.
.

Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Tịnh độ tông


Bảo tàng Mỹ thuật San Antonio (Tiểu bang Texas) đã tổ chức triển lãm đầu tiên ở Mỹ với đề tài Phật giáo Tịnh độ tông, một trong những pháp tu được đông đảo Phật tử Á Đông thực hành.

Theo đó, với tiêu đề “Thiên đường và Địa ngục: Vãng sanh Tịnh độ” diễn ra từ 16-6 đến 10-9 với hơn 70 bức tranh, điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác của Tịnh độ tông, cùng các bộ sưu tập được lưu trữ vĩnh viễn ở bảo tàng.

trien-lam-nghe-thuat1 copy

Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát, niên đại TK.18, Nhật Bản
Chất liệu: gỗ, thếp vàng, màu nhuộm và kim loại

Cuộc triển lãm dưới sự giám sát của giáo sư Emily Sano, cố vấn cấp cao của Coates–Cowden–Brown về nghệ thuật Á Đông ở bảo tàng. Buổi triển lãm đem đến những kiệt tác được tạo ra từ sự tôn kính và lễ nghi của Tịnh độ tông, sưu tầm từ 20 bộ sưu tập cá nhân và học viện trên khắp thế giới, kể cả Bảo tàng Mỹ thuật Á Đông ở San Francisco, Bảo tàng Mỹ thuật Dallas và Bảo tàng Mỹ thuật Boston.

Theo giáo sư Sano, “Đó là Phật A Di Đà, ngài ngự ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nguồn gốc của Tịnh độ tông, khác với Thiền tông. Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn người niệm Phật về thế giới của ngài. Quan niệm này thu hút rất nhiều Phật tử”.

Giáo sư Sano là cựu quản lý của Bảo tàng Mỹ thuật Á Đông ở San Francisco, hiện đang làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật San Antonio. Bà cho biết cảm hứng của buổi triển lãm lần này xuất phát từ bộ sưu tập lưu trữ tại bảo tàng, trong đó có bức tượng Phật A Di Đà, Giáo chủ thế giới Tây phương Cực Lạc và căn bản của pháp tu dựa trên sự tín tâm. Bà nói, “Tôi muốn giới thiệu một tông phái Phật giáo đến với quý khán giả. Tôi là chuyên gia về Mỹ thuật Nhật Bản và các tác phẩm nghệ thuật khiến tôi bị thu hút vào chủ đề này. Vẻ đẹp sẽ gây ấn tượng cho người xem. Điều khiến tôi ngạc nhiên là Phật giáo cũng có khái niệm “địa ngục” nhưng sự khác biệt của Phật giáo là “địa ngục” không phải vĩnh viễn, bạn có thể ra khỏi đó”.

trien-lam-nghe-thuat2 copy

“Phật đường” – có từ thời Edo, niên đại TK.18, Nhật Bản
Chất liệu: gỗ, sơn mài, vàng lá, màu nhuộm và kim loại

Tịnh Độ tông phát triển ở Trung Quốc với sự khai sơn của chùa Đông Lâm (Lô Sơn, tỉnh Giang Tây) Đông nam Trung Quốc, do Đại sư Huệ Viễn (334-416) sáng lập vào năm 402 và được kế thừa bởi Đại sư Thiện Đạo (613-681).

Giáo lý Tịnh độ được thành lập dựa trên ba bộ kinh chính: kinh Vô Lượng Thọ (Longer Sukhavativyuha Sutra), kinh A Di Đà (Shorter Sukhavativyuha Sutra), kinh Quán Vô Lượng Thọ (Amitayurdhyana Sutra). Pháp tu và tư tưởng của Tịnh độ tông được giảng trong kinh luận và là một phần trọng yếu trong truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Tây Tạng. Một trong những pháp tu quan trọng của Tịnh độ tông là chấp trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà đến mức chuyên nhất và tín tâm thì hành giả sẽ được vãng sanh về Cực Lạc, tạo điều kiện cho sự giác ngộ viên mãn.

Theo giáo sư Sano, có rất ít tác phẩm Phật giáo được triển lãm ở Texas. “Tôi đặc biệt yêu thích Tịnh độ tông vì tư tưởng giản dị và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ khi còn học Đại học, tôi bị cuốn hút bởi tranh và tượng Phật giáo. Đây là một đề tài yêu thích của tôi”.

Hình tượng của Phật A Di Đà có thể khó phân biệt với hình tượng Phật Thích Ca, khi cả hai tôn tượng đều có những đặc điểm của Phật và không có nhiều điểm khác biệt. Có thể nhận biết hình tượng Phật A Di Đà qua thủ ấn, như ấn thiền định (tay phải ở phía trên tay trái, lòng bàn tay ngửa lên và ngón cái chạm vào nhau), hay ấn giáo hóa (tay phải giơ lên ngang vai, lòng bàn tay hướng ra ngoài, tay trái hướng xuống phía dưới với ngón cái và ngón trỏ chạm nhau tạo thành hình tròn). Ấn xúc địa (tay phải chỉ xuống, các ngón tay chạm đất, lòng bàn tay phải hướng về phía chân) thường thấy ở tôn tượng Phật Thích Ca thiền định.

Phật A Di Đà thường được thể hiện cùng hai vị Bồ-tát là Quán Thế Âm Bồ-tát ở bên phải và Đại Thế Chí Bồ-tát ở bên trái, vị trí này có thể thay đổi tùy theo truyền thống của các nơi khác nhau.

trien-lam-nghe-thuat3 copy

Tượng Phật bằng gỗ và vàng lá niên đại TK 17-18 của Nhật Bản

Để giới thiệu rộng rãi đến người xem, triển lãm ở Bảo tàng Nghệ thuật San Antonio đem đến những tác phẩm đến từ khắp các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Gandhara ở Nam Á và khu vực Đông Nam Á cho thấy sự trường tồn của Tịnh Độ tông trong lịch sử Phật giáo. Chiếm phần lớn trong buổi triển lãm là các tác phẩm đến từ Nhật Bản thể hiện Phật A Di Đà hiện thân ở cõi Ta Bà tiếp dẫn chúng sanh và cứu độ những chúng sanh bị rơi vào địa ngục.

Theo giáo sư Sano, “Thiên đường và Địa ngục” cung cấp thông tin rộng rãi và có chiều sâu về Tịnh độ tông, cho thấy sự khác biệt trong nhận thức và thực hành pháp tu ở các nền văn hóa khác nhau. Điểm chung của các hành giả là cảm hứng và lòng mến đạo, họ cống hiến vào đức tin của mỗi địa phương và làm cho pháp tu trở nên sinh động”.

 

Đỗ Chu Vĩnh Hưng