đánh thắng ba cuộc chống Nguyên Mông cuồng liệt nhất lịch sử chiến tranh thời bấy giờ.

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, mỗi giai đoạn có những dấu ấn riêng biệt. Thời Lý – Trần coi đạo Phật là quốc giáo thì đây cũng là một nét khác biệt. Sự khác biệt này đã được kiểm chứng và minh định bằng tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và các mối quan hệ nhân văn khác của thời đại.

Theo các nhà sử học: Thời kỳ Lý – Trần được coi là thời kỳ phát triển vàng son (huy hoàng thịnh vượng) nhất trong lịch sử dân tộc thời quân chủ phong kiến.

– Thời Lý (1010-1225) về lĩnh vực kinh tế, vương triều Lý đã chủ ý tạo ra sự cân bằng giữa các ngành kinh tế trong nước. Ngay từ khi mới lên ngôi, các vị vua đời Lý, bên cạnh việc đề ra chính sách phát triển nông nghiệp, còn ban hành những chính sách phát triển công nghiệp và giao thông vận tải.

Ngành thủ công: có nghề in sách, nghề làm vàng bạc, nghề đan lát, nghề dệt gấm vóc, tơ lụa, nghề làm đồ sứ… Về giao thông vận tải cùng với mở mang giao thông nội địa, nhà Lý cũng cho xây dựng một số thương cảng để giao dịch buôn bán với thương gia nước ngoài. Tiêu biểu là thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).

Phát triển sản xuất cũng đồng nghĩa với sự đồng nhất bản chất của thế giới vật chất và bản thể con người. Do đó, Phật giáo thời Lý có chung một phương pháp khi xem xét con người và xem xét vũ trụ, sự vận động này phải nằm trong trạng thái cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Quan niệm về trạng thái cân bằng trong vận động của vương triều Lý và của Phật giáo thời Lý là một trong những điểm sáng lịch sử tư tưởng Việt Nam.

– Thời Trần (1225-1400). Đây là thời kỳ chói sáng vẻ vang nhất và đầy đủ nhất của các yếu tố (Bi – trí – dũng) và theo các nhà sử học, nếu phải so sánh để đánh giá về vẻ đẹp dân tộc (thời kỳ quân chủ phong kiến) thì đây là thời kỳ có vẻ đẹp viên dung trác việt nhất của dân tộc.

Trong thời kỳ Lý – Trần với gần 400 năm thịnh trị, trong đó triều Lý tồn tại 215 năm, trải qua 9 đời vua (khởi đầu triều Lý là Lý Công Uẩn (1010) và kết thúc là Lý Chiêu Hoàng 1224). Triều Trần tồn tại 175 năm, trải qua 12 đời vua (khởi đầu triều Trần là Trần Thái Tông (1225) và kết thức là Trần Thiếu Đế 1398).

Khái lược đôi nét lịch sử thời Lý – Trần để chúng ta nhận diện khuôn mặt thời đại quân chủ, bởi quốc giáo thời Lý – Trần là đạo Phật. Vậy đạo Phật đã đem lại lợi ích gì ở thời kỳ này? Những vấn đề nêu trên trong bài viết đã trả lời được phần nào câu hỏi này.

Nhân ngày đầu xuân, nhìn lại lịch sử dân tộc chúng ta thêm một lần hồi hướng cha ông và biết mình đang đứng ở đâu. Mỗi khi tết đến xuân về, thắp nén tâm hương trên bàn thờ Tổ tiên và bàn thờ Phật để lòng ta không sao nhãng nhớ đến Tứ Ân.

Chào Xuân Mậu Tuất, một mùa xuân đầy ân phúc đang đến với mọi người, mọi nhà và dân tộc. Đứng trước mùa xuân, chúng ta có nhiều dự cảm và hy vọng khi ngắm nhìn những bông hoa Đạo đang nở rộ muôn phương, tỏa hương thơm ngát đất trời.  Đồng hành cùng với dân tộc – Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ 8 với chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, đạo Phật không chỉ tập trung phát triển nội lực trong nước, mà những người con Phật ai cũng đều hoan hỷ khi thấy Phật giáo đang lan tỏa sâu rộng trên thế giới, vượt qua cả những sự khác biệt về văn hóa.

Phật giáo ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo thành phần, xã hội, nhất là giới trí thức. Chính vì điều này mà thông qua nhiều loại hình phương tiện, trong đó có cả siêu xa lộ thông tin đã nhanh chóng đi vào đời sống con người. Phật học đã trở thành ngành chuyên môn được giảng dạy trong các trường đại học lớn trên thế giới. Đặc biệt là ở các trường đại học Mỹ. Các Phật học viện, các hội Phật học Tây phương đã có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng Phật học có giá trị cao. Đa số người Tây phương hiện nay đến với đạo Phật không phải như một “Tín đồ tôn giáo” mà như một con đường trí tuệ, một con đường giải thoát khổ đau.

Hiện nay, Phật giáo không còn là “sở hữu riêng” của người Phương Đông nữa, Phật giáo không còn “đóng khung” trong các tự viện, các chùa và những người tu Phật không chỉ là những tăng sĩ, sa môn. Bởi lẽ đạo Phật là phương thức sống cao cả, để có được hạnh phúc chân thật. Một tôn giáo không quá câu lệ ở nghi lễ, triết học hay thần thoại mà là ở trong đời sống, cách ứng xử đối với bản thân giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ. Một nền giáo lý không có giáo điều ấy, đã trải qua gần 2600 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị; vẫn đang là cứu cánh của một xã hội tiến bộ văn minh vật chất như hiện nay.

Đạo Phật là đạo Trí tuệ của nền văn hóa Bát chánh đạo, đó là sự dung hòa, sự điều hợp giữa cuộc sống thể chất và tinh thần để đạt tới văn minh và tiến bộ.

Xuân đến rồi, đâu đó trong mênh mông của mùa xuân vọng về tiếng chuông từ bi, rót vào tâm hồn thanh thản của ta, để ta nhận ra sức xuân miên viễn nằm ngoài vòng sinh diệt. Mùa xuân đang khai hội mới, như Pháp luân thường chuyển giục bước chân ta “Xuất hành đầu năm”. Xuân đã đến, nào chúng ta cùng nhau thượng lộ bình an trên con đường tìm kiếm nếp sống tâm linh trong mùa xuân trí tuệ này.

A Di Đà Phật!
Xuân Mậu Tuất 2018
Nguyễn Đức Sinh 

———————-

Chú thích:

(1) Thơ văn Lý Trần

Tài liệu tham khảo:

– Thiền học thời Trần – nhiều tác giả – NXB – Tôn Giáo 3/2003

– Các triều đại Việt Nam – Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng – NXB Thanh niên năm 2000

– Bài “Hãy bay với hai cánh vào hiện đại – Giáo sư Cao Huy Thuần – phatgiao.org.vn 3/7/2016”

– Bài “Lấy tâm thiên hạ làm tâm mình” – Thích Thanh Thắng – Báo Điện tử Vườn hoa Phật giáo (Nguyệt san Xuân Giác ngộ – Canh Dần 2010