.
.

Trung Quốc: Công Nghệ Mới Giúp Bảo Tồn Di Sản


Nằm cách khu hang động Yungang 1500 năm tuổi – Di sản Thế giới UNESCO – khoảng 2000 km, các chuyên gia in 3D đang hăng say làm việc không kể giờ giấc.


Nov-17-B03-H01

Trong suốt 5 tháng qua, nhiều máy móc tại một trung tâm khoa học ở thành phố Shenzhen, phía nam Trung Quốc, đã chế tác các bản sao theo kích thước thực của ba bức tượng Phật thuộc một hang của khu hang động Yungang, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Tác phẩm sao bản sẽ sớm được trưng bày tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Khu hang động Yungang có hơn 51.000 tượng Phật, bức tượng lớn nhất cao 17m và nhỏ nhất chỉ có 2cm. Ngoài ra, ở đó còn có rất nhiều tác phẩm khắc trên đá trong hang ngày càng biến mất vì xói mòn.

“Hiện nay thậm chí nhiều nhà khoa học cũng không thể ngăn chặn sự lão hóa của khu hang động bằng các phương pháp hóa học hay vật lý”, Li Zhirong, một phó giáo sư làm việc tại Viện di sản văn hóa, Đại học Chiết Giang, chia sẻ.

“Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chúng là lưu trữ thông tin của chúng một cách khoa học, toàn diện và chính xác”, nhà khoa học nói thêm.

Nov-17-B03-H02

Bằng cách sử dụng các máy quét 3D, Viện Di sản văn hóa nói trên đã cung cấp mọi thông tin cần thiết cho quá trình sao bản các hang động. Với một bức tượng cao 10 m, các lỗi thông tin giữa tác phẩm gốc và bản sao chỉ nhỏ hơn 5 mm.

Công nghệ số đã được sử dụng trong các dự án hang động và bích họa khác của Viện.

Các nhà nghiên cứu cùng với Viện Di sản văn hóa cũng đã sao bản hang số 220 thuộc khu hang động Mogao, Đôn Hoàng – một di tích nổi tiếng thế giới ở tỉnh Cam Túc, phía tây nam Trung Quốc.

Trong dự án này, đội ngũ chuyên gia đã sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại để ghi lại mọi chi tiết các bức bích họa có niên đại ở thời Đường (618-907).

Với các bức ảnh có độ phân giải cao, đội ngũ này đã sử dụng các phần mềm ghép chúng lại với nhau để có được một bức ảnh toàn thể với độ chính xác cao, theo Diao Changyu, một chuyên gia máy tính.

Nov-17-B03-H03

Công nghệ này cũng có thể giải quyết nhiều bí ẩn khảo cổ học.

Ví dụ, đội ngũ chuyên gia nói trên đã giúp xác định một phiến đá bị hư hại nghiêm trọng hồi năm ngoái sau khi thu thập các hình ảnh 3D về nó.

Phiến đá cao 2.8 m và rộng 1.3 m đặt trên đỉnh núi Jushi ở Xinzhou, tỉnh Sơn Tây. Các chữ khắc trên đá đã bị mờ đi vì xói mòn.

Bằng cách dùng những bức ảnh có độ phân giải cao, các nhà khoa học đã xác định được chữ “Tấn”. Sau đó, các nhà khoa học đã xác định phiến đá này được làm ra vào thời Tây Tấn (265-316) để vinh danh một vị tướng.

“Công nghệ mới cũng có thể giúp chúng ta ‘nhìn thấy’ nhiều thứ mà mắt thường không nhận ra được”, Qu Chuanfu, chủ tịch ủy ban học thuật của Bảo tàng Sơn Tây cho biết.

Dân Nguyễn (Dịch từ People’s Daily Online)